• Click để copy

Đóng góp hiệu quả của đối ngoại Đảng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước

LTS: Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương (1-11-1949 / 1-11-2024), đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương có bài viết về “Đóng góp hiệu quả của nền đối ngoại Đảng đặc sắc và Ban Đối ngoại Trung ương vào thành quả công tác đối ngoại chung và sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”. Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu bài viết.

Kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc, từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, dìu dắt, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, trong đó có đối ngoại Đảng, đã vươn lên tầm vóc mới, vinh dự mang danh hiệu “ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh”.

1. Đối ngoại Đảng là nét đặc sắc của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, hình thành và phát triển gắn liền với sự ra đời và lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, khởi đầu với sự kiện Nguyễn Ái Quốc trở thành đảng viên Đảng Xã hội Pháp vào khoảng năm 1918 và là một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp năm 1920. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng, dành nhiều thời gian, công sức chỉ đạo, tiến hành các hoạt động đối ngoại. Người tích cực triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân để tranh thủ sự ủng hộ của các đảng cộng sản, công nhân quốc tế, trong đó có Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân các nước đồng minh chống phát xít, tạo ra nguồn sức mạnh to lớn, quan trọng cho cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam.

Đóng góp hiệu quả của đối ngoại Đảng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu dự kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương, ngày 28-10-2024.  Ảnh: VIỆT TRUNG 

Ngày 1-11-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập Phòng Lào-Miên Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Trung ương, chuyên trách về đối ngoại của Đảng và hợp tác, giúp đỡ hai nước. Sự kiện này thể hiện tư tưởng chiến lược của Đảng ta là củng cố quan hệ Đảng làm nền tảng vững chắc cho sự đoàn kết, phối hợp giữa 3 nước Đông Dương, cũng là đòi hỏi khách quan, có ý nghĩa sống còn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của 3 dân tộc. Sự kiện này cũng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta chuẩn bị trở lại hoạt động công khai, ta chuẩn bị mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, kết nối căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Quan hệ Đảng trở thành nền tảng để tăng cường đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Cùng với quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta, chức năng, nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương tiếp tục được mở rộng theo hướng: Theo dõi tình hình thế giới, ngoại giao với các nước để giúp Trung ương nhận định tình hình, đề ra chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; giúp Trung ương lãnh đạo các ngành thi hành chính sách đối ngoại của Đảng, thống nhất chỉ đạo các ngành làm công tác đối ngoại, chỉ đạo các đảng đoàn, các bộ, đoàn thể nhân dân về công tác đối ngoại.

Chức năng, nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại được điều chỉnh qua các nhiệm kỳ đại hội, cơ bản ổn định kể từ Đại hội XI đến nay, tập trung vào: (1) Nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, đối ngoại, trong đó có tình hình các chính đảng, phong trào nhân dân trên thế giới; chủ trì, phối hợp tham mưu chủ trương, chính sách, đối sách cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư; thẩm định hoặc tham gia thẩm định các đề án về lĩnh vực đối ngoại.

(2) Tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Đảng, quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trong hệ thống Đảng, đoàn thể, tổ chức nhân dân. (3) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định về công tác đối ngoại của Đảng; chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra các hoạt động đối ngoại nhân dân, phối hợp tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân quan trọng; kiểm tra thực hiện các thỏa thuận cấp cao của Đảng ta với các đảng, tổ chức trên thế giới. (4) Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.

75 năm qua, Ban Đối ngoại Trung ương đã có vinh dự lớn được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Tổng Bí thư và nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối, lãnh đạo xuất sắc của Đảng, trong đó có các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Xuân Thủy... trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, rèn luyện và dìu dắt.

2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương đã luôn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt vai trò nòng cốt, tiên phong, tích cực, chủ động trong công tác đối ngoại Đảng, cùng công tác đối ngoại, ngoại giao chung đóng góp tích cực, hiệu quả vào những thành quả, kỳ tích lịch sử trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc và trong thời kỳ đổi mới.

Quan hệ Đảng đã trở thành định hướng chính trị cho tổng thể quan hệ với 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào và Campuchia; giữ vị trí dẫn dắt, thu hút sự ủng hộ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa đối với đất nước ta; tích cực huy động rộng rãi các tầng lớp nhân dân thế giới hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến. Sự ủng hộ trong nhiều lĩnh vực của các chính đảng và các tổ chức nhân dân có ý nghĩa quan trọng trong đấu tranh đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia và đối phó với sự bao vây, cấm vận của một số thế lực quốc tế sau khi nước nhà thống nhất.

Qua các thời kỳ, Ban Đối ngoại phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan tham gia sâu rộng hơn trong công tác theo dõi tình hình quốc tế, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối đối ngoại, trực tiếp là việc xây dựng đường lối đối ngoại của các đại hội đảng, nhiều văn kiện quan trọng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, chủ trương lớn về đối ngoại nói chung cũng như trên các lĩnh vực đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân; trong đó có: Nghị quyết Trung ương 9 (khóa III) tháng 12-1963 về tình hình thế giới và nhiệm vụ quốc tế của Đảng ta; các nghị quyết lớn về đối ngoại thời kỳ đổi mới tại Hội nghị Trung ương 7 (tháng 8-1989) và Hội nghị Trung ương 8 (năm 1990) khóa VI, Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (tháng 6-1992), Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (tháng 7-2003) và Hội nghị Trung ương 8 khóa XI (tháng 10-2013).

Bên cạnh đó còn có Kết luận 73 của Bộ Chính trị (tháng 2-2012), Chỉ thị 32 của Bộ Chính trị (tháng 2-2019) về quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới; Chỉ thị 44 (tháng 9-1994), Chỉ thị 04 (tháng 7-2011) về mở rộng, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Trên cơ sở đó, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới từng bước hình thành và không ngừng hoàn thiện, tạo nên thế chủ động chiến lược, củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác thống nhất quản lý đối ngoại, hướng dẫn và kiểm tra cũng từng bước được thể chế hóa và triển khai ngày càng nền nếp, chuyên nghiệp.

Ban Đối ngoại Trung ương đã cùng với các lực lượng làm công tác đối ngoại như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức, triển khai đường lối đối ngoại, các chiến lược của Đảng, Nhà nước với các đối tác chính đảng, tổ chức nhân dân và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta trên các vấn đề quốc tế lớn, không ngừng mở rộng quan hệ với các nước, các chính đảng, các tổ chức nhân dân trên toàn thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, phát huy truyền thống tốt đẹp và được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Tổng Bí thư, Ban Đối ngoại Trung ương đã quán triệt sâu sắc những nhiệm vụ quan trọng được giao, không ngừng tiếp tục đổi mới trong công tác tham mưu về định hướng, chủ trương lớn thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng. Công tác tham mưu chiến lược chuyển biến, được đẩy mạnh. Ban đã chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 34 (tháng 1-2023) về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII-nghị quyết toàn diện đầu tiên của Trung ương riêng về công tác đối ngoại kể từ Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị (năm 1988).

Nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, linh hoạt với tình hình, kể cả trong đại dịch Covid-19, đã được tổ chức thành công và hiệu quả, trong đó có những hoạt động đặc biệt quan trọng, tạo dấu ấn đậm nét như: Họp lại cơ chế các đồng chí đứng đầu 3 đảng của 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào sau 30 năm; các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8-2024); các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (tháng 9-2023), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12-2023) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (tháng 6-2024); Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Đại hội đồng Liên hợp quốc và làm việc tại Mỹ, thăm Cuba, dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ và thăm Pháp, Mông Cổ, Ireland (tháng 9 và 10-2024).

Tại kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá cao và biểu dương công tác của Ban Đối ngoại Trung ương trong 75 năm qua, nhấn mạnh: “Đối ngoại Đảng gắn với công tác của Ban Đối ngoại Trung ương luôn đóng vai trò nòng cốt trong định hướng chiến lược chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng ta, huy động mạnh mẽ, có hiệu quả sức mạnh quốc tế, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân tiến bộ, những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, tạo nguồn lực to lớn góp phần đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên nhiều kỳ tích”.

Với những thành tích xuất sắc trong công tác đối ngoại 75 năm qua, Ban Đối ngoại Trung ương đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu cao quý khác; Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng bức trướng với nội dung “Tuyệt đối trung thành, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vì sự nghiệp đối ngoại của Đảng”.

3. Hiện nay, cục diện quốc tế đang chuyển biến nhanh, mạnh với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, vừa mở ra thời cơ, vừa tạo ra nhiều thách thức to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặt công tác đối ngoại trước nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của Ban Đối ngoại Trung ương trong tham gia hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn mới với 5 trọng tâm lớn:

Một là làm tốt công tác tham mưu hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thắng lợi hai mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng đã đề ra.

Hai là tổ chức triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng trong toàn hệ thống chính trị và quốc gia, phát huy cao nhất mối quan hệ biện chứng giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, đề cao vai trò định hướng, dẫn dắt của đối ngoại Đảng, không bao biện làm thay.

Ba là, Ban Đối ngoại Trung ương cần đóng góp quan trọng và thể hiện vai trò “đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên”; tham mưu với Đảng và hướng dẫn thực hiện các giải pháp để huy động, phát huy hiệu quả hơn nữa sự tham gia của tất cả các lực lượng trong hệ thống chính trị vào công tác đối ngoại.

Bốn là, công tác đối ngoại Đảng góp phần tăng cường đóng góp của Việt Nam cho phong trào cách mạng thế giới, cho hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu. Năm là xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có năng lực phân tích, dự báo chiến lược, nhạy bén, sáng tạo, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm, dám đề xuất chủ trương đối ngoại Đảng trên cơ sở nhận thức rõ tính đặc thù về thể chế chính trị nước ta, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm tại kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại Trung ương, quán triệt các ý kiến chỉ đạo của đồng chí trong thời gian qua về công tác chung của Đảng, Nhà nước và công tác đối ngoại, Ban Đối ngoại Trung ương sẽ tiếp tục không ngừng nỗ lực, tập trung tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng Bí thư đã chỉ ra, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong tổ chức triển khai công tác đối ngoại Đảng, đóng góp tích cực, xứng đáng vào công tác đối ngoại chung và sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với tinh thần tự chủ, tự tin, tự cường và tự hào dân tộc.

LÊ HOÀI TRUNG, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương 

Tin mới

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua không gian mạng-Bài 1: Muôn kiểu lừa đảo
Ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua không gian mạng-Bài 1: Muôn kiểu lừa đảo

LTS: Thời gian qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng, sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Các đối tượng liên tục thay đổi "kịch bản", thủ đoạn ngày càng tinh vi, hoạt động có tổ chức, gây thiệt hại lớn về tài sản, đồng thời tạo bất ổn, bức xúc trong dư luận nhân dân. Đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này là nhiệm vụ đang đặt ra cấp thiết.

Khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ qua tranh cổ động
Khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ qua tranh cổ động

Sau 4 tháng tổ chức phát động (từ ngày 29-3 đến 30-7-2024), Ban tổ chức Cuộc vận động sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân nhận được 1.394 tác phẩm của 728 tác giả trong cả nước tham gia.

Luôn giương cao cờ Tổ quốc
Luôn giương cao cờ Tổ quốc

Vở kịch nói “Vì Tổ quốc” do hai tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là Đào Hồng Cẩm và Xuân Đức viết chung, lấy bối cảnh mặt trận Vĩnh Linh (Quảng Trị) năm 1967, được đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Tiến Dũng dàn dựng truyền cảm hứng tới người xem về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Khai mạc Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2024
Khai mạc Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần thứ I, năm 2024

Tối 12-11, tại Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan sân khấu TP Hồ Chí Minh lần I, năm 2024.

Tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi
Tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi

Sáng 12-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi: “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)”.

Cà Mau: Công bố quyết định xếp hạng di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam
Cà Mau: Công bố quyết định xếp hạng di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam

Ngày 12-11, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ công bố Quyết định xếp hạng di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024).