Đơn hàng phục hồi, dệt may mở rộng tìm kiếm thị trường
Thị trường của ngành dệt may đang có dấu hiệu ấm lên, tạo xung lực giúp doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.
Dù vậy, thách thức vẫn chưa dừng lại khi đơn giá còn thấp, cùng với đó ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới môi trường, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may...
Đơn hàng trở lại nhưng đơn giá chưa tăng
Sức mua tăng, các DN dệt may đã chủ động tìm kiếm đơn hàng đến hết tháng 6, có DN đã có đơn hàng sản xuất đến hết tháng 8 và tháng 9-2024 là tín hiệu tích cực của ngành dệt may. Thông tin này được bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ tại Hội thảo định hướng sản xuất hàng may mặc do Vitas phối hợp với Công ty TNHH Lectra Việt Nam vừa tổ chức.
Sự phục hồi đơn hàng đã mang lại kết quả khả quan cho hoạt động xuất khẩu của ngành trong thời gian qua. Trong quý I, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,3 tỷ USD, tăng khoảng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. “Sở dĩ có sự khởi sắc kể trên là do hầu hết thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát, khiến sức mua tăng lên, hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi. Hiện một số DN dệt may đã thông qua Vitas để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Mục tiêu năm 2024 xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD là hoàn toàn khả thi”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai thông tin.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn Thanh Hóa. Ảnh: HƯNG PHẠM |
Thị trường hồi phục, dự kiến đơn hàng cho quý cuối năm 2024 sẽ còn dồi dào hơn, bởi đây là thời gian bước vào mùa cao điểm sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường mùa lễ, tết. Tuy nhiên, phản ánh của nhiều DN dệt may cho thấy, cũng giống như năm 2023, đơn giá vẫn chưa có sự cải thiện và thấp hơn nhiều so với thời điểm thị trường thuận lợi.
Thêm vào đó, chi phí về nguyên phụ liệu, chi phí logistics vẫn quá cao, cộng thêm áp lực thời gian giao hàng do xung đột Biển Đỏ tạo ra nhiều thách thức cho DN trong tổ chức sản xuất.
Bám sát tình hình đơn hàng để có kế hoạch sản xuất
Từ thực tế DN, bà Hoàng Thùy Oanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ thông tin, nếu như năm 2023, hầu hết khách hàng chỉ có kế hoạch đặt hàng trong vòng 3-4 tháng thì bước sang 2024 đã có kế hoạch dài hơn 5-6 tháng.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là dự kiến về kế hoạch đặt hàng; hầu hết khách hàng cũng tương đối thận trọng; từ lúc đặt đơn hàng chính thức cho tới xuất hàng chỉ 90-110 ngày, do đó, các đơn vị trong Tổng công ty phải theo dõi, bám sát tình hình đơn hàng để có công tác chuẩn bị sản xuất tốt mới đáp ứng được tiến độ giao hàng.
Bà Nguyễn Hồng Liên, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Huế cho rằng, việc có nhiều đơn hàng, quy mô lớn giúp các DN có thể ổn định trong tổ chức, điều hành sản xuất, nhưng đơn giá vẫn chưa có sự cải thiện, thấp hơn nhiều so với thời điểm thị trường thuận lợi nên hiệu quả kinh doanh chưa cao. DN phải tổ chức sản xuất tiết kiệm, với nhịp độ nhanh, năng suất cao mới đáp ứng được tiến độ.
Đề cập khía cạnh khác, một số DN dệt may cho biết, phần lớn các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam hiện nay như Liên minh châu Âu, Mỹ... đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng; trong đó siết chặt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Đó là những đòi hỏi khắt khe từ nguồn gốc nguyên phụ liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế; nhà máy đáp ứng chứng chỉ xanh...
Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện đầu tư chuyển đổi xanh, khó khăn đặt ra với DN là mỗi thị trường áp đặt một yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau gây khó khăn trong thực hiện đối với các DN. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất phải luôn kịp thời cập nhật để thích ứng.
Nhìn ở yếu tố tích cực, các DN cũng cho rằng, với Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2022, dệt may Việt Nam đang từng bước chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, hướng đến phát triển hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn và hoàn thiện chuỗi giá trị.
Đề cập đến những giải pháp thích ứng của DN dệt may trong bối cảnh hiện nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, các DN trong ngành cần tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, bạn hàng, mặt hàng. Đặc biệt, DN cần có chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, đầu tư vào quản trị số, các giải pháp đầu tư về công nghệ tự động hóa ở một số dây chuyền sản xuất, giao hàng nhanh, chất lượng cao.
Đồng thời, các DN dệt may cần tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang, quan tâm định hình đưa ra giải pháp chiến lược cho một số thương hiệu, nhãn hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, đây là vấn đề rất quan trọng để gia tăng giá trị và sức cạnh tranh. “Xanh hóa sản xuất thách thức là vậy, nhưng nếu tuân thủ và thực hiện nghiêm túc đây chính là cơ hội lớn cho DN đón đầu làn sóng chuyển đổi xanh, tiến xa hơn trên chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Vũ Đức Giang nêu.
Thực tế cũng cho thấy, một trong những khó khăn lớn của ngành dệt may hiện nay là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các DN chủ yếu tập trung vào gia công mà không phát triển khâu nguyên phụ liệu.
Phần lớn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vẫn phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Nếu không sớm giải quyết được vấn đề nguyên phụ liệu những lợi thế, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) lẽ ra các DN dệt may trong nước được hưởng sẽ dễ dàng rơi vào tay các DN nước ngoài. Vì vậy, DN trong ngành dệt may nói chung, ngành thời trang nói riêng đề xuất Chính phủ sớm thành lập trung tâm phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang.
Thông tin về những giải pháp hỗ trợ DN, đẩy mạnh xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng các FTA hiện tại và nâng cấp các FTA để mở rộng thị trường, gia tăng khả năng xuất khẩu của hàng Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác, thông tin để DN kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường đối tác.
VŨ DUNG
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.