Giải pháp nào để phục hồi việc xuất khẩu tôm?
Xuất khẩu tôm từ đầu năm 2023 đến nay của Việt Nam đã sụt giảm tới 31,9% so với cùng kỳ năm 2022. Vậy đâu là nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm lao dốc? Triển vọng và giải pháp phục hồi xuất khẩu tôm như thế nào khi đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam?
Con tôm Việt Nam gặp “cơn bão” mạnh
Từ đầu năm 2023 đến nay, con tôm ở nước ta đã gặp phải “cơn bão” mạnh nhất từ trước đến giờ. Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: 6 tháng đầu năm 2023, tôm Việt Nam đã được xuất khẩu sang 84 thị trường trên thế giới, với kim ngạch đạt 1,546 tỷ USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm 2022 và bằng 35,9% so với kế hoạch năm 2023 (4,3 tỷ USD).
Lý giải về nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm bị sụt giảm mạnh, ông Lê Thanh Hòa cho rằng suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát và lãi suất tăng cao tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc-những thị trường xuất khẩu chính của con tôm Việt Nam-khiến sức mua của người tiêu dùng sụt giảm mạnh, lượng hàng tồn kho nhiều. Hoa Kỳ vốn là thị trường tiêu thụ hàng đầu con tôm Việt Nam, song chỉ nhập khẩu với kim ngạch 298 triệu USD, giảm tới 38,2% so với cùng kỳ năm 2022 (482 triệu USD). Các thị trường khác cũng bị sụt giảm mạnh: EU giảm 48,9%, Nhật Bản giảm 29,1%, Hàn Quốc giảm 28,1%.Thêm vào đó, các tháng đầu năm 2023 cũng là thời điểm thu hoạch chính tôm ở các nước Indonesia, Ecuador với sản lượng và kích cỡ tôm cạnh tranh với tôm Việt Nam.
Chế biến xuất khẩu tôm. Ảnh minh họa: moit.gov.vn |
Theo ông Phạm Quang Huy, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ, sản lượng tôm sản xuất nội địa của Mỹ chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu của thị trường này, phần còn lại nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador. Tuy nhiên, do lạm phát, giá cả leo thang, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, một phần chuyển hướng sang tiêu thụ sản phẩm tôm giá rẻ của các quốc gia khác, trong khi đó, theo ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng tôm 6 tháng đầu năm 2023 đạt 467 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tôm sú đạt 119,3 nghìn tấn, tăng 1,2%; tôm thẻ chân trắng là 312,5 nghìn tấn, tăng 5,2%. Sản lượng tôm tăng trong khi xuất khẩu tới các thị trường đều sụt giảm khiến những doanh nghiệp chế biến tôm và người nuôi tôm đã khó lại càng thêm khó khăn hơn.
Thị trường tôm xuất khẩu đang có dấu hiệu ấm lên
Vậy triển vọng thị trường xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2023 sẽ ra sao? Thời gian gần đây, thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên. Về vấn đề này, theo ông Lê Thanh Hòa: Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu cho các lễ hội cuối năm tăng sẽ giúp cho xuất khẩu tôm tăng trở lại.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Quang Huy cho rằng, thị trường tôm đã có những tín hiệu tốt. Cụ thể như lượng hàng tồn đã bắt đầu giảm, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bắt đầu thu mua tôm trở lại. Bên cạnh đó, ông Huy cũng nhấn mạnh một số tín hiệu tích cực của thị trường Mỹ như lãi suất không tăng mạnh, kỳ vọng lạm phát giảm và sức mua đang dần quay trở lại. Tuy nhiên, ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của cơ quan chức năng Hoa Kỳ.
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng tôm tại thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia, cho biết: Các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Gần đây, thỏa thuận xanh châu Âu đã có chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, nhấn mạnh tiềm năng của thủy sản, trong đó có tôm. Do đó, người tiêu dùng đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ và chuyển sang tiêu dùng thủy sản, trong đó có tôm. Đây là cơ hội tốt cho tôm Việt Nam nếu biết khai thác, tận dụng các thị trường này.
Cũng theo bà Thúy, EU đã cho ra đời các quy định mới nhằm bảo đảm tất cả sản phẩm hữu cơ được bán tại EU có chung một tiêu chuẩn. Chính vì vậy, nếu muốn kinh doanh tại các siêu thị ở Bắc Âu, doanh nghiệp cần có những chứng chỉ sản xuất an toàn, bền vững, trong đó có hai chứng nhận được yêu cầu chính là Hội đồng Quản lý biển (MSC) và Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) đối với các thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng.
Trung Quốc cũng là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển đối với con tôm Việt Nam. Ông Vũ Trung Kiên, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho biết thêm: Trung Quốc đang gặp khó khăn trong nuôi tôm trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường này đã tăng trở lại. Vì thế, rất có thể Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu tôm trong thời gian tới. Tiềm năng từ thị trường này còn lớn, do đó sản phẩm Việt Nam cần có giá cả cạnh tranh hơn để khai thác.
Cùng quan điểm này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trung Quốc mỗi năm nhập khẩu khoảng 18 tỷ USD tôm và sản phẩm từ tôm. Đây là thị trường quan trọng, do đó chúng ta cần đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá sản phẩm tôm vào thị trường này. Các quốc gia ở Nam bán cầu sẽ hết vụ thu hoạch, trong khi đó Việt Nam ở khu vực Bắc bán cầu lại đang vào chính vụ thu hoạch. Điều này tạo ra lợi thế cho Việt Nam từ nay đến cuối năm để xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm tôm chế biến vào thị trường Hoa Kỳ.
Nói về những lợi thế cho triển vọng xuất khẩu tôm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, thứ nhất là công nghệ nuôi và công nghệ chế biến tôm Việt Nam đều thuộc hàng tiên tiến, tầm cỡ trên thế giới. Thứ hai, các doanh nghiệp chế biến của chúng ta với sự nhanh nhạy nên có thể sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được các phân khúc thị trường và khách hàng. Thứ ba là ưu thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết với mức thuế suất bằng 0, nên con tôm Việt sẽ có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Đặc biệt, với sản phẩm con tôm sú, tôm hữu cơ (tôm nuôi trong ruộng lúa, tôm nuôi trong rừng ngập mặn) là lợi thế riêng của Việt Nam. Cùng với đó, Bộ NN-PTNT tiếp tục tập trung hỗ trợ xây dựng vùng nuôi tôm đạt chuẩn gắn với liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã. Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng đã và đang triển khai phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai xây dựng chuỗi logistics đối với những sản phẩm nông nghiệp, trong đó có logistics về thủy sản (giá thành logistics của thủy sản hiện khoảng 12%-mức khá cao) nhằm tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng thủy sản. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị tham tán thương mại hỗ trợ quảng bá tôm Việt Nam đi khắp thế giới.
Dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ thu hoạch khoảng hơn 500 nghìn tấn tôm. Để con tôm Việt “về đích” kim ngạch xuất khẩu năm 2023 cũng như phát triển tốt trong thời gian tới, theo các chuyên gia về thủy sản, trước mắt chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, trong đó có nguồn tín dụng để người nuôi tôm tiếp tục sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng các vùng nuôi tôm được cấp các chứng chỉ, đặc biệt là chứng chỉ hữu cơ, sinh thái. Những chứng chỉ này không chỉ là “giấy thông hành” cho tôm Việt Nam vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, đặc biệt là các nước khu vực Bắc Âu mà còn giúp gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế cho con tôm.
NGUYỄN KIỂM
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.