DIỄN ĐÀN AN NINH LƯƠNG THỰC: Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Tận dụng thời cơ cho xuất khẩu gạo nhưng phải giữ an ninh lương thực quốc gia
"Vượt mức 610 USD/tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam đột phát trên nhiều thị trường, đây là tín hiệu vui cho ngành lúa gạo của Việt Nam. Chúng ta cần tận dụng thời cơ nhưng phải giữ vững an ninh lương thực quốc gia" - đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại hội nghị điều hành xuất khẩu gạo diễn ra tại TP Cần Thơ sáng 4-8.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại hội nghị điều hành xuất khẩu gạo diễn ra tại thành phố Cần Thơ ngày 4-8. |
Gạo Việt Nam đột phá tại nhiều thị trường
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại gạo toàn cầu diễn biến còn phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang... nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và các bộ, ngành về các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực.
Ước tính đến hết tháng 7-2023, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo - trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gạo tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tại thị trường truyền thống, thị trường có FTA thế hệ mới. Cụ thể, khu vực thị trường châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu lớn nhất trong 6 tháng năm 2023; đạt gần 3,3 triệu tấn; chiếm 77,7% tổng lượng xuất khẩu; tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp đến là khu vực thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 2%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 84,5 nghìn tấn - tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2022. Khu vực thị trường châu Phi ghi nhận sự tăng trưởng, xuất khẩu gạo đạt hơn 631 nghìn tấn - chiếm 15% tổng lượng gạo xuất khẩu; tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022.
Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam - chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ 2 là Trung Quốc chiếm hơn 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn), tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ 3, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn), tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022).
Cơ cấu chủng loại tiếp tục đi đúng định hướng Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030 đã đặt ra với mục tiêu gia tăng giá trị cho hạt gạo. Chủng loại gạo trắng thường vẫn tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 55,5% tổng lượng xuất khẩu (tương đương khoảng 2,35 triệu tấn); tiếp đến chủng loại gạo thơm các loại chiếm khoảng 24,2% tổng lượng xuất khẩu (khoảng 1 triệu tấn); chủng loại gạo nếp đứng thứ 3, chiếm khoảng 8,5% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 358,5 nghìn tấn); gạo tấm chiếm 7,6% tổng lượng xuất khẩu (lượng đạt khoảng 324,1 nghìn tấn).
Giá gạo tặng nhưng do có độ trễ nên so với gạo Thái Lan, mức tăng giá của gạo Việt Nam diễn ra chậm, so với ngày 20-7-2023, hiện giá gạo Thái Lan tăng gần 60 USD/tấn, trong khi giá gạo Việt Nam mới tăng có 25 USD/tấn. Sang đến ngày 1-8-2023, thị trường biến động gia tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên mức 590 USD/tấn đối với chủng loại 5% và tiến gần hơn với giá gạo của Thái Lan (625 USD/tấn); đối với đơn hàng giao tháng 8-2023 giá gạo vượt mức 610 USD/tấn với gạo 5%.
Ba nguyên tắc cần lưu ý
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn. Cụ thể, công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa gạo còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp.
Cơ chế liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất, ngân hàng trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt. Vì vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn nhỏ lẻ. Hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa có sự tiếp sức của ngân hàng.
Xuất khẩu gạo đạt tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn phải tính toán bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. |
Nhận định các yếu tố tác động đến xuất khẩu những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sản xuất lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của nhiều yếu tố như địa chính trị, biến đổi khí hậu…. Cụ thể, theo báo cáo công bố ngày 14-7-2023 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng gạo thế giới năm 2023, 2024 được dự báo đạt mức 520,8 triệu tấn; tăng 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng tiêu thụ trên toàn cầu năm 2023, 2024 dự kiến đạt mức kỷ lục 523,9 triệu tấn, cao hơn 2,5 triệu tấn so với năm 2022, vượt sản lượng gạo dự kiến 3,1 triệu tấn. Thương mại toàn cầu năm 2024 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn, tăng hơn 1% so với năm trước. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho năm 2023, 2024 được USDA dự báo đạt 170,4 triệu tấn, thấp hơn 1,8% so với năm trước và là mức tồn cuối vụ thấp nhất kể từ niên vụ 2017, 2018 do nhiều quốc gia tăng xuất khẩu đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia…
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu do tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen bị đổ vỡ, biến đổi khí hậu thay đổi điều kiện gieo trồng… sẽ làm suy giảm nguồn cung và giá lương thực tăng cao. Do đó, hầu hết các quốc gia đều đang xem xét kỹ các tác động từ bối cảnh thị trường toàn cầu để nhanh chóng đưa ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất trong nước và bình ổn giá cả lương thực nội địa.
Với những diễn biến này, các nước đang tăng cường dự trữ, tình trạng thiếu hụt đã diễn ra khá nghiêm trọng, giá gạo toàn cầu tăng mạnh. Trong thời điểm này, vấn đề đặt ra là phải làm sao để chúng ta vừa tận dụng sản xuất xuất khẩu, nhưng vẫn giữ được an ninh lương thực trong nước và giữ được thương hiệu gạo trên thị trường thế giới.
"Chúng ta vừa đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo nhưng phải giữ được an ninh lương thực, giữ được thương hiệu. Chúng ta vất vả lắm mới có thương hiệu nhưng nếu thừa thế xông lên mà không tuân thủ nghiêm quy luật thị trường thì chúng ta sẽ đánh mất thương hiệu. Chúng ta tăng xuất khẩu không chỉ ở thị trường truyền thống mà còn với các thị trường tiềm năng nhưng phải giữ nguyên tắc an ninh lương thực. Có 3 nguyên tắc cần phải tuân thủ: Thứ nhất là tranh thủ sản xuất, xuất khẩu gạo để đạt được giá trị xuất khẩu cao nhất, tranh thủ mở rộng thị trường tốt nhất. Thứ hai là phải bảo đảm an ninh lương thực. Thứ ba là phải giữ được thương hiệu gạo", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
THÚY AN (ghi)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.