• Click để copy

Dấu mốc trong quá trình phát triển liên minh đoàn kết chiến đấu Việt - Lào

Chiến thắng Thượng Lào 1953 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt-Lào.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang đã nhấn mạnh như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào (1953-2023). Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên (PV): Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và QĐND Lào có truyền thống gắn bó, kề vai sát cánh bên nhau, trong đó phải kể đến sự phối hợp góp phần làm nên Chiến thắng Thượng Lào 1953. Đại sứ đánh giá như thế nào về nhận định này?

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Trước hết phải khẳng định rằng, mối quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc chúng ta vốn được hình thành và hun đúc trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước đã ngày càng mở rộng, phát triển, được nâng lên về chất kể từ khi có sự ra đời và lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang trả lời phỏng vấn báo chí về Chiến thắng Thượng Lào 1953. Ảnh: VĨNH AN 

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang trả lời phỏng vấn báo chí về Chiến thắng Thượng Lào 1953. Ảnh: VĨNH AN 

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2-9-1945) và Chính phủ Lào Issara (ngày 12-10-1945) là cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam-Lào lên tầm liên minh chiến đấu. Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt vào ngày 16-10-1945 và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt vào ngày 30-10-1945. Đây là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam-Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung.

Nhắc đến liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai nước, Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào chính là một biểu tượng cao đẹp của sự gắn kết bền chặt ấy. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân và đế quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, sát cánh cùng quân và dân Lào chiến đấu cho đến ngày toàn thắng, góp phần trực tiếp vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng 3 nước Đông Dương: Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chủ tịch Kaysone Phomvihane từng nói: “Các đồng chí chiến sĩ quốc tế đặc biệt Việt Nam chấp hành chỉ thị của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu cao tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, yêu nhân dân Lào như bố mẹ, anh em ruột thịt của mình, đồng cam cộng khổ, “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho chúng tôi, kề vai sát cánh chiến đấu sống chết bên nhau với quân đội và nhân dân chúng tôi trong từng chiến hào, trên khắp chiến trường trong cả nước với tinh thần anh dũng tuyệt vời”.

Riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Quân tình nguyện Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, kề vai sát cánh cùng quân đội Lào Issara chiến đấu và chiến thắng vẻ vang. Từ phối hợp tác chiến bằng những trận đánh nhỏ lẻ, Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Lào Issara càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực Việt Nam cơ động sang mở những chiến dịch lớn giành thắng lợi, trong đó phải kể đến Chiến dịch Thượng Lào 1953 (từ ngày 13-4 đến 3-5-1953), mở rộng căn cứ kháng chiến của Lào, nối liền với vùng Tây Bắc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 3, từ trái sang) và Hoàng thân Souphanouvong (thứ 4, từ trái sang) bàn kế hoạch phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào 1953. Ảnh tư liệu 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ 3, từ trái sang) và Hoàng thân Souphanouvong (thứ 4, từ trái sang) bàn kế hoạch phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào 1953. Ảnh tư liệu 

PV: Chiến thắng Thượng Lào 1953 có ý nghĩa như thế nào đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước Việt Nam và Lào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Chiến thắng Thượng Lào 1953 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do của hai nước chúng ta. Trước hết, nhiều sinh lực địch đã bị tiêu diệt, hệ thống bố trí quân Pháp trên chiến trường Đông Dương buộc phải co lại một cách bị động, lực lượng cơ động bị căng mỏng và phân tán.

Chiến thắng Thượng Lào 1953 cũng góp phần tạo nên một cục diện mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Lào, đưa cách mạng Lào từ chỗ chỉ có những căn cứ địa nhỏ đến chỗ có một căn cứ địa rộng lớn và sát liền với vùng giải phóng của Việt Nam. Ngoài ra, thông qua Chiến thắng Thượng Lào 1953, lực lượng kháng chiến Lào được tôi luyện và trưởng thành, niềm tin vào liên minh đoàn kết chiến đấu giữa hai nước được củng cố thêm, thế phối hợp chiến lược giữa cách mạng hai nước Việt Nam-Lào cũng có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.

PV: Theo Đại sứ, Chiến thắng Thượng Lào 1953 để lại bài học gì đối với quan hệ hai nước Việt Nam-Lào ngày nay?

Đại sứ Sengphet Houngboungnuang: Chiến thắng Thượng Lào 1953 là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt-Lào. Đây không chỉ là một chiến thắng về quân sự đơn thuần mà là thắng lợi của tinh thần quốc tế vô sản cao cả.

Chiến thắng này đã góp phần khẳng định vai trò to lớn của mối quan hệ đoàn kết chiến đấu, gắn bó keo sơn giữa quân và dân hai nước trong cuộc chiến chống kẻ thù chung vì độc lập dân tộc. Không riêng Chiến thắng Thượng Lào 1953, nhìn lại chặng đường lịch sử hào hùng đã qua, chúng ta vô cùng tự hào về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào đã trở thành quy luật phát triển, là nhân tố quan trọng bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước và là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang phát triển hết sức nhanh chóng và phức tạp, hơn bao giờ hết, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước chúng ta càng phải không ngừng chung sức, đồng lòng giữ gìn, bảo vệ, vun đắp, phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết ấy, tiếp tục đưa sự nghiệp cách mạng của hai dân tộc chúng ta vững bước đi lên theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh và hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

HOÀNG VŨ (ghi)

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.