Nỗi lo về thủ tục cấp phép, điều kiện đầu tư
Luật Viễn thông được ban hành lần đầu vào năm 2009. Sau 14 năm thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập và cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với sự phát triển của ngành viễn thông. Tại dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ năm, phạm vi điều chỉnh được mở rộng đối với 3 dịch vụ mới là trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ viễn thông cơ bản trên internet (OTT viễn thông). Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp và nhà đầu tư vào dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây tại Việt Nam lại lo ngại về sự thay đổi này. Các doanh nghiệp cho rằng, quy định mới có thể làm phát sinh những điều kiện đầu tư, thủ tục cấp phép và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây được hiểu là những dịch vụ lưu trữ dữ liệu quy định tại Điều 18 của Luật Công nghệ thông tin và một số văn bản hướng dẫn, theo đó không bị hạn chế về đầu tư nước ngoài và không phải xin cấp giấy phép viễn thông.
Việc dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm các dịch vụ viễn thông có thể kéo theo việc áp dụng các điều kiện đầu tư và thủ tục cấp phép viễn thông như áp dụng đối với các dịch vụ viễn thông khác, từ đó tác động bất lợi đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu nước ngoài đang cân nhắc đầu tư hàng tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng trong nước.
Theo các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia như WTO, CPTPP hay EVFTA, Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường viễn thông. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào dịch vụ viễn thông sẽ bị hạn chế về vốn đầu tư trong khoảng từ 49% đến 65% tùy thuộc vào loại hình dịch vụ viễn thông và quốc tịch của nhà đầu tư.
Điều 12 của dự thảo đang quy định “hình thức, điều kiện đầu tư nước ngoài và tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông phải theo các quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”. Như vậy, nếu không có quy định rõ ràng đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì nhà đầu tư nước ngoài vào hai loại hình dịch vụ này cũng sẽ bị hạn chế về tỷ lệ vốn đầu tư cũng như các điều kiện tiếp cận thị trường như đối với hoạt động đầu tư vào dịch vụ viễn thông. Bên cạnh đó, cả các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài khi đầu tư vào các dự án xây dựng trung tâm dữ liệu hay cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam cũng sẽ phải xin cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Vì vậy, việc đưa các dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây vào nhóm dịch vụ viễn thông sẽ tạo nên những hạn chế và rào cản pháp lý cũng như nhiều thủ tục hành chính đối với hoạt động đầu tư, cung cấp các dịch vụ này, làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các dịch vụ lưu trữ dữ liệu và từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu số nói riêng và của cả ngành kinh tế số nói chung.
Cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế
Theo một số báo cáo nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trong quản lý dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu, hầu hết các nước không quy định và quản lý hai loại dịch vụ này như các dịch vụ viễn thông vì tính chất của các loại dịch vụ này là khác nhau. Dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu được truy cập qua mạng viễn thông (hoặc qua dịch vụ viễn thông) và được quản lý theo khuôn khổ chung của các luật hiện có về trò chơi điện tử, websites, giao dịch tài chính, âm nhạc và điện ảnh. Đối với các nước đã có quy định quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây thì thường theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở tiêu chuẩn quốc tế.
Theo một số kiến nghị của các chuyên gia, thay vì quy định tại Luật Viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây nên được quy định tại Luật Công nghiệp công nghệ số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo. Điều này sẽ khuyến khích hai loại hình dịch vụ nói trên phát triển mạnh mẽ và cởi mở, phá bỏ những hạn chế và điều kiện về đầu tư, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào hai loại dịch vụ này.
Trong buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội vào ngày 10-6 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với quy định về dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu cũng như đánh giá kỹ lưỡng tác động của việc đưa các dịch vụ này vào trong phạm vi dự thảo nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển vào lĩnh vực này.
HOÀNG CHUNG