Đằng sau kế hoạch tái thiết căn cứ Beirut của Lebanon
Lebanon đang nỗ lực tái thiết căn cứ hải quân Beirut trong bối cảnh lực lượng hải quân nước này sẽ đảm nhiệm thêm những sứ mệnh mới.
Cách đây hơn hai năm, vào ngày 4-8-2020, vụ nổ nhà kho tại cảng Beirut đã làm rung chuyển thủ đô của Lebanon. Đây được xem là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từng được ghi nhận, cướp đi sinh mạng của hơn 200 người, phá hủy hoặc làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có căn cứ Beirut-nơi đặt trụ sở của hải quân Lebanon.
Trang mạng Breaking Defense mới đây dẫn lời Tư lệnh Hải quân Lebanon Haissam Dannaoui cho biết, trong số những thiệt hại mà vụ nổ gây ra với căn cứ Beirut, có nhiều tòa nhà bị hư hại và một số tàu bị phá hủy hoàn toàn. Sau vụ nổ, “một số công việc sửa chữa” đã được tiến hành tại căn cứ Beirut. Hiện tại, với sự hỗ trợ từ bên ngoài, Lebanon sẵn sàng khởi động “nỗ lực mới nhất” nhằm tái thiết căn cứ.
Hiện trường vụ nổ nhà kho tại cảng Beirut, tháng 8-2020. Ảnh: Reuters |
Theo ông Dannaoui, mục đích chính của “nỗ lực mới nhất” là để căn cứ Beirut có thể bảo đảm rằng các tàu hiện có cũng như dự kiến sẽ mua của hải quân Lebanon trong tương lai “thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất”.
Trong khi đó, nguồn tin từ quân đội Lebanon cho biết, một kế hoạch tái thiết lớn gồm 5 giai đoạn đã được vạch ra với giai đoạn 1 dự kiến hoàn tất trước năm 2025. Thời gian kéo dài mỗi giai đoạn phụ thuộc vào năng lực tài chính thực tế. Một quan chức quân đội Lebanon tiết lộ, các giai đoạn này bao gồm từ xây dựng cơ sở hạ tầng tại căn cứ Beirut như điện, nước cho đến tòa nhà làm việc mới của Bộ tư lệnh Hải quân...
Trang mạng Breaking Defense cho biết, kế hoạch tái thiết theo giai đoạn nói trên đáng lẽ ra đã bắt đầu được triển khai vào năm 2021 nhưng buộc phải hoãn lại do cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng kéo dài mấy năm qua tại Lebanon. Vào tháng 9-2022, lực lượng công binh của lục quân Mỹ (USACE) đã đồng ý hỗ trợ quân đội Lebanon tái thiết căn cứ Beirut.
Một phát ngôn viên của USACE tiết lộ, hồi tháng 1 vừa qua, các chuyên gia USACE đã có cuộc trao đổi với phía quân đội Lebanon để “xác định những bước đi tiếp theo”. Cả quân đội Lebanon lẫn USACE đều không tiết lộ về kinh phí viện trợ. Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia Aram Nerguizian tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington cho rằng, vì cuộc khủng hoảng tài chính tác động đáng kể tới nguồn tài chính của quân đội Lebanon nên “viện trợ trở nên ngày càng quan trọng”.
Theo Tư lệnh Hải quân Lebanon Dannaoui, cùng với việc tái thiết, nhiệm vụ của căn cứ Beirut sẽ mở rộng để bắt kịp với “các nhu cầu hiện tại cũng như đang nổi lên” của đất nước. Trong tương lai, khi Lực lượng lâm thời Liên hợp quốc tại Lebanon (UNIFIL)-vốn được triển khai làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại vùng biên giới phía Nam của Lebanon theo Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hồi năm 2006-kết thúc sứ mệnh, ông Dannaoui cho biết, “nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm” mà UNIFIL để lại sẽ do hải quân Lebanon gánh vác.
Ngoài ra, ông Dannaoui nhấn mạnh, lực lượng hải quân còn đóng vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Lebanon. Trên thực tế, Lebanon đang tiến hành thăm dò khí đốt tại vùng biển của nước này ở Địa Trung Hải sau khi ký thỏa thuận với các công ty TotalEnergies (Pháp), Eni (Italy) và QatarEnergy (Qatar) hồi cuối tháng 1-2023.
“Việc tái thiết căn cứ Beirut có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai kinh tế của Lebanon bởi cùng với nhiều nhiệm vụ khác, hải quân nước này có nhiệm vụ bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của đất nước... Lebanon sẽ cần lực lượng hải quân giúp bảo vệ các thỏa thuận khí đốt mới tiềm năng có thể đem lại "phao cứu sinh" tài chính vốn rất cần thiết cho quốc gia Trung Đông đang gặp khó khăn này...
Trong khi Lebanon có lực lượng hải quân nhỏ với khoảng 60 tàu, chuyên gia Nerguizian cho rằng, lực lượng này có thể dựa vào sự giúp đỡ từ các nước khác như Mỹ, Pháp, Đức thông qua các gói viện trợ quân sự”, trang mạng Breaking Defense nhấn mạnh.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.