• Click để copy

Giá trị của cây sâm trồng trên đỉnh Ngọc Linh

Với mô hình liên kết doanh nghiệp và người dân cùng bảo tồn và phát triển giống sâm quý Ngọc Linh, đồng bào Xơ Đăng, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhiều bản làng đã “thay da đổi thịt” với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm...

Bài 1: Giá trị của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Rất nhiều năm trở về trước, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum (theo địa giới hiện nay), phát hiện giống sâm Ngọc Linh, nhưng chỉ xem nó là loại thảo dược quý, dùng để chữa bệnh mỗi khi ốm đau. Chẳng ai biết cây có từ khi nào và đến từ đâu, chỉ biết, người Xơ Đăng luôn bảo vệ, trân trọng cây sâm như báu vật mà thần núi, thần rừng đã ban tặng cho con người. Cây sâm được giữ gìn bảo vệ và chỉ được lưu truyền trong cộng đồng người Xơ Đăng cho đến kháng chiến chống Pháp. Thương những người cán bộ hoạt động nơi đây không quen với rừng thiêng nước độc, bị những cơn đau hành hạ, các già làng đã chỉ cho họ phương thuốc bí truyền của dân tộc mình. Nhiều cán bộ chiến sỹ đã sử dụng cây sâm như một loại thuốc cầm máu, làm lành vết thương, làm thuốc bổ, chữa sốt rét, đau bụng, phù thũng...

Nhờ tác dụng vượt trội, cây sâm đã được các cán bộ lưu ý, ghi nhớ và đến năm 1970, đoàn công tác do giảng viên Đại học Dược Hà Nội, dược sĩ Đào Kim Long khi ấy (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu dược liệu và kiểm nghiệm Khu 5) dẫn đầu đã tìm thấy và đặt tên cho cây thuốc quý là sâm Ngọc Linh.

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại đây, do giá trị quá lớn nên sâm Ngọc Linh tự nhiên bị con người khai thác gần như cạn kiệt. Hiện nay, trên cả nước chỉ có 3 vùng trồng được cấp chỉ dẫn địa lý trồng sâm Ngọc Linh là huyện Đak Glei, huyện Tu Mơ Rông tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam.

Gần 20 năm qua, với mô hình liên kết doanh nghiệp và người dân cùng bảo tồn và phát triển giống sâm quý này, đồng bào Xơ Đăng đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhiều bản làng ở Tu Mơ Rông đã “thay da đổi thịt” với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm.

Cung đường độc đạo

Ngày cuối tháng 3, tiết trời trên đỉnh Ngọc Linh, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum bỗng dưng nắng ngọt giữa những ngày mưa rét, sương mù ẩm ướt - khí hậu đặc trưng của khu rừng già Trường Sơn - Tây Nguyên.

Chiếc xe 7 chỗ chở chúng tôi từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông đang vặn mình theo từng khúc cua ngoằn ngoèo, khúc khuỷu để lên đến vùng trồng sâm, nằm trong khối núi Ngọc Linh ở vị trí cao hơn 1.200m so với mặt nước biển. Khoảng cách từ trung tâm huyện lên vùng trồng sâm chừng 30km, nhưng đoàn chúng tôi mất hơn 1h đồng hồ di chuyển.

Bài 1: Giá trị của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Cung đường từ trung tâm huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đến núi Ngọc Linh với vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên

Bí thư Đảng ủy xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, đồng chí Y Hương chia sẻ, đây là con đường độc đạo và duy nhất để lên đến vùng trồng sâm trên dãy Ngọc Linh của huyện. Đường rộng khoảng 1,2m, ngoằn ngoèo, uốn lượn trên “nóc” những thửa ruộng bậc thang, ôm lấy những cánh rừng già xanh mướt. Những năm 1970 đổ về trước, phương tiện duy nhất có thể lên đến đỉnh là ...đi bộ, sau này, khi các nhà nghiên cứu khoa học tìm ra cây sâm và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, đường lên đến đỉnh Ngọc Linh được cải tạo, tu sửa, thuận tiện hơn cho việc di chuyển, nuôi trồng.

Khu vực bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là khu vực cấm, được canh giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Để lên đến đỉnh Ngọc Linh, đoàn chúng tôi phải đi qua 03 chốt gác của người dân nơi đây. Họ vừa làm nhiệm vụ canh gác, vừa tham gia bảo tồn và phát triển giống cây dược liệu quý.

Bài 1: Giá trị của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Tháng 3, mùa cây sâm sinh trưởng sau một giấc ngủ đông dài

Tháng 3, mùa cây sâm sinh trưởng. Giữa lưng chừng núi, lưng chừng trời, những cây sâm non mới mọc sau một giấc ngủ đông dài đang đung đưa theo gió. Dưới tán rừng nguyên sinh, cây sâm Ngọc Linh được che chở, đang vươn mình, trỗi dậy, sẵn sàng đơm hoa, kết trái.

Nhìn bàn tay thoăn thoắt vừa chống cọc, vừa căng bạt, buộc dây cho vùng trồng sâm của anh A Lưới - người dân tộc Xê Đăng đã đủ để biết, anh thạo công việc này thế nào. “Tháng 5,6, Tây Nguyên vào mùa mưa, để bảo vệ cây sâm, chúng tôi phải dựng cọc, căng bạt, che nắng, che mưa. Năm trước, mưa đá, cây sâm bị thiệt hại rất nhiều”, anh A Lưới tâm sự.

Ăn ngủ cùng sâm

Để ươm, trồng được một cây sâm mạnh khỏe là rất nhiều công đoạn tỉ mỉ và cần khoảng thời gian đủ dài. Ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, cũng là người đi đầu trong phong trào trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông cho biết, cuối tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, cây sâm Ngọc Linh cho những chùm quả chín mọng, đỏ tươi. Đây cũng là thời điểm người trồng sâm thu hoạch quả, hạt.

Sau khi thu hoạch, hạt sâm sẽ được đem ươm, trồng vào khoảng tháng 10-11 cùng năm. Trồng sâm phải theo chu kỳ. Mất 1 năm để hạt sâm nảy mầm. Khi ươm, trồng, tỷ lệ cây sống cũng giảm theo thời gian, từ lúc trồng, đến khi thu hoạch, tỷ lệ cây sống chỉ còn 30-40% số cây.

Bài 1: Giá trị của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, người đi đầu trong phong trào trồng sâm trên đỉnh Ngọc Linh của huyện Tu Mơ Rông chia sẻ cách trồng sâm (bìa phải)

“Chăm sóc sâm Ngọc Linh ngoài việc vất vả thì còn may rủi. Mưa gió, cây rừng đổ gãy, chim, chuột phá... Mùn không phải có sẵn, nhiều lúc phải đi xa mới có. Dù nói là sâm trồng nhưng thực tế cây giống được gieo bằng hạt, trồng tự nhiên trên rừng. Quá trình trồng, không có bất kỳ tác động nào của các loại thuốc, phân trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. So với mọc tự nhiên, chỉ khác là giờ đây, chúng tôi quy hoạch, trồng theo từng khu để dễ quản lý và bảo vệ”, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri chia sẻ và khẳng định, sâm Ngọc Linh trồng ở núi Ngọc Linh đem lại giá trị dinh dưỡng cao nhất. Sâm Ngọc Linh đem đi trồng ở vùng khác thì không giống sâm Ngọc Linh nữa, mà nó thành sâm khác. Thổ nhưỡng, khí hậu, tính đặc hữu nơi đây khác so với mọi miền của đất nước.

Cũng theo người đi đầu trong phong trào trồng sâm của huyện Tu Mơ Rông, bên cạnh yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến cây sâm như thời tiết... thì cây sâm Ngọc Linh còn phải đối diện với nạn chim, chuột ăn sâm. Với loài chuột ở vùng núi Ngọc Linh, quả và củ sâm là món ăn khoái khẩu. Những chú chuột cắn phá quả, hạt sâm rất nhiều.

Do vậy, để bảo vệ cây sâm cũng như gìn giữ nguồn cây dược liệu quý hiếm, người trồng sâm phải thường xuyên tuần tra, kể cả ban đêm, kết hợp đặt bẫy quanh vườn và trồng sâm trong các ụ đất đã được quây kín bằng các tấm lưới sắt, thép kiên cố.

Cây dược liệu giúp đồng bào thoát nghèo

Sâm Ngọc Linh được coi là vị thuốc quý đứng đầu trong các loại thuốc quý đông y. Cả hoa, lá, thân hay củ sâm đều quý hiếm. Củ sâm với 52 tổ hợp saponin, trong đó 26 hợp chất có cấu trúc đã biết (thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật Bản) và 26 saponin pammaran có cấu trúc mới không bắt gặp tại các loại sâm khác trên thế giới.

Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh, sâm Ngọc Linh có tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống ô-xy hóa, lão hóa, phòng, chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: người bệnh ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp. Ngoài ra, sâm hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc trị bệnh tiểu đường...

Bài 1: Giá trị của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trồng cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng là định hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu cho bà con Xơ Đăng

Nắm bắt giá trị của cây sâm, trong những năm gần đây, lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông đã tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch trồng và bảo tồn sâm Ngọc Linh gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển cây dược liệu và chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch là con đường thoát nghèo duy nhất của huyện. Trong đó, cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng là định hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu cho bà con Xơ Đăng.

Hiện nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có hơn 1.710 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, có 1.650 ha là của các doanh nghiệp, số còn lại gần 70 ha là của gần 40 nhóm với trên 300 hộ dân cùng cán bộ, viên chức tham gia liên kết trồng sâm với doanh nghiệp. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân khá hiệu quả, bền vững, ưu tiên cho từ 500-700 lao động là người địa phương có việc làm với thu nhập ổn định.

Giai đoạn 2019 - 2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo thì khoảng 70% trong đó nhờ trồng cây dược liệu. Riêng năm 2022 vừa qua, tính riêng 3 xã Tê Xăng, Măng Ri và Ngọc Lây đã có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu, đạt thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Nhờ biết tận dụng lợi thế đất đai, khí hậu để phát triển cây dược liệu, đồng bào đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều. Nhiều bản làng ở Tu Mơ Rông đã “thay da đổi thịt” với đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm.

Bài 1: Giá trị của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh

Với mô hình liên kết doanh nghiệp và người dân cùng bảo tồn và phát triển giống sâm quý Ngọc Linh, đồng bào Xơ Đăng, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã có cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều

Cũng theo lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông, thời gian tới, về quy hoạch, huyện sẽ trồng khoảng 10.000 ha sâm Ngọc Linh và hàng trăm nghìn ha trồng được liệu khác. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao như sâm Ngọc linh.

Đồng thời, huy động, lồng ghép nguồn vốn để hỗ trợ người dân; vận động hình thành Hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết với doanh nghiệp phát triển dược liệu, du lịch; đẩy mạnh hoạt động quảng bá tiềm năng, lợi thế để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư...

THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

Bài liên quan

Tin mới

Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời
Bão số 4: Quảng Bình kiểm điểm trách nhiệm cán bộ, đảng viên không chấp hành di dời

Ngày 19-9, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã ký công điện về việc di dời người dân đến nơi an toàn để ứng phó với bão số 4 và mưa lớn.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó bão số 4

Trước diễn biến của bão số 4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó.

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, ngày 18-9, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tham dự Diễn đàn Phụ nữ Á - Âu lần thứ IV bằng hình thức phát biểu ghi hình.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thăm cấp Nhà nước tới Cuba

Từ ngày 21-27/9/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và sau đó sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cuba.

Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp
Khẩn trương di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp

Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện ngay các giải pháp để di dời người dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp, thuộc diện phải phá dỡ theo quy định.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam: Bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bão lũ

Ngày 18-9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết sẽ cung ứng bổ sung 18 triệu bản sách giáo khoa cho vùng bị bão lũ.