Đẩy nhanh các dự án điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa mới chủ trì buổi làm việc với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trong Quy hoạch điện VIII.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, tổng công suất đặt đến năm 2030 khoảng 150 GW (gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay). Như vậy, để bảo đảm cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 là một thách thức rất lớn, bởi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa các bon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.
Song theo Bộ trưởng, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế.
“Vì thế, phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, bởi nguồn điện LNG có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát, đồng thời ít phát thải CO2”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) trong Quy hoạch điện VIII |
Từ kinh nghiệm triển khai các dự án LNG cho thấy, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện này khá dài. Thực tế, để triển khai một dự án LNG (từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành) nhanh nhất ước tính 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm.
“Cho nên, việc chậm tiến độ các nguồn điện, đặc biệt chậm phát triển nguồn điện nền sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng tới an ninh năng lượng điện quốc gia”, tư lệnh ngành Công Thương nhấn mạnh và khẳng định, buổi làm việc có ý nghĩa rất lớn nhằm quán triệt, triển khai tinh thần cơ bản Quy hoạch điện VIII và triển khai các dự án trọng điểm, ưu tiên để phát triển các nguồn điện nền tại Việt Nam đến năm 2030; đồng thời bàn, thống nhất các giải pháp chủ yếu để sớm đưa các dự án điện khí và các dự án điện nguồn/nền vào sử dụng.
Cũng trong buổi làm việc, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã báo cáo một số nội dung liên quan đến Quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong Quy hoạch điện VIII.
Ông Dũng cho biết, quy hoạch công suất nhiệt điện LNG phục vụ cho nhu cầu trong nước là 22.400MW (chiếm 14,9% tổng công suất của toàn hệ thống điện). Đây là nguồn điện chuyển tiếp trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, do phát thải C02 và các chất gây ô nhiễm khác thấp hơn nhiều so với điện than, có khả năng chuyển sang sử dụng hydro khi giá thành sản xuất điện từ hydro hợp lý.
Hiện nay, có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại buổi làm việc |
Cũng tại cuộc họp, đại diện Lãnh đạo PVPower và Lãnh đạo các tỉnh: Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An đã báo cáo tiến độ triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG tại địa phương.
Ngoài ra, đại diện lãnh đạo các tỉnh: Bạc Liêu, Long An, Quảng Ninh, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Bình, Bình Thuận, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An đã báo cáo tiến độ triển khai, cũng như những khó khăn, vướng mắc các dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng khí LNG tại địa phương
Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên một lần nữa khẳng định, an ninh năng lượng nói chung (điện nói riêng) là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết, bởi năng lượng không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Việc triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII, nhất là các dự án quan trọng, ưu tiên càng cần khẩn trương, hiệu quả, chắc chắn bởi chỉ còn 7 năm (đến năm 2030) để thực hiện cho lộ trình 10 năm, quy mô nguồn điện phải tăng gấp 2 lần so với hiện nay và cơ cấu nguồn điện thay đổi căn bản theo hướng sạch hơn, cân bằng, ổn định hơn; vì vậy để thực hiện được cần huy động được nhiều nguồn vốn, công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Để bảo đảm các dự án điện khí được triển khai, thực hiện đúng tiến độ theo Quy hoạch, Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan, quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đối với các dự án đã có chủ đầu tư: Các địa phương cần tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính…) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương thực hiện dự án theo đúng tiến độ, yêu cầu trong chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư và để bảo đảm an ninh năng lượng điện, cần kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gợi mở một số giải pháp đẩy mạnh các dự án điện LNG phát triển |
Thứ hai, đối với các dự án chưa có chủ đầu tư: Cần khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào Quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương để làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định của Nhà nước.
Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong qúy III năm 2023. Đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, phấn đấu hoàn thành trong Quý IV/2023. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, vận hành dự án... bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Tiến độ xây dựng, vận hành các nhà máy điện LNG có ý nghĩa quyết định tới an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030, vì vậy nếu dự án nào có nguy cơ chậm tiến độ, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy lùi tiến độ của dự án đó và đẩy sớm các dự án dự phòng/hoặc tính toán các phương án khác thay thế để bảo đảm an toàn hệ thống và cung ứng điện cho đất nước.
Đối với một số đề xuất, kiến nghị của các địa phương về những vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; môi trường; hạ tầng truyền tải; thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện…, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và lãnh đạo địa phương để kịp thời xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo giải quyết. Bộ Công Thương sẽ lập các Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Đặc biệt là khẩn trương tiến hành thẩm định và thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi nhà đầu tư trình đủ hồ sơ dự án theo quy định.
“Với sự vào cuộc tích cực, sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, hy vọng 13 dự án điện LNG trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của Quy hoạch điện VIII sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động theo đúng tiến độ được phê duyệt”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.