Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Gỡ khó cho công tác giải phóng mặt bằng
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung được quan tâm tại dự thảo luật là quy định tách hoạt động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, điều này được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho các chủ đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Dự thảo luật quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Trong đó, theo khoản 2, điều 5, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có quy định, đối với đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Hiện nay, có thể nói vấn đề về quy hoạch và giải phóng mặt bằng đang gây rất nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư cũng như nhà thầu xây dựng khi thực hiện các dự án đầu tư công. Nguyên nhân được lý giải bởi tính chất phức tạp, thủ tục kéo dài, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tiến hành xác định nguồn gốc của đất, xác định giá, phương án bồi thường, di dời, tái định cư... tất cả phải được sự đồng thuận chung của cộng đồng mới có thể thực hiện được. Vì vậy, các dự án khi phải tiến hành giải phóng mặt bằng đều có tiến độ rất chậm, có khi kéo dài hơn cả thời gian triển khai dự án, điều này làm cho việc giải ngân gặp rất nhiều khó khăn và kết quả thường không đạt yêu cầu.
Việc dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đề xuất tách hoạt động giải phóng mặt bằng ra khỏi xây lắp và trở thành dự án độc lập sẽ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng vì được bố trí nguồn vốn và có quy trình, thủ tục riêng để thực hiện, từ đó góp phần thúc đẩy quá trình triển khai thực hiện và hoàn thành dự án đầu tư công.
Thực tế cho thấy, đây cũng là mong mỏi của các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng nhằm rút ngắn thời gian các dự án có giải phóng mặt bằng, những chính sách này khi được thông qua sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc trong thời gian vừa qua, tạo điều kiện để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đoạn đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: THÁI HƯNG |
Tuy nhiên, khi đề xuất tách hoạt động giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập cần phải có quy định chặt chẽ, tăng cường sự giám sát của cơ quan chức năng để tránh tiêu cực trong quá trình thực hiện. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), về việc tách riêng dự án giải phóng mặt bằng, mặc dù chưa có báo cáo đánh giá, tổng kết các dự án thí điểm, nhưng với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, có thể yên tâm, đồng thuận, cho phép tất cả các dự án nhóm A, B, C đều có thể được tách phần giải phóng mặt bằng khi cần thiết.
Để tránh tình trạng lạm dụng việc tách giải phóng mặt bằng xong để đất trống không sử dụng hoặc tách xong lại dùng vào mục đích khác, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong dự thảo luật cần phải quy định cụ thể là người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng đất sau khi giải phóng mặt bằng đúng mục đích như dự án ban đầu được đề xuất.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ thế nào là trường hợp cần thiết để có thể tiến hành tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; làm rõ việc dự án được tách là dự án độc lập hay dự án thành phần, vì khi đó tính chất của dự án sẽ khác nhau.
Theo nhận định từ các chuyên gia, trong thời gian tới, để có thể triển khai thực hiện hiệu quả nội dung này, cần quy định chi tiết trong dự thảo luật về trình tự, thủ tục tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập hoặc giao Chính phủ quy định, nhằm tránh việc lợi dụng để thực hiện sai mục đích của dự án; quy định định mức kinh tế - kỹ thuật đối với chi phí lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án trong thời gian bố trí vốn đầu tư công đối với các dự án bị ảnh hưởng bởi các nguyên nhân khách quan như thiên tai hay do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài để có đủ thời gian hoàn thành và kết thúc dự án.
HOÀNG CHUNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.