• Click để copy

Giúp doanh nghiệp trụ vững

Triển vọng tăng trưởng ảm đạm của các nền kinh tế lớn, tình hình lạm phát trên thế giới đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Đơn hàng giảm, thiếu vốn cùng những yêu cầu mới khắt khe của thị trường nhập khẩu đang đặt ra thách thức lớn với doanh nghiệp (DN).

Nguy cơ DN đóng cửa, thậm chí phá sản, lao động mất việc đang hiển hiện trước mặt... Các dự báo cho thấy, khó khăn sẽ còn tiếp diễn, vậy cách nào để giúp các DN trụ vững trong thời gian tới?

Doanh nghiệp khó khăn, người lao động mất việc 

Sụt giảm đơn hàng đã khiến nhiều DN rơi vào hoạt động cầm chừng là thực trạng của ngành da giày. “Chưa bao giờ các DN trong ngành da giày lại khó khăn như hiện nay”, ông Phạm Hồng Việt, Chủ tịch Hội Da giày TP Hà Nội chia sẻ. Theo ông Việt, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế đều suy giảm mạnh. Thị trường xuất khẩu có dấu hiệu đi xuống từ tháng 7-2022 và đến quý I-2023 thì mức cắt giảm đơn hàng diễn ra rất nghiêm trọng. Mức độ cắt giảm đơn hàng phổ biến 50-70%; cá biệt có DN trong nước gần như không có đơn hàng xuất khẩu. Trước tình cảnh này, từ cuối năm ngoái, các DN đã bắt đầu cắt giảm thời gian làm việc, cắt giảm dây chuyền sản xuất.

Cũng rơi vào tình trạng không mấy khả quan là hoạt động của những DN ngành xây dựng. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, DN ngành xây dựng trong quý I-2023 chỉ thực hiện được khoảng 8% kế hoạch năm; trong khi đó trung bình mọi năm đạt khoảng 18-20%. Năm nay, có DN cho biết, từ đầu năm chưa có dự án nào.

Không chỉ rơi vào tình cảnh chung là thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất, ghi nhận từ nhiều DN cũng cho thấy, hiện nay, DN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất vẫn là thuế, phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy và xây dựng. Cùng với đó, nhiều DN lo ngại về tình hình giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều địa phương, nhất là trong bối cảnh có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, làm chậm tiến độ giải quyết công việc.

 
 
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Dụng cụ An Mi. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Dụng cụ An Mi. Ảnh: VIỆT TRUNG 

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều DN đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng DN, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong đó nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài. Còn theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng qua, bình quân một tháng có 19,7 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động; nhưng con số DN rút lui khỏi thị trường cũng không kém, khi bình quân một tháng có 19,2 nghìn DN rời bỏ thị trường.

Đáng lo ngại, tình trạng nhiều DN ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng diễn ra từ quý IV-2022 và tiếp diễn sang quý I-2023, dẫn đến hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các DN trên cả nước trong quý I-2023 là gần 294 nghìn người; cả nước có gần 149 nghìn lao động bị mất việc. Trong đó, tập trung ở các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chủ yếu ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như: Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang...

Thêm vào đó, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến ngày 25-4, con số tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ đạt 2,75%. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của DN, của nền kinh tế rất thấp. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bản chất câu chuyện tín dụng cũng như hiện tượng DN “đói vốn” thời điểm này không phải là hệ thống ngân hàng thiếu vốn, mà là có vốn nhưng DN không dám vay, không hấp thụ được khi mặt bằng lãi suất ở mức cao hoặc DN không tìm được đầu ra cho sản phẩm nên không dám vay để sản xuất.

Chính sách hỗ trợ cần được thực thi hiệu quả

Doanh nghiệp kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ cần có những hành động cụ thể, quyết liệt và sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, nhất là trong vấn đề thị trường, vốn... Đặc biệt, DN đều mong muốn có một hành lang pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thông thoáng cho công việc kinh doanh... Trong đó, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ hiện áp dụng mức thuế suất 10%, đang được cộng đồng DN và người dân rất chờ đợi. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp DN tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Phạm Hồng Việt, các hoạt động hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng vừa qua và đề xuất giảm 2% thuế VAT đang được Chính phủ đề xuất đã thực sự tạo động lực cho DN. Dù vậy, DN vẫn đề nghị các bộ, ngành thông tin tình hình thị trường kịp thời; tổ chức xúc tiến thương mại cũng như hỗ trợ lãi suất vay, giãn nợ để DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Phản ánh của cộng đồng DN cũng cho thấy, yêu cầu về phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc, thẩm định chuỗi cung ứng... cũng làm tăng chi phí rất lớn. Để không bị loại ra khỏi cuộc chơi toàn cầu, các DN cần phải tái cấu trúc, thay đổi đồng bộ các chiến lược sản xuất, kinh doanh. Nhưng DN Việt Nam đa số là vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh nên khó có thể nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất khi không có nguồn vốn ưu đãi phục vụ cho sản xuất xanh. “Những DN sản xuất xanh hiện nay đang có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với sản xuất thông thường. Các DN cần phải chấp nhận hy sinh tài chính, vượt qua những thách thức này để đáp ứng được yêu cầu và không bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng. Nói điều này để thấy, DN muốn thực hiện xanh hóa cần phải có nguồn lực tài chính và thời gian, không thể nói 1-2 năm là xong được”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm, khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho DN. Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc đối với các quy định về phòng cháy, chữa cháy phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất của DN để các DN sớm hoàn thiện những thủ tục đưa các dự án mới vào hoạt động. Nhà nước chỉ tiến hành công tác hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án đầu tư mới vào hoạt động...

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay, cải thiện môi trường kinh doanh là cách thức hỗ trợ không tốn nhiều chi phí nhưng lại mang hiệu quả lớn. “Những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm môi trường chính sách an toàn cho DN cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. Cần khơi dậy động lực cải cách của chính quyền địa phương, cùng cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ.

Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế-xã hội tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 25-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, khó khăn lớn nhất của nền kinh tế là khó khăn của DN. Theo đó, cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, các ách tắc về thủ tục hành chính nếu không tháo gỡ nhanh sẽ gây cản trở hoạt động của DN và nền kinh tế.

VŨ DUNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.