Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Sáng 3-10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học, được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.
Mạn đàm văn chương là hoạt động thuộc chuỗi sự kiện: “Đẹp số 2: Văn hoa” (văn hóa và tinh hoa) được tổ chức thành Tuần lễ các sự kiện tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt Nam diễn ra từ ngày 1 đến 5-10 tại Hà Nội thông qua sự kết nối, tổ chức của nhà sưu tập Thúy Anh.
Mở đầu cuộc mạn đàm, nhà sưu tập Thúy Anh bày tỏ cơ duyên được biết đến nhiều văn nghệ sĩ. Cuộc gặp gỡ như một sự đáp lại tấm chân tình và bày tỏ lòng ngưỡng mộ của chị với các văn nghệ sĩ - những người đóng góp, cống hiến cho tinh hoa của điệu hồn dân tộc.
Không gian mạn đàm văn học. |
Các văn nghệ sĩ có cùng nhận định: Nhà sưu tập là một người yêu văn hóa, hướng tới nhiều hoạt động thiết thực và ứng xử với văn hóa nghệ thuật bằng tình yêu để từ đó kết nối những tài năng, tâm huyết. Hành trình ấy thật đáng trân trọng và đem đến cho chúng ta tình yêu con người, tình yêu cái đẹp.
Chia sẻ về văn hóa, tinh hoa Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Khi bước vào không gian mạn đàm, tôi nhận ra đây là một trong những không gian hiếm hoi còn sót lại của Thủ đô. Tôi như được vén tấm mành để ngó vào Hà Nội. Sự trang trọng của buổi mạn đàm đang lan tỏa dần trong tôi. Những người thân quen tôi gặp hằng ngày mà hôm nay như gặp lần đầu. Có lý do nào đó khiến tôi thấy mới mẻ. Các hoạt động ý nghĩa cần được kiến tạo, lan tỏa và cổ vũ mạnh mẽ hơn”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương hồi nhớ: Không gian mạn đàm khiến ông quay về ký ức ngày xưa - thời mà các văn nghệ sĩ, như: Bùi Xuân Phái, Trần Quốc Vượng... cũng thường tạo nên những cuộc gặp gỡ, tạo nên không khí nghệ thuật cho Hà Nội. Ông bày tỏ niềm xúc động bởi cuộc mạn đàm đã khiến ký ức bập bùng của ông được sống lại tươi mới hơn.
“Các bạn hôm nay làm được rất nhiều việc mà chúng tôi không làm được. Tôi vẫn luôn tranh thủ học các bạn mọi lúc, mọi nơi”, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ.
Các văn nghệ sĩ trao đổi cởi mở, thân tình. |
Nhà văn Nguyễn Trương Quý đóng góp ý kiến: Hà Nội có một cái hay là trong những buổi gặp gỡ văn hóa, mọi người tham gia rất nhiệt tình, tạo nên một không khí văn hóa rất đặc trưng. Anh đi nhiều đất nước, nhiều hội thảo, những đất nước phát triển và nhận thấy ở đất nước họ, đời sống văn hóa rất dồi dào, văn hóa ấy do cá nhân mỗi người tạo nên. Vậy nên không gian như các cuộc mạn đàm mỹ thuật, văn học, chương trình ca nhạc... thuộc chuỗi sự kiện được tổ chức thành tuần lễ là rất đặc trưng, đặc thù Hà Nội. Tuy nhiên, cũng cần phải có những người đứng ra như nhà sưu tập Thúy Anh, cần có những cá nhân hiểu và chia sẻ được với nhau thì mới tổ chức được. Cũng đã đến lúc chúng ta cần làm gì đó để thúc đẩy văn hóa đô thị của mình sâu hơn. Những công trình có thể biến mất nhưng giá trị của con người thì có thể lưu giữ được mãi mãi.
Nhà báo - diễn giả Phan Đăng chia sẻ tại mạn đàm về một Hà Nội của phố và người. Anh nhận định, phố Hà Nội rất nên thơ. Những cảm xúc về phố đánh thức con người về Hà Nội cổ xưa. Còn về người, chính những người có mặt tại mạn đàm đã đánh thức anh ý thức sâu hơn về Hà Nội. Như nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Nguyễn Trương Quý gợi nhớ về Hà Nội hào hoa. Anh cho rằng, những con người tụ về Hà Nội xuất xứ ở đâu không quan trọng nhưng ta sống và để lại chút gì đó cho mảnh đất văn hóa này.
Tiến sĩ văn học Nguyễn Thanh Tâm trao đổi: Người tổ chức, các khách mời, diễn giả có mặt tại đây đã là một định nghĩa về tinh hoa Hà Nội. Chúng ta đã hoài niệm về một Hà Nội rất đẹp, triệu hồi những ký ức đẹp, và cũng vô tình đánh rơi mất những ký ức về sự lăn lộn mưu sinh của chính mình ở đây. Chúng ta từng có một Hà Nội vất vả trong văn chương và trong thực tế. Hà Nội đúng là rất nhiều điều đáng trân trọng... trong đó có cả cái đẹp sang trọng và sự vất vả.
Nhà sưu tập Thúy Anh (phải) và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn. |
Xúc động với những nội dung sâu sắc của cuộc mạn đàm, nhà sưu tập Thúy Anh bày tỏ: “Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng thuở nhỏ, hình dung trong tôi chưa rõ rệt về tình yêu Hà Nội. Chỉ là những gì gần gũi, như con phố, mái trường, con đường, hàng cây... Sau này xa Hà Nội, xa Tổ quốc, tôi mới hiểu hơn, và khi trở về càng muốn gắn bó”.
Những năm qua, nhà sưu tập Thúy Anh được biết đến qua hành trình miệt mài khởi xướng, tổ chức nhiều chuỗi hoạt động văn hóa thông qua các triển lãm, mạn đàm về mỹ thuật, văn học, ẩm thực, âm nhạc... nhằm kết nối, tôn vinh tinh hoa văn hóa Việt Nam và hướng tới giá trị tích cực, cống hiến với cộng đồng. Trong bối cảnh đồng bào nhiều địa phương trong cả nước đã và vẫn đang chịu hậu quả nặng nề của bão lũ; nhiều lực lượng trong xã hội đang tiếp tục hỗ trợ... nhà sưu tập cho rằng, văn hóa từ lời nói, việc làm cho đến văn học nghệ thuật đóng vai trò quan trọng. Cùng với sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực, những giá trị nhân văn, tinh hoa sẽ luôn chạm đến trái tim, cảm xúc của đồng bào để từ trong đau thương, mất mát họ có quyền hy vọng, tin yêu và bước tiếp...
Nhà sưu tập Thúy Anh dự định, trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa với nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc sắc có mục đích hướng đến cộng đồng bằng giá trị nhân văn, đóng góp thiết thực để chia sẻ cùng đồng bào các vùng miền chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, giúp bà con thêm vững vàng, hy vọng vào những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
“Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Đất nước, người dân đang gồng gánh hậu quả vô cùng nặng nề của bão lũ và tới giờ vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta tôn vinh tinh hoa văn hóa đồng nghĩa với trách nhiệm cần tham gia giúp đỡ, sẻ chia, vì cộng đồng, để từ đó lan tỏa, ươm mầm cho nhiều thế hệ”, nhà sưu tập nói.
Là người khởi xướng, tổ chức nhiều chương trình văn hóa, nhà sưu tập Thúy Anh nhấn mạnh: “Tôi mong muốn, nếu được, chúng ta hãy cùng nhau làm nên điều gì để lan tỏa tinh hoa văn hóa rất đặc biệt và đặc thù này, những gì chúng ta đã có, chúng ta hãy nỗ lực lan tỏa rộng hơn, sâu hơn đến cộng đồng một cách thiết thực. Có thể đó chưa phải điều gì quá lớn lao, nhưng vẫn có sự tác động, đóng góp cho văn hóa cộng đồng”. Theo chị, cái đẹp không nên chỉ dừng lại trong phạm vi các tác phẩm nghệ thuật mà cần đưa tinh thần ấy đến với tất cả cộng đồng bằng tâm huyết của mình để "dù có đi bốn phương trời", tinh hoa văn hóa Việt sẽ toát lên từ tâm hồn con người, khí chất con người Việt; từ sự nâng tầm tư duy, thẩm mỹ.
LỮ MAI
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.