• Click để copy

Cuộc chiến với “cái chết trắng”của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La: Bài 3: Để ma túy không còn bủa vây bản làng (Tiếp theo và hết)

Nhằm ngăn chặn kịp thời, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng thì việc xây dựng các xã, bản không có tệ nạn ma túy có vai trò hết sức quan trọng.

Chính vì vậy, bên cạnh tổ chức, đấu tranh với tội phạm ma túy (TPMT) thì việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cho người dân rất quan trọng. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mong một ngày không xa, dưới mái nhà ở các bản làng sẽ không còn cảnh ông bố, bà mẹ đi tù vì ma túy, không còn nỗi đau và những hệ lụy do ma túy gây ra, để cuộc sống nơi núi rừng Tây Bắc bình yên, hạnh phúc.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Cơn mưa giữa hè khiến con đường từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập tới bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập trở nên lầy lội. Trên chiếc xe máy vượt con dốc cheo leo theo những ngọn núi cao ngất, Thiếu tá Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập liên tục giới thiệu vạt đồi chanh leo xanh mướt, vườn mận sai trĩu quả của bà con bản Phiêng Cài. Là bản giáp biên, có nhiều người tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thế nhưng 4 năm trở lại đây, cả bản không còn người liên quan đến ma túy. Năm 2021, bản Phiêng Cài được công nhận chuyển hóa sang địa bàn trong sạch về ma túy. “Ở Phiêng Cài, những người nghiện là người già, tức là những người nghiện đã lâu năm, không phát sinh người nghiện mới. Đa số người dân đều chăm chỉ làm ăn, không còn người nghiện thì tình trạng an ninh trật tự trên địa bàn cũng chuyển biến tốt”, Thiếu tá Cầm Bá Thành cho biết.

Cuộc chiến với “cái chết trắng”của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La: Bài 3: Để ma túy không còn bủa vây bản làng (Tiếp theo và hết)
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập động viên, tuyên truyền tại gia đình anh Tráng A Sái. 

Mới đặt chân đến cổng, chúng tôi đã nghe thấy có tiếng lao xao, cười đùa của trẻ con từ nhà Tráng A Sái, bản Phiêng Cài. Những đứa trẻ này vui vì lâu lắm rồi, bố của chúng mới ở nhà lâu đến vậy. Người đàn ông dân tộc Mông này từng có 10 năm nghiện ma túy. Cuối năm 2021, Tráng A Sái được cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lóng Sập vận động đi cai nghiện ma túy. Sau khi đi cai nghiện, cuối năm 2023, Tráng A Sái trở về nhà làm lại cuộc đời, tập trung phát triển kinh tế. Cuộc sống mới đã mở ra cho người đàn ông từng chỉ biết lệ thuộc vào ma túy ngày nào và cũng mở ra tương lai cho cả vợ con anh.

Tráng A Sái chia sẻ: “Thời gian tôi nghiện, nhà đã nghèo đói lại càng khổ hơn, trồng được cây gì, nuôi được con gì cũng nướng hết vào ma túy. Ở nhà, vợ con không có cơm ăn, mùa đông không có áo ấm, nhưng tôi thì phải có ma túy để dùng. Sau khi cai nghiện thành công và trở về địa phương, tôi được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tới hỗ trợ, giúp đỡ cây, con giống để phát triển kinh tế. Hiện nay, tôi trồng hơn 3.000m2 cây chè shan tuyết, có thóc, có ngô với đàn gà. Điều quan trọng là được ở nhà để chăm sóc các con học hành”.

Cũng giống như Tráng A Sái, anh Sồng A Chống ở bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu từng bị bạn xấu rủ rê dẫn đến nghiện ma túy. Năm 2017, anh phải đi cai nghiện bắt buộc; đến năm 2019, anh hoàn thành cai nghiện và được trở về địa phương. Giờ đây, anh cùng vợ con chăm chỉ làm nương rẫy nên cuộc sống tương đối ổn định. Anh Sồng A Chống chia sẻ: “Không chỉ động viên về tinh thần, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn còn xây nhà tặng tôi. Nhờ có bộ đội, gia đình tôi mới có căn nhà khang trang như thế này để ở”. “Những năm gần đây, ngoài việc bắt giữ những người vi phạm pháp luật, lực lượng BĐBP rất tích cực đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tác hại của ma túy cho bà con dân bản. Nhiều người đã nhận thức được việc dính dáng vào ma túy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, kinh tế gia đình khánh kiệt. Không chỉ giúp đỡ dân bản Pha Luông tạo sinh kế, xóa đói nghèo, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn còn làm rất nhiều việc có ý nghĩa cho dân bản”, Trưởng bản Pha Luông Sồng A Tủa cho hay.

Từ những cuộc vận động, tuyên truyền, nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các mô hình phù hợp. Nhiều nơi trước đây là "điểm nóng" về ma túy, nay đã không còn vấn nạn này. Bản làng bình yên hơn trước, bà con cùng nhau phát triển kinh tế, giữ vững quốc phòng, an ninh nơi tuyến đầu biên giới.

Không còn ám ảnh là “điểm nóng” ma túy

Những năm trước, tuyến biên giới tiếp giáp giữa tỉnh Sơn La và các địa phương của Lào được xác định là địa bàn hoạt động trọng điểm của TPMT. Trong đó, khu vực biên giới hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ là "điểm nóng" về TPMT của khu vực Tây Bắc và cả nước. TPMT hoạt động phức tạp đã tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự, phá vỡ cuộc sống bình yên của người dân ở khu vực biên giới tỉnh Sơn La. Trước thực tế đó, BĐBP tỉnh Sơn La đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Các đơn vị vũ trang, chính quyền địa phương đã vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới. Mặt công tác này được triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với các đối tượng, địa bàn. Trên cơ sở đó, BĐBP và chính quyền địa phương vận động nhân dân tham gia các tổ bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, tự quản an ninh trật tự tại những thôn, bản. Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn mà hoạt động của TPMT qua tuyến biên giới Sơn La có dấu hiệu giảm nhiệt. Hoạt động của những đường dây, TPMT xuyên quốc gia có vũ trang qua địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ từng bước được kiềm chế, đẩy lùi.

Nhờ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sự chuyển biến trong nhận thức của người dân hay người có liên quan đến ma túy cũng có nhiều thay đổi. Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm công tác tại cơ sở cai nghiện, ông Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết: “Trước đây, tình trạng người cai nghiện nhảy rào bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện; gây sự, không chấp hành nội quy; đánh thầy cô... xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, tình trạng trên gần như không còn. Học viên vào cơ sở đều chấp hành nghiêm các quy định. Tuy tỷ lệ tái nghiện vẫn còn nhưng cũng rất nhiều học viên cai nghiện thành công, trở thành người có ích cho xã hội”.

Nói về nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo, Thượng tá Phạm Thái Hòa, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: “Cùng với việc xác lập các chuyên án đánh đúng, đánh trúng những đường dây mua bán trái phép chất ma túy có quy mô lớn, chúng tôi cũng chủ động phối hợp với các lực lượng triển khai phương án phòng ngừa tội phạm. Trong đó chỉ đạo các đồn biên phòng nắm chắc tình hình địa bàn, triệt xóa những tụ điểm buôn bán lẻ ma túy, từng bước làm trong sạch địa bàn. Ngoài ra, đơn vị phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương đưa những người nghiện ma túy đi cai nghiện tại các trung tâm. Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh Sơn La cũng chú trọng nâng cao công tác phối hợp với lực lượng chức năng hai tỉnh Houaphanh và Luang Prabang (Lào) để nắm tình hình từ xa, đấu tranh với tội phạm trên khu vực biên giới tiếp giáp giữa các địa phương”.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.