Giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long - Những bất cập cần sớm giải quyết
Bước vào năm học 2023-2024, bên cạnh chuẩn bị về cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị, nhiều tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp khó vì thiếu giáo viên. Câu chuyện thừa-thiếu giáo viên đã diễn ra nhiều năm và sẽ kéo dài nếu những bất cập này chưa được giải quyết.
Trường học gặp khó
Trong khi sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm khó tìm được việc thì các trường học lại thiếu giáo viên trầm trọng. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) các tỉnh, thành phố: Cần Thơ hiện thiếu 688 biên chế giáo viên; Đồng Tháp thiếu 852 giáo viên; còn tại Hậu Giang, nếu năm học 2022-2023 thiếu 846 giáo viên thì hiện nay con số này đã tăng lên 1.196 giáo viên.
Dù thiếu giáo viên nhưng thực tế câu chuyện tuyển dụng lại không hề dễ dàng. Như tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, năm học 2021-2022, toàn huyện thiếu hơn 80 giáo viên. Dù vẫn còn biên chế tuyển dụng nhưng không có nguồn giáo viên. Năm học 2022-2023, toàn huyện thiếu khoảng 90 giáo viên, nhưng chỉ tuyển được 29 giáo viên. “Các trường thiếu sẽ ký hợp đồng nhưng theo Luật Giáo dục năm 2019, giáo viên mầm non chuẩn trình độ đào tạo phải là cao đẳng; giáo viên tiểu học, THCS, THPT chuẩn trình độ đào tạo là đại học nên nhà trường gặp khó khăn trong việc tìm nguồn để ký hợp đồng”, ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thới Lai cho biết.
Một tiết học dạy STEM của cô, trò Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. |
Ngoài gặp khó khăn trong tìm nguồn tuyển dụng, tỉnh Hậu Giang còn có gần 1.000 giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019. Nằm trong số giáo viên phải nâng chuẩn, thầy Diệp Đặng Tú, dạy Tin học tại Trường Tiểu học Phú Hữu 2 (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), bộc bạch: “Theo quy định, tôi phải học liên thông lên đại học, nhưng vừa dạy học trò vừa tham gia tổ kỹ thuật dựng hình ảnh của Phòng GD-ĐT huyện, hỗ trợ các trường trong địa bàn thiết kế, trình chiếu bài giảng qua truyền hình, tham gia các lớp bồi dưỡng chương trình sách giáo khoa mới... nên hơi áp lực”.
Bên cạnh Luật Giáo dục năm 2019, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29-11-2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũng gây khó cho nhà trường. Cô Nguyễn Thị Hồng Tím, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thuận (huyện Thới Lai) cho biết: “4 năm nay trường luôn thiếu giáo viên. Trước đây, chúng tôi dùng kinh phí của trường để trả lương cho giáo viên dạy hợp đồng nhằm bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, từ năm học 2019-2020 không còn hình thức hợp đồng do hiệu trưởng ký không thông qua thi hoặc xét tuyển theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP nên nhà trường gặp nhiều khó khăn”.
Điểm nghẽn đặt hàng đào tạo
Để khuyến khích sinh viên theo ngành sư phạm, ngày 25-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP. Theo đó, các địa phương được phép đặt hàng đào tạo và sinh viên học những môn thiếu sẽ được hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt. Dù đã triển khai từ năm 2021 và các trường sư phạm sẵn sàng đón nhận, chờ đơn đặt hàng nhưng nhiều địa phương vẫn chưa mặn mà với việc đặt hàng đào tạo giáo viên.
Lý giải nguyên nhân, đồng chí Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Có một thực tế là quy mô trường lớp hằng năm tăng, trong khi Bộ Nội vụ lại cắt giảm biên chế. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu trong hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 của Bộ GD-ĐT chưa rõ. Trách nhiệm thu hồi kinh phí đào tạo từ người học nếu vi phạm giao cho địa phương rất vướng vì hiện không có chế tài xử lý nên không thu hồi được”.
Cô, trò Trường Tiểu học Hưng Phú 1, quận Cái Răng, TP Cần Thơ trong giờ hoạt động trải nghiệm. |
Thực tế cơ chế đặt hàng, đấu thầu theo Nghị định 116 quá phức tạp do có sự tham gia của nhiều bên liên quan khiến các địa phương khó có thể thực hiện được đúng thời gian, quy trình, thủ tục. Cụ thể, nhu cầu về giáo viên do địa phương, bộ, ngành đề xuất dựa trên tình hình thực tiễn, chỉ tiêu biên chế do ngành nội vụ giao và phân bổ, chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo do Bộ GD-ĐT xác định, kinh phí từ Bộ Tài chính nên khó có thể thực hiện. Sinh viên được đào tạo theo hình thức đấu thầu, đặt hàng sẽ được Nhà nước chi trả phí đào tạo. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc họ sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường, vì còn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ cho biết: "Chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm của trường được Bộ GD-ĐT giao dựa trên nhu cầu của các địa phương. Thời gian qua, trường cũng nhận đặt hàng đào tạo giáo viên của hai tỉnh Long An và Vĩnh Long. Trong đó, Long An đặt hàng đào tạo 159 chỉ tiêu. Sau khi nhập học có 154 sinh viên đăng ký nhận hỗ trợ của Long An, nhưng cuối cùng tỉnh chỉ ký hợp đồng với 11 sinh viên có hộ khẩu ở địa phương này, không chấp nhận sinh viên có hộ khẩu thuộc tỉnh khác. Trong khi tỉnh Vĩnh Long đặt hàng 240 chỉ tiêu và đã có 203 sinh viên đăng ký. Nhưng cuối cùng Vĩnh Long lại không ký hợp đồng với sinh viên nào. Địa phương cho biết, do điều kiện về kinh phí và một số khó khăn khác khi thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ nên tỉnh không đặt hàng đào tạo với sinh viên sư phạm khóa tuyển sinh năm 2021...”.
Có lẽ, đã đến lúc phải nhìn nhận nghiêm túc về câu chuyện “cho ngành giáo dục thực hiện trọn vẹn 3 quyền” như quan điểm của PGS, TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục: Quyền tuyển người, quyền dùng tiền và quyền ban hành các chính sách giáo dục. Mặt khác, các địa phương cần thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng.
Bài và ảnh: THÚY AN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.