• Click để copy

Giải pháp giữ đà tăng trưởng xuất khẩu

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9-2022, nhiều dấu hiệu cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu giảm với không ít ngành hàng. Nguyên nhân của vấn đề này là gì? Giải pháp nào để duy trì đà xuất khẩu?

Xuất khẩu giảm tốc, doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng

Thông thường, vào thời điểm cuối năm, doanh nghiệp (DN) thường dồn sức sản xuất để hoàn tất các đơn hàng cho cao điểm mua sắm. Song năm nay, nhịp sản xuất của một số ngành hàng đã kém sôi động. Đầu năm dồi dào đơn hàng nhưng thiếu lao động; còn tại thời điểm này, khi đã đủ lao động thì lại thiếu đơn hàng đang là nghịch lý trong ngành dệt may, da giày. Chia sẻ về tình hình, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh: Ảnh hưởng từ cuộc xung đột địa chính trị tại một số quốc gia; việc thắt chặt chi tiêu do lạm phát ở Mỹ và châu Âu; lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá đang khiến nhiều DN xuất khẩu hàng gặp khó khăn trong sản xuất. “Sức mua toàn cầu giảm, khiến đơn hàng của ngành dệt may trong tháng quý IV-2022 và quý I-2023 giảm bình quân từ 20-27% so với cùng kỳ. Song tỷ lệ này được đánh giá còn thấp hơn so với ngành da giày, gỗ...”, ông Vũ Đức Giang cho hay.

Theo đại diện Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, ngành da giày đang tồn kho lớn do việc gián đoạn nguồn cung ứng, giảm nhu cầu tiêu dùng. Để ứng phó tình trạng trên, các DN buộc phải giảm thời gian sản xuất; đồng thời đàm phán với đối tác để sử dụng lại những đơn hàng trong thời gian dịch bệnh, nhằm duy trì hoạt động, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xác nhận, nhiều DN trong ngành đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh. 10 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,5 tỷ USD. Mục tiêu 16 tỷ USD trong năm 2022 khó đạt khi đơn hàng liên tục giảm.

Giải pháp giữ đà tăng trưởng xuất khẩu

Kiểm tra chất lượng thép thành phẩm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: NGHI TRẦN 

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%; nhập khẩu tăng 12,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 10 tháng ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chậm lại từ tháng 9-2022. Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước. Tới tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng 9. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Công Thương tiếp tục cảnh báo, các đơn đặt hàng từ phía nhà nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... kết hợp với lượng hàng tồn kho cao tại các hệ thống bán lẻ sẽ làm giảm hoạt động sản xuất và xuất khẩu. 

Trợ lực cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh lạm phát, suy thoái kinh tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia... sẽ gây bất lợi đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế thế giới được các tổ chức quốc tế dự báo giảm so với các dự báo đưa ra trước đó. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 chỉ đạt 2,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 4,1% tại thời điểm đầu năm 2022. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định tăng trưởng toàn cầu năm 2022 đạt 3,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo tại thời điểm tháng 4-2022. Để giữ vững nhịp tăng trưởng xuất khẩu, từ đó ổn định đầu ra cho sản xuất, các chuyên gia cho rằng cần thêm các chính sách hỗ trợ cho DN.

Ông Vũ Đức Giang cho biết, hiện nay nhiều DN dệt may gặp khó khăn về vốn. Ngành dệt may có kiến nghị gửi Chính phủ, các bộ, ngành cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho DN; đề nghị Chính phủ tiếp tục có hỗ trợ nguồn tài chính cho DN vay với lãi suất thấp để DN duy trì giữ ổn định lao động. “Một số ngành hàng có tác động xuất khẩu lớn, giải quyết việc làm cho người lao động thì cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho DN”, ông Vũ Đức Giang phân tích.

Tính đến nay, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA). Các FTA đi vào thực thi đã và đang tác động mạnh mẽ tới phát triển kinh tế cũng như xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Song, thực tế, DN còn bỏ lỡ nhiều cơ hội và chưa tận dụng triệt để lợi thế từ các FTA. Điều này xuất phát một phần do năng lực của DN còn hạn chế; ngoài ra do sau gần hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều nước bắt đầu đưa ra những tiêu chuẩn cao hơn với hàng nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước cũng như sức khỏe của người tiêu dùng.

Điển hình như với EVFTA, dù DN Việt Nam đã không ngừng tăng tốc xuất khẩu nhưng hàng hóa Việt Nam cũng mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU. Để hàng hóa hiện diện tốt hơn tại thị trường EU nói riêng, cũng như các thị trường Việt Nam có FTA, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần làm tốt hơn hoạt động xúc tiến thương mại theo cách chuyển từ việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm của DN sang xúc tiến thương mại cho cả một ngành hàng. Đối với công tác kết nối, hiện nay, một số thương vụ của Việt Nam đang làm tốt công việc kết nối này và đã bước đầu mang lại cái kết quả rất tích cực. Đây là hình thức nên tiếp tục được mở rộng để cho nhiều DN khác được hưởng lợi.

Hay với UKVFTA, hiệp định này đã mang lại lợi ích nổi bật cho DN Việt Nam. Năm 2021, thương mại song phương Việt Nam-Anh đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021, riêng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh tăng 15,4%. Song, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Hiện tại giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 1% tổng giá trị nhập khẩu của thị trường Anh trong năm 2021. Ông Ngô Chung Khanh cũng cho rằng, tới đây cần giải quyết vấn đề về cung cấp thông tin, không nên tổ chức các hội nghị, hội thảo chung chung nữa mà đi sâu vào chuyên ngành. Bộ Công Thương sẽ tìm kiếm các DN đã thành công sang các thị trường FTA, nhờ họ chia sẻ cách làm, những khó khăn họ đã vượt qua và những vấn đề cần phải làm, từ đó tạo động lực dẫn dắt các DN khác. Đặc biệt, mỗi tỉnh, thành phố nên xác định một đến hai sản phẩm trọng tâm và cùng đồng hành với DN, kết nối đầu ra cho DN. 

Từ góc độ DN, ông Đinh Cao Khuê, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng: Để các DN cạnh tranh được tại mọi thị trường thì bản chất DN phải có khả năng cạnh tranh. Để làm được điều này, DN phải làm tốt vấn đề chất lượng hàng hóa và giá thành hợp lý. Ngoài ra, DN cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ vì đây vẫn là cách tiếp cận cơ bản nhất.

Đề cập tới các giải pháp hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ bị thu hẹp, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tập trung, hướng dẫn DN chuyển tiếp cận thị trường sang các nước châu Á nơi ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Cùng với đó, Bộ Công Thương tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa cho các DN khi nhu cầu của thị trường thế giới giảm nhằm giữ ổn định sản xuất cho DN và giữ việc làm cho người lao động; chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành. 

VŨ DUNG

Bài liên quan

Tin mới

Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiêu hủy hơn 38.000 sản phẩm tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu
Bà Rịa - Vũng Tàu: Tiêu hủy hơn 38.000 sản phẩm tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu

Sáng ngày 19/9/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiến hành tiêu hủy lượng hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu với tổng trị giá hàng hóa ước tính hơn 1,6 tỷ đồng.

Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An
Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An

Chiều ngày 19/9/2024, Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Thừa Thiên Huế

Thực hiện Kế hoạch số 37/KH-VPTT ngày 28/9/2024 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các chuyên đề, kế hoạch, chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 17/9/2024, tại Trụ sở Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/TTH), Đoàn công tác của Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với Ban Chỉ đạo 389/TTH.

Nghĩa tình tương thân tương ái đối với vùng thiên tai, bão lũ tại Cục QLTT tỉnh Yên Bái
Nghĩa tình tương thân tương ái đối với vùng thiên tai, bão lũ tại Cục QLTT tỉnh Yên Bái

Bão Yagi (cơn bão số 3) đi qua đã để lại những mất mát vô cùng to lớn cho đồng bào tại một số địa phương khu vực miền Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những trận sạt lở đất kinh hoàng vùi lấp nhiều ngôi nhà, lũ ống, lũ quét, hàng ngàn ngôi nhà trong toàn thành phố bị ngập lụt phải đi sơ tán…cơn bão số 3 đã cướp đi sinh mạng của bao người và cuốn trôi nhiều tài sản của người dân tại các địa phương, không thể kể hết được những mất mát của đồng bào các tỉnh phía Bắc và những nỗi đau mà đồng bào tỉnh Yên Bái đang phải gánh chịu.

Nhiều sản phẩm không đạt chất lượng bị yêu cầu thu hồi, tiêu hủy
Nhiều sản phẩm không đạt chất lượng bị yêu cầu thu hồi, tiêu hủy

Nhiều lô hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm gồm kem dưỡng trắng da chống nắng và kem bôi da vừa bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc.

Kết luận rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam sang Mỹ
Kết luận rà soát hành chính thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam sang Mỹ

DOC vừa thông báo kết quả sơ bộ cho đợt rà soát lần thứ 20 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra - basa phi lê đông lạnh của Việt Nam. 8 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có liên quan.