EU chính thức khởi động các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine và Moldova
Ngày 25-6, Liên minh châu Âu (EU) chính thức khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova về vấn đề kết nạp thành viên.
Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt, đánh dấu bước đầu tiên trong chặng đường dài đưa hai quốc gia này trở thành thành viên của EU.
Theo thông cáo của Bỉ, nước đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng EU, các cuộc đàm phán đầu tiên về tiến trình gia nhập của Ukraine và Moldova đã được khởi động tại Luxembourg trong chiều 25-6 (giờ địa phương).
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh cuộc đàm phán này và cho rằng đây là một “bước tiến lịch sử”. “Hàng triệu người Ukraine và thực tế là nhiều thế hệ người dân của chúng tôi, đang hiện thực hóa giấc mơ châu Âu của mình”, nhà lãnh đạo Ukraine viết trên mạng xã hội X.
![]() |
Tổng thống Moldova Maia Sandu ký sắc lệnh khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EU của Moldova. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh: “Đây là một thời điểm lịch sử và nó cho thấy uy tín của EU, sức mạnh của EU. Quyết định đã được đưa ra. Chúng tôi mở các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova. Đây thực sự là một quyết định quan trọng, là một quyết định chính trị rất mạnh mẽ”.
Dù vậy, giới quan sát lo ngại, nỗ lực kết nạp Kiev sẽ vấp phải cản trở từ một số nước thành viên mà nổi bật là Hungary. Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán từng kịch liệt phản đối mọi cuộc thảo luận gia nhập của Ukraine với lý do Kiev chưa đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để gia nhập khối.
Trong vài ngày tới, Hungary sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng EU. Khẩu hiệu trong nhiệm kỳ Chủ tịch này của Hungary là "Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại", một quan điểm tương tự như của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Viễn cảnh này gây bất an cho các nhà ngoại giao châu Âu, những người lo ngại Thủ tướng Orbán sẽ tận dụng vị thế đó để thúc đẩy quan điểm dân tộc chủ nghĩa. Đặc biệt, chính sách của EU đối với Ukraine được coi là có nguy cơ bị chệch hướng cao nhất.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã tiếp thêm động lực để EU kết nạp thêm thành viên mới. Dù vậy, quá trình trở thành thành viên của “mái nhà chung” luôn rất khó khăn đối với các quốc gia ứng cử viên, vì họ phải cải cách để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU trong nhiều lĩnh vực, từ chống tham nhũng đến điều chỉnh các quy định hải quan.
Ukraine nộp đơn xin gia nhập EU vào tháng 2-2022, trong khi Moldova nộp đơn vào tháng 3 cùng năm. Cả hai nước đều được chấp nhận tư cách ứng cử viên vào tháng 6-2022. Ukraine kỳ vọng có thể gia nhập EU vào năm 2030. Là một trong những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu trên toàn cầu, viễn cảnh Ukraine gia nhập EU được dự báo sẽ có tác động rất lớn đến chính sách nông nghiệp của khối.
Tuy vậy, theo AFP, việc bắt đầu các cuộc đàm phán ở Luxembourg chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình cải cách kéo dài với những trở ngại về chính trị có thể sẽ mất nhiều năm và có thể không bao giờ đạt được kết quả là trở thành thành viên EU. Đây là thực tế mà Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trải qua. Mặc dù các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiến hành từ năm 2005 nhưng cho đến nay, quốc gia này vẫn chưa thể bước chân vào “mái nhà chung” EU.
HÙNG HÀ
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
Sáng 20-5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Phó thủ tướng chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025.
Xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền gắn với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lĩnh vực tài chính, ngân hàng
Ngày 19-5, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 67/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng các nghị định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đến hết tháng 7-2025 phải cơ bản hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia
Sáng 19-5, kiểm tra tiến độ xây dựng Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành trung tâm để chào mừng, phục vụ Triển lãm thành tựu của đất nước dịp 80 năm Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 / 19-8-2025) và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 / 2-9-2025). Cùng đi có lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công xây dựng cầu Tứ Liên, Hà Nội
Sáng 19-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa, TP Hà Nội.
Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku
Sáng 19-5, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Xử phạt gần 50 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và mỹ phẩm nhập lậu
Ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm Buôn bán hàng hóa (mỹ phẩm) giả mạo nhãn hiệu, Kinh doanh hàng hóa (mỹ phẩm) nhập lậu, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy toàn bộ mỹ phẩm vi phạm trị giá 47 triệu đồng.