Dòng chảy khí đốt từ Nga vào châu Âu bị “khóa van”
Truyền thông Nga và thế giới cho biết, từ ngày 1-1-2025, Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU) qua Ukraine khi thỏa thuận “quá cảnh khí đốt” giữa Moscow và Kiev hết hạn.
Reuters nhận định năm 2025 có thể là năm đầu tiên trong vòng hơn 3 thập kỷ qua không có khí đốt được vận chuyển qua Ukraine vào châu Âu.
Theo thỏa thuận ký kết vào năm 2019, Nga được vận chuyển khí đốt đến châu Âu qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, thỏa thuận này chính thức hết hạn vào ngày 1-1-2025 và phía Ukraine không muốn gia hạn do cuộc xung đột đang diễn ra giữa nước này và Nga. Trong thông báo được hãng thông tấn TASS đăng tải vào ngày 1-1, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga nêu rõ, việc Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận đã buộc tập đoàn này phải dừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu từ 8 giờ sáng cùng ngày (theo giờ Moscow).
Tờ The Guardian ước tính, với việc thỏa thuận trung chuyển khí đốt nói trên bị chấm dứt, Ukraine dự kiến sẽ mất khoảng 800 triệu USD/năm phí vận chuyển từ Nga, trong khi Tập đoàn Gazprom sẽ mất gần 5 tỷ USD tiền bán khí đốt cho châu Âu.
![]() |
Nhân viên làm việc tại một nhà máy phân phối khí đốt của công ty năng lượng Moldovatransgaz tại Chisinau, Moldova. Ảnh: Reuters |
Reuters cho biết, trước khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Nga từng cung cấp gần một nửa lượng khí đốt cho EU. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, việc đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua Ukraine sang châu Âu bị “khóa van” sẽ gây tác động không đáng kể và khó có khả năng gây ra cuộc khủng hoảng giá khí đốt giống như năm 2022. Bởi thời gian qua, các quốc gia EU đã nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga và tìm được nguồn cung thay thế, đó là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được cung cấp từ Qatar và Mỹ qua đường ống ở Na Uy. Trong báo cáo công bố hồi giữa tháng 12-2024, giới lãnh đạo EU từng nói rằng, việc khóa đường ống sẽ chỉ gây ra ảnh hưởng “có giới hạn” và khối này đã chuẩn bị cho tình huống lưu lượng bị cắt giảm.
Mặc dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga đã góp phần dẫn tới suy giảm kinh tế, lạm phát tăng vọt và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở châu Âu. AFP nhấn mạnh tình hình đang trở nên nghiêm trọng ở Moldova, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine. Ngày 13-12-2024, Moldova đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày để ứng phó với khả năng Ukraine đóng đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới nước này. Gần đây, Tập đoàn Gazprom của Nga cũng tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Moldova từ ngày 1-1-2025 do tranh cãi về nợ.
Mặc dù Nga và Ukraine không thể gia hạn thỏa thuận “quá cảnh” khí đốt nhưng theo TASS, phía Kiev tuyên bố sẵn sàng nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt vào châu Âu theo yêu cầu của Ủy ban châu Âu (EC), miễn là khí đốt không bị coi là "của Nga". Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập tới khả năng Moscow ký hợp đồng với bên thứ ba, cụ thể là các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Slovakia và Azerbaijan.
Theo TASS, Thủ tướng Slovakia Robert Fico hiện là người quan tâm nhiều nhất tới việc tiếp tục mua khí đốt của Nga. Trong chuyến thăm Nga gần đây, Thủ tướng Fico cũng cho biết Slovakia có thể sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả nhằm vào Ukraine, bao gồm việc dừng cung cấp điện dự phòng cho Kiev.
ANH VŨ
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.