Đà Lạt thức cùng hoa Tết
TP Đà Lạt và vùng phụ cận thuộc tỉnh Lâm Đồng đang hối hả vào vụ hoa Tết. Người và hoa không ngủ. Cảnh thu hoạch, mua bán, vận chuyển hoa diễn ra sôi động suốt ngày đêm phục vụ nhu cầu thị trường Tết Giáp Thìn 2024...
Thức cùng hoa
3 giờ sáng, ông Nguyễn Đình Hùng ở đường Nguyễn Hữu Cầu, làng hoa Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt cùng người thân đã ra vườn làm việc. Vườn cúc kim cương rộng 3 sào được trồng cách đây hơn 3 tháng đã chín vàng rực rỡ, tới kỳ thu hoạch.
Để hoa giữ được độ tươi, mẫu mã đẹp và kịp giao cho thương lái đúng hẹn, gia đình ông phải chạy đua với thời gian. Cách đó không xa, tại “thủ phủ” hoa lay ơn của tỉnh Lâm Đồng, anh Tạ Văn Trọng ở thôn Ka Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng cùng 6 nhân công cũng tất bật thu hoạch hơn 1ha hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết.
Chỉ vào những bó hoa dài được xếp ngay ngắn, anh Trọng cho biết: “Toàn bộ số hoa này sẽ được đưa vào xe đông lạnh. Tối nay xe xuất phát, sau 1 ngày 1 đêm, các vựa hoa tại Hà Nội, Hải Phòng sẽ nhận được hàng”.
Nông dân xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng thu hoạch hoa lay ơn phục vụ thị trường Tết. |
Với chất lượng, thương hiệu đã được khẳng định, hoa Đà Lạt luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người chơi hoa trong dịp Tết. Chỉ tính riêng tại xã Hiệp An, mỗi ngày có hàng trăm xe tải cùng các thương lái đổ về tạo nên khung cảnh mua bán sôi động nhất trong năm. Tại vựa hoa của bà Vương Thị Hoa nằm cạnh Quốc lộ 20 thuộc địa phận xã Hiệp An, hàng chục nhân công đang hối hả tập kết, sơ chế, đóng gói, chuyển hoa lên các xe lạnh. Bà Vương Thị Hoa có thâm niên buôn hoa đã hơn 10 năm, năm nào cũng mua hoa lay ơn ở Hiệp An bán đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung và TP Hồ Chí Minh.
“Mặc dù nhiều địa phương trồng lay ơn nhưng lay ơn Đà Lạt vẫn được ưa chuộng do vòi hoa mập, dài, nhiều nụ, khi nở bông hoa to, sắc thắm, lâu tàn, có nhiều giống mới, màu sắc bắt mắt. Vào dịp này, mỗi ngày, chúng tôi thu mua và xuất đi các tỉnh khoảng 20.000 cành hoa. Vì lượng hoa lớn, thời gian gấp gáp nên phải chia nhân công thành các tổ thay phiên nhau làm việc suốt ngày đêm”, bà Vương Thị Hoa cho biết.
Năm 2024, diện tích hoa lay ơn của xã Hiệp An đạt 180ha, sản lượng mỗi vụ khoảng 36 triệu cành. Vụ hoa lay ơn Tết tại xã bắt đầu sôi động từ giữa tháng 1-2024, nhưng cao điểm là từ ngày 30-1 đến 6-2 (ngày 27 tháng Chạp). Theo ông Thái Bình Đông, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp An, năm nay, điều kiện thời tiết ôn hòa, hệ thống thủy lợi được quan tâm nâng cấp, đầu tư tốt hơn so với những năm trước nên việc trồng hoa thuận lợi hơn, chất lượng và năng suất cũng cao hơn so với mọi năm.
Giữ cho thị trường ổn định
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, diện tích hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 toàn tỉnh đạt khoảng 3.848ha. Sản lượng hoa chậu ước khoảng 7 triệu chậu. Riêng hoa cắt cành cung ứng ra thị trường trước và trong Tết khoảng 1,5 tỷ cành.
Năm nay, do kinh tế khó khăn nên thị trường hoa Tết tại Đà Lạt khá trầm lắng. Khoảng thời gian từ đầu đến giữa tháng 1-2024, giá một số loại hoa cắt cành như cúc, ly, cát tường, hồng.. sụt giảm mạnh, sức tiêu thụ kém khiến người trồng hoa lo lắng. Rất may là càng vào những ngày cận Tết, giá hoa Đà Lạt càng nhích dần lên, cụ thể: Hoa cúc từ 10.000 đồng/bó lên 20.000 đồng/bó, hồng từ 1.500 đồng/bông lên 2.000 đồng/bông, hoa lay ơn từ 35.000 đồng/bó lên 45.000 đồng/bó...
Nông dân phường 12, TP Đà Lạt thu hoạch hoa cúc phục vụ thị trường Tết. |
Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, ngay từ đầu vụ, chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp và Hiệp hội Hoa Đà Lạt đã khuyến cáo người dân chủ động giảm sản lượng, trồng rải vụ nhằm giữ cho hoa Tết không bị “dội hàng” do cung vượt cầu.
“Năm nay, Hiệp hội Hoa Đà Lạt vận động các tiểu thương kinh doanh hoa khi ký kết với khách hàng cần đưa ra mức giá hợp lý ngay từ đầu để nhiều người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận. Tránh tình trạng đầu mùa hoa Tết đưa ra giá quá cao khiến việc tiêu thụ hoa gặp khó khăn, sát Tết buộc phải hạ giá thấp nhưng vẫn không có người mua”, ông Phan Thanh Sang chia sẻ.
Thời gian qua, nhiều nhà vườn trồng hoa tại Đà Lạt vẫn thường bán hoa dưới hình thức ký gửi. Tức là thu hoạch, đóng thùng, gửi nhà xe chuyển tới các vựa hoa lớn ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố để bán. Bán được bao nhiêu, giá cả thế nào sẽ được chủ vựa báo lại, sau đó, các bên mới chốt ngày thanh toán tiền bằng hình thức chuyển khoản. Nhà vườn và chủ vựa nhiều khi không biết mặt nhau, làm ăn chủ yếu dựa vào chữ tín. Tuy nhiên, đây cũng là kiểu mua bán ẩn chứa nhiều rủi ro, bởi trên thực tế không ít hộ trồng hoa tại Đà Lạt đã bị lừa, sau khi gửi hoa đi không nhận được tiền, tìm tới nơi mới biết chủ vựa đã trả mặt bằng chuyển đi nơi khác, không thể liên lạc.
Nhằm giữ ổn định thị trường hoa Tết và giảm rủi ro cho người trồng hoa, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều chương trình kết nối giao thương với một số địa phương; tham gia triển lãm, xúc tiến thương mại; tham gia Festival hoa-kiểng Sa Đéc năm 2023... góp phần giúp người trồng hoa tiếp cận doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định và giá cả phù hợp. Địa phương đã vận động các doanh nghiệp vận tải tăng cường xe phục vụ nhu cầu vận chuyển trực tiếp đi các tỉnh; khuyến khích thương lái, nhà vườn sau khi ký kết hợp đồng thì chuyển hoa trực tiếp cho khách hàng tại các tỉnh, không tập trung về TP Hồ Chí Minh rồi mới phân phối đi như mọi năm...
Dù chịu ảnh hưởng do khó khăn chung của nền kinh tế nhưng với kinh nghiệm sau nhiều vụ hoa Tết và truyền thống chơi hoa Tết của người Việt, hầu hết người trồng hoa tại Đà Lạt vẫn tin tưởng, lạc quan về vụ hoa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.