Đối ngoại quốc phòng - Tự hào truyền thống, vững bước tương lai: Bài 3: Đan xen lợi ích - Tin cậy chiến lược (Tiếp theo và hết)
Năm nay vừa tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế (HNQT) và đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) đến năm 2020 và những năm tiếp theo (Nghị quyết 806). Bối cảnh thế giới, khu vực 10 năm qua diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo nhưng HNQT và ĐNQP đã có bước phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Những thành tích đạt được trong những năm qua là nền tảng quan trọng để HNQT và ĐNQP đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc tạo thế đan xen lợi ích, củng cố tin cậy chiến lược với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước ASEAN và các nước bạn bè truyền thống. Từ đó tranh thủ tối đa sự ủng hộ quốc tế, tăng cường tiềm lực, khả năng tự lực, tự cường về quân sự, quốc phòng, nâng cao sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời phát huy vai trò tiên phong của ĐNQP trong giữ vững môi trường hòa bình ổn định để xây dựng, phát triển đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.
Thành công và kinh nghiệm trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 806 có thể tóm tắt trong việc triển khai tổng thể các nhiệm vụ từ quán triệt nghị quyết; hoàn thiện cơ chế chính sách; mềm dẻo, kiên trì, sáng tạo trong hợp tác quốc phòng song phương và đa phương; hợp tác về công nghiệp quốc phòng...
Ngay khi Nghị quyết 806 được ban hành, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 806 cùng các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến HNQT và ĐNQP đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân viên. Qua đó giúp đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với các hoạt động HNQT và ĐNQP.
Việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành; cơ chế chính sách và hệ thống văn bản pháp lý liên quan bảo đảm cho các hoạt động HNQT và ĐNQP được chú trọng. Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 24-5-2017 về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban chỉ đạo 701) và Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 10-5-2018 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban chỉ đạo 515). Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký ban hành 11 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực HNQT và ĐNQP, làm cơ sở để công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện ngày càng đi vào nền nếp.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tham quan gian trưng bày của Binh đoàn 18 tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. |
Khi nghị quyết đã được quán triệt, các cơ chế quản lý và cơ sở pháp lý được hoàn thiện, thành công của HNQT và ĐNQP đã được hiện thực hóa bằng những kết quả cụ thể.
Trên bình diện song phương, các nội dung, hình thức quan hệ hợp tác quốc phòng đi vào chiều sâu, thực chất. Bộ Quốc phòng đã tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng với các đối tác. Trong giai đoạn 2014-2023, các cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng đã tổ chức đón tiếp hơn 1.650 đoàn quân sự các cấp các nước sang thăm, làm việc tại Việt Nam và tổ chức gần 2.170 đoàn quân sự các cấp đi công tác nước ngoài. Những chuyến thăm và làm việc này đóng vai trò quan trọng để triển khai những định hướng, nội dung hợp tác đã được xác định trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, qua đó tăng cường lòng tin chiến lược, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng đi vào thực chất. Từ năm 2014 đến nay, các cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng đã tham mưu ký kết gần 270 văn bản hợp tác với 31 nước và tổ chức quốc tế.
Đặc biệt, với các nước láng giềng có chung biên giới trên bộ, trên biển, hợp tác quốc phòng, an ninh đã từng bước nâng cao về mức độ đan xen lợi ích. Với các nước lớn, đã thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hiệu quả những cơ chế hợp tác, trong đó chú trọng cơ chế đối thoại chính sách/chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng với các nước, đối tác quan trọng; triển khai các văn bản, thỏa thuận ký kết nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng tương xứng với quan hệ cấp nhà nước đã được thiết lập.
Trên bình diện đa phương, ĐNQP đa phương có sự chuyển biến mạnh về tư duy từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”. Việt Nam đã đưa ra nhiều quan điểm, sáng kiến, đảm nhận và chủ trì thành công các hoạt động hợp tác thực chất trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác quốc phòng, quân sự ASEAN. Sự tham gia chủ động, tích cực ở các diễn đàn đa phương giúp phát đi thông điệp quan trọng, khẳng định uy tín, trách nhiệm của Việt Nam trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực cũng như thế giới; đồng thời truyền tải chủ trương, quan điểm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác, xây dựng lòng tin chiến lược, tạo được dư luận tốt cả trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ những lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, khởi đầu từ năm 2014, sự tham gia của Việt Nam dần được mở rộng cả về hình thức, quy mô và địa bàn triển khai, khẳng định trách nhiệm, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, được Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Hợp tác kỹ thuật quân sự có những bước phát triển mới, từ thuần túy mua sắm sang chuyển giao công nghệ, tự sửa chữa, cải tiến và sản xuất. Bên cạnh việc trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng của Việt Nam tại các triển lãm ở một số nước, thành công trong việc lần đầu tiên tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 khẳng định uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, đòi hỏi HNQT và ĐNQP phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng, nhất là Kết luận số 53-KL/TW ngày 28-4-2023 của Bộ Chính trị về HNQT và ĐNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo để tiếp tục phát huy truyền thống tự hào, vững bước hướng tới tương lai.
Bài và ảnh: NGỌC HƯNG
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.