Động lực thúc đẩy Tây Nguyên phát triển bền vững
Tây Nguyên là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, nền tảng văn hóa đặc sắc, giàu tài nguyên, khoáng sản, tiềm năng lớn về kinh tế rừng, sản xuất, chế biến nông sản, thủy điện... Tuy nhiên, sự phát triển của vùng đất này đến nay chưa tương xứng với tiềm năng, đòi hỏi cần có một kịch bản mang tính tổng thể, khoa học, tạo động lực đưa vùng đất đại ngàn, sử thi cất cánh.
Đột phá quy hoạch đánh thức đại ngàn
Sự kiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công bố tại Hội nghị điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ ba diễn ra tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) mới đây đã mang lại nhiều niềm vui cho đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng Tây Nguyên. Điểm nổi bật là những nội dung đột phá vừa có tính nền tảng, khoa học, vừa mang lại động lực, giải pháp tháo gỡ những rào cản để Tây Nguyên phát triển.
Thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) - trung tâm du lịch vùng Tây Nguyên. |
Nội dung cơ bản gồm: Phạm vi, ranh giới; quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển; các nhiệm vụ trọng tâm đột phá; phương hướng phát triển các ngành có lợi thế; phương án tổ chức, sắp xếp không gian phát triển; nguồn lực thực hiện quy hoạch, phương hướng xây dựng hệ thống đô thị, nông thôn, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ và khai thác nguồn nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Một “chân dung” của Tây Nguyên trong tương lai được phác thảo khá rõ nét trong quy hoạch lần này. Đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Vùng cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số; thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; rừng đầu nguồn được bảo vệ; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định.
Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ là trung tâm du lịch vùng Tây Nguyên và cả nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Tây Nguyên (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37%-41%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm...
Quy hoạch xác định bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên, trong đó tập trung củng cố tiềm lực quốc phòng, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; tăng cường xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy cao độ giá trị văn hóa, truyền thống cách mạng, khơi dậy khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường; bảo đảm xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển bền vững.
"Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu" để hiện thực hóa quy hoạch
Đồng chí Dương Mah Tiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khẳng định, quy hoạch là dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của Tây Nguyên trong tương lai, thể hiện sự quan tâm của Trung ương đối với vùng đất này. Qua đó khẳng định khát vọng, tầm nhìn; chỉ ra động lực, nguồn lực để các địa phương khai thác, phát huy, vững vàng trên hành trình trở thành vùng kinh tế xanh, trù phú, bình yên.
Thành phố Đà Lạt, trung tâm du lịch chất lượng cao của Tây Nguyên và cả nước. |
Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam khuyến nghị, do tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng, an ninh của Tây Nguyên nên khi thực hiện quy hoạch cần gắn liền với xây dựng khu vực phòng thủ của quân khu và khu vực phòng thủ tỉnh. Bảo đảm tốt quốc phòng, an ninh, giải quyết các vụ việc kịp thời ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng tại địa phương. Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Làm tốt công tác xây dựng cấp ủy, chỉ huy; nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tham mưu về quân sự, quốc phòng cho địa phương.
Theo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông, để thực hiện tốt quy hoạch vùng thì một trong những nhiệm vụ bức thiết hiện nay là phải tháo gỡ tình trạng chồng chéo quy hoạch tại các địa phương. Tỉnh Đắk Nông hiện có sự chồng lấn giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản với quy hoạch sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch về hạ tầng, nông thôn, đô thị trên địa bàn tỉnh... Sự chồng lấn này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của một bộ phận nhân dân và ảnh hưởng tới việc triển khai, thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị về vướng mắc này và mong muốn các bộ, ngành Trung ương sớm vào cuộc hỗ trợ giải quyết.
Sản xuất nông nghiệp là ưu tiên trong Quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định: Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản thiết kế tổng thể, khung pháp lý có tính chất định hướng, góp phần phát huy tiềm năng, thúc đẩy liên kết, tạo động lực phát triển Tây Nguyên. Phó thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bên liên quan cần thực hiện tốt 8 chữ “tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu” trong thực hiện quy hoạch.
Tuân thủ để bảo đảm sự đúng hướng, phát triển bền vững. Linh hoạt trong cách làm để đạt được mục tiêu phải có nhiều cách, quá trình thực hiện quy hoạch chắc chắn sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất cập, cần phải điều chỉnh, quy hoạch tỉnh phải phù hợp, đồng bộ với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cán bộ, người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ, đồng thuận, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động.
“Cần đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông, liên kết phát triển du lịch, phối hợp và chia sẻ trong thu hút đầu tư. Các bộ, ngành có liên quan khẩn trương cùng với địa phương rà soát những bất cập, vướng mắc về quy hoạch, nhất là quy hoạch bô-xít; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc giải ngân, bố trí nguồn vốn đầu tư; việc xây dựng cơ chế đặc thù... Với tiềm năng, thế mạnh cùng quy hoạch đã có, với sự đồng lòng, quyết tâm, đổi mới, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, chắc chắn Tây Nguyên sẽ nhanh chóng bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, trở nên giàu đẹp, yên bình và đáng sống"-Phó thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ tin tưởng.
Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.