Doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận vốn vay
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ đạo về việc giảm lãi suất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, quá trình triển khai tại các ngân hàng thương mại cho thấy vẫn còn những khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Tăng trưởng tín dụng còn thấp
Ngày 31-3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành, cụ thể: Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; trong khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung-cầu vốn thị trường.
Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã hai lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Ảnh minh họa: vtv.vn |
Theo số liệu từ NHNN Việt Nam, tính đến ngày 28-3, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022-thời điểm nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tăng trưởng tín dụng ở mức không cao, nguyên nhân là do những lĩnh vực trọng điểm, động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư, công nghiệp chế biến-chế tạo... suy giảm, dẫn đến cầu tín dụng thấp. Ngoài ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng thực tế.
Là một doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bà Trịnh Thị Thúy Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Phát triển Thương mại Thái Dương chia sẻ: "Hiện nay, doanh nghiệp của tôi vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, mặc dù đã là khách hàng nhiều năm vay vốn của ngân hàng. Cuối năm 2022, ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp của tôi phải trả hết nợ khoản vay cũ thì sau đó mới được vay vốn mới. Do đó, tôi đang phải đi vay từ bên ngoài với mức lãi suất cao hơn để có tiền duy trì hoạt động của doanh nghiệp".
Đánh giá về tình hình thực tế, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean kiêm Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là dòng tiền. Các doanh nghiệp này đang bị vướng hàng tồn kho cả đầu vào và đầu ra, nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu giảm sức mua, đơn hàng phục hồi chậm.
Trong khi đó, họ lại phải đối diện với các khoản vay nợ cũ đã đến hạn, nếu không có tiền để trả nợ thì nhiều doanh nghiệp sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu, dẫn tới càng khó tiếp cận vốn vay hơn. Ông Phạm Văn Việt mong muốn NHNN Việt Nam cũng như các ngân hàng thương mại giữ nguyên nhóm nợ, linh hoạt điều kiện tài sản bảo đảm, điều kiện cho vay đối với các doanh nghiệp dệt may.
Báo cáo về tình hình hoạt động doanh nghiệp trong tháng 3-2023 và quý I-2023 từ Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho thấy, khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay; nhiều doanh nghiệp không được giải ngân, chuyển nhóm nợ xấu... Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho rằng, với tình hình thị trường hiện nay, lãi suất hơn 10% thì sẽ có nhiều doanh nghiệp không dám vay cho đầu tư dài hạn. Các doanh nghiệp hiện đang rất cần vốn lưu động để vượt qua giai đoạn khó khăn. Do vậy, cần có chính sách linh hoạt hơn trong điều kiện cho vay, nếu không thì doanh nghiệp vẫn sẽ gặp khó trong tiếp cận vốn.
Trao đổi với phóng viên, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty Luật TNHH Gattaca (Gattaca Law) nhìn nhận, trong thời gian qua, Chính phủ, NHNN Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn này. Thực trạng này xuất phát từ các nguyên nhân sau: Mặc dù các ngân hàng đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất nhưng theo quy định của Luật Các TCTD hay theo các văn bản hướng dẫn của NHNN Việt Nam thì ngân hàng vẫn phải bảo đảm khả năng thanh khoản, bảo đảm an toàn cho ngân hàng cũng như toàn hệ thống.
Hay nói cách khác, mặc dù các ngân hàng đưa ra những chương trình ưu đãi lãi suất nhưng không được phép hạ chuẩn tín dụng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp trước đây vốn chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thì nay, dù ngân hàng đưa ra các chương trình ưu đãi cũng vẫn rất khó để tiếp cận được nguồn vốn này. Đa số các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới thành lập, tình hình tài chính dễ bị tổn thương hoặc thiếu minh bạch, không có tài sản thế chấp theo quy định nội bộ của TCTD.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng muốn ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng cho các khách hàng truyền thống của mình, những khách hàng vốn có đầy đủ điều kiện theo quy định của TCTD. Cùng với đó, ngân hàng cũng ưu tiên vốn cho các khách hàng có quan hệ với ngân hàng đó đang gặp khó khăn về tài chính, nếu không có nguồn vốn hỗ trợ thì có thể rơi vào tình trạng phá sản và nếu điều đó xảy ra thì các ngân hàng cũng chịu thiệt hại nặng nề theo. Như vậy, thực tế là các ngân hàng cũng phải lo cho mình trước, các chương trình ưu đãi của TCTD cũng giống như hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” mà thôi.
Đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề quan trọng hiện nay là cần nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khi đó thì việc giảm lãi suất của các ngân hàng mới có thể phát huy hiệu quả thực sự trong việc giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Để làm được điều này, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như các chính sách hỗ trợ khác. Các chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh về việc tạo thuận lợi từ chính sách thuế thông qua giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tạo hiệu ứng lan tỏa. Từ đó mới có thể tạo cú hích tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Phó thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: "NHNN Việt Nam đang nghiên cứu chính sách giãn, hoãn nợ để tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Tuy nhiên việc giãn, hoãn nợ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa bảo đảm an toàn cho các ngân hàng. Giãn, hoãn nợ song phải bảo đảm không làm sai lệch bản chất nợ xấu của nền kinh tế, không để giãn nợ nhằm che giấu nợ xấu và cũng phải bảo đảm thanh khoản, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng. Thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp".
Để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, TS, luật sư Nguyễn Thành Nam cho rằng, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao giá trị của mình. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao kỹ năng quản trị điều hành, hiệu quả hoạt động kinh doanh và biết chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp tín dụng đầy đủ theo yêu cầu của các TCTD. Chỉ khi doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng biết nhìn nhận lại bản thân, tự biến mình trở thành khách hàng tiềm năng thì khi đó, chính các ngân hàng sẽ là người chào mời các gói tín dụng ưu đãi dành cho họ.
TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) lưu ý, việc giảm từ 1% đến 2% lãi suất cho vay chỉ có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp lớn, có giá trị khoản vay cao. Còn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì sẽ quan tâm nhiều hơn đến các điều kiện vay vốn. Do đó, đối với việc ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, ngoài quy định cung cấp báo cáo tài chính thì quan trọng hơn là phải xem xét phương án kinh doanh khả thi. Từ đó có phương án cấp vốn phù hợp tình hình thực tế của các doanh nghiệp này để họ được thụ hưởng chính sách giảm lãi suất cho vay từ NHNN Việt Nam.
NGUYỄN ANH VIỆT
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.