Dồn lực khôi phục hệ thống viễn thông sau bão
Bão số 3 đổ bộ vào nước ta với cường độ mạnh và sức tàn phá khủng khiếp, để lại những thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các lĩnh vực kinh tế, trong đó có ngành viễn thông. Với mục tiêu khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) yêu cầu các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp viễn thông tập trung tối đa nguồn lực khôi phục hệ thống viễn thông cũng như hỗ trợ người dân ở những nơi còn gặp nhiều khó khăn.
10.230 trạm thu, phát sóng bị hư hại
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng viễn thông tại các địa phương cơn bão đi qua, làm đứt 7 tuyến cáp quang liên tỉnh và 12 tuyến truyền dẫn nội tỉnh; 27 cột viễn thông bị gãy đổ; 6.285 vị trí mất liên lạc di động do mất điện (các doanh nghiệp viễn thông đã nhanh chóng khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện và chuyển vùng dịch vụ giữa các mạng); 10.230 trạm thu, phát sóng BTS bị hư hại. Tại Hải Phòng và Quảng Ninh, nhiều thuê bao cố định và di động bị gián đoạn dịch vụ trong và sau khi bão đi qua, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do không liên lạc được.
Không chỉ để lại những thiệt hại to lớn về hạ tầng kỹ thuật, bão số 3 còn ảnh hưởng đến quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách đã được ngành TT-TT đề ra. Một trong số đó là nhiệm vụ tắt sóng di động 2G để tập trung hạ tầng số, tài nguyên số cho các thế hệ sóng di động tiên tiến, hiện đại như 4G, 5G, thúc đẩy nền kinh tế số. Ông Lê Văn Tùng sống tại xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết: "Việc thay đổi từ điện thoại “cục gạch” sử dụng nhiều năm qua sang điện thoại thông minh tôi vẫn chưa thể thực hiện. Kinh phí sẽ được nhà mạng hỗ trợ nên tôi không quá lo, tuy nhiên, bão để lại thiệt hại lớn quá. Vườn tược, gia cầm theo bão đi hết cả, mọi hệ thống liên lạc với người nhà, họ hàng đều ngắt quãng, đi lại khó khăn nên hiện tại tôi chỉ muốn tập trung gia cố lại nhà cửa để gia đình đỡ vất vả, việc đổi điện thoại chắc sẽ để sau”.
Đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Viettel triển khai khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: LINH NGUYỄN |
Lùi thời hạn tắt sóng 2G để bảo đảm liên lạc cho vùng bão, lũ
Ngay sau khi bão số 3 đi qua, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, doanh nghiệp viễn thông huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị từ các tỉnh, thành phố lân cận hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng và thiệt hại lớn của bão, khẩn trương khôi phục thông tin liên lạc, bảo đảm mạng lưới viễn thông trên toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng, hoạt động ổn định trở lại; tập trung khắc phục các sự cố, đặc biệt tại các khu vực người dân đang bị chia cắt nhằm bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai. Tính đến ngày 15-9, trong số 10.230 trạm thu, phát sóng BTS bị hư hại do bão số 3, Bộ TT-TT đã khôi phục được 9.425 trạm, hiện còn 805 vị trí trạm BTS chưa được khôi phục, tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
Là doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại về hạ tầng viễn thông do bão số 3 gây ra, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, chủ động kết nối các tuyến viba-truyền dẫn vô tuyến tạm thời thay thế cho tuyến cáp, thiết lập các hệ thống thông tin liên lạc. Viettel đã tăng cường gần 500 đội ứng cứu thông tin với gần 8.000 người để hỗ trợ xử lý sự cố kỹ thuật tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Các đội chăm sóc khách hàng lưu động cũng được lập ra để hỗ trợ những cá nhân và gia đình bị gián đoạn thông tin; tổ chức gần 200 điểm sạc pin với hệ thống thiết bị và nguồn điện phục vụ người dân 24/24 giờ. Đến nay, Viettel đã khôi phục hoàn toàn mạng lưới tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3, bảo đảm chất lượng mạng di động như trước bão phục vụ chính quyền địa phương, lực lượng Quân đội và người dân. Điều này góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thông suốt thông tin liên lạc, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả sau bão, giúp ổn định tình hình, giảm thiệt hại, bảo vệ an toàn cho người dân và tài sản của địa phương.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng đã huy động hàng trăm nhân lực với hệ thống thiết bị, máy móc để tập trung xử lý, khắc phục sự cố về hạ tầng, dịch vụ viễn thông tại hai địa phương chịu nhiều thiệt hại là Hải Phòng và Quảng Ninh. Đến nay, VNPT đã khôi phục hoàn toàn liên lạc trên địa bàn hai địa phương nói trên.
Đối với hoạt động chuyển đổi mạng 2G, theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, thời gian này, các doanh nghiệp viễn thông đang phải dành nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục hệ thống viễn thông nhằm bảo đảm thông tin liên lạc của người dân. Bên cạnh đó, trong số các thuê bao 2G chưa kịp chuyển đổi, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, các gia đình khó khăn, người dân sinh sống tại những địa bàn khó tiếp cận như vùng sâu, vùng xa, miền núi và một tỷ lệ tương đối lớn thuê bao nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão, lụt, gây khó khăn cho việc liên lạc và các hoạt động hỗ trợ người dân chuyển đổi thuê bao của nhà mạng. Vì vậy, Bộ TT-TT đã quyết định lùi thời hạn tắt sóng 2G đến ngày 15-10 để san sẻ khó khăn, vất vả với người dân sinh sống ở những nơi chịu ảnh hưởng của bão, lũ và cũng để hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả bão lũ. Bộ TT-TT đề nghị sở TT-TT các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 tăng cường chỉ đạo các cơ quan truyền thông cơ sở đẩy mạnh thông tin về chủ trương, quyết sách kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả bão lũ.
HOÀNG CHUNG
Tin mới
Ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất
Sáng 12-11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (1954-2024) và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2024); đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân
Chiều 12-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trả lời chất vấn, báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Báo chí và mạng xã hội: Cạnh tranh hay hợp tác?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu quảng cáo là nguồn thu quan trọng của báo chí và trận địa cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí với mạng xã hội, nhưng báo chí đang lép vế và thua trên sân nhà với 80% doanh thu quảng cáo "chảy" về mạng xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đến tháng 6-2025, phủ sóng di động tất cả những vùng lõm sóng
Không có sóng di động ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, nhiều đại biểu quan tâm tới các giải pháp xóa vùng lõm sóng viễn thông.
Hội nghị liên tịch giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào)
Sáng 12-11, tại Bộ CHQS tỉnh Kon Tum đã diễn ra Hội nghị liên tịch thường niên lần thứ XIX năm 2024 giữa Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào). Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Thiếu tướng Xokxay Phimmala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu (Lào) đồng chủ trì hội nghị.
Kinh doanh giầy giả, Hộ kinh doanh bị xử phạt 16 triệu đồng
Đội QLTT số 2 Cục QLTT tỉnh Hải Dương vừa tổ chức giám sát việc tiêu huỷ 97 đôi giầy thể thao giả mạo nhãn hiệu “Adidas và hình” là tang vật trong vụ việc buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu.