Hà Nội: Bảo đảm hàng hóa không khan hiếm sau bão
Sau khi bão số 3 đi qua, nhiều siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội hoạt động nhộn nhịp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương TP Hà Nội đã khẩn trương triển khai các giải pháp cung ứng, điều phối hàng hóa thiết yếu, bảo đảm không thiếu thực phẩm cho người dân. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm đó là thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu có tăng giá hay không? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã khảo sát thực tế tại các chợ và siêu thị.
Rau xanh tăng giá gấp đôi tại chợ truyền thống
Khảo sát một số chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Cầu Giấy... cho thấy, các mặt hàng thực phẩm đều tăng nhẹ, riêng rau xanh tăng giá mạnh. Tại các gian hàng bán rau củ quả ở chợ Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm), giá 1 bó rau muống dao động từ 20.000-30.000 đồng, đắt gấp đôi so với giá bình thường. Bên cạnh đó, các loại rau dền, rau ngót cũng tăng từ 7.000 đồng lên 15.000-20.000 đồng 1 bó; giá rau cải bắp cũng dao động từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/kg; các loại củ quả như cà chua, cà rốt... lên 40.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Thủy, tiểu thương bán rau tại chợ Thanh Hà cho biết: "Các loại rau củ quả tại gian hàng của tôi chủ yếu là nhập từ chợ đầu mối Long Biên, tuy nhiên do ảnh hưởng của bão nên mấy ngày nay, giá nhập rau tăng cao". Bà Thủy chìa cho chúng tôi xem một bó rau mùi nhỏ khoảng bằng lòng bàn tay nhưng có giá nhập về đã là 10.000 đồng/bó.
Phía bên kia cầu, tại khu vực chợ Ngọc Thụy thuộc quận Long Biên, giá cả các loại rau xanh cũng có xu hướng tăng, trung bình tăng từ 7.000-10.000 đồng so với giá bình thường. Chị Nguyễn Thị Thanh, sinh sống tại phường Ngọc Thụy cho biết: “Trước đợt mưa bão, tôi đi khắp các chợ mà không mua được bó rau nào, các gian hàng hết sạch, chỉ còn lại vài bó rau bị giập nát. Đến khi bão số 3 đi qua, các chợ lại đầy ắp những loại rau củ quả, nhưng giá tăng cao, rau đắt ngang thịt. Hôm nay tôi mua một ít rau tía tô, hành lá, bắp cải và mấy quả cà chua mà hết gần 150.000 đồng”. Còn đối với mặt hàng thịt lợn tại chợ Ngọc Thụy, các quầy hàng lúc nào cũng có 2-3 người xếp hàng mua. Ông Phạm Đình Chiểu, chủ hàng thịt lợn, sinh sống tại khu phố Bắc Cầu, Ngọc Thụy chia sẻ, mấy ngày nay ông đều được dọn hàng sớm hơn mọi khi, tầm 5 giờ chiều là đã bán hết thịt.
Quầy rau xanh tại chợ Thanh Hà (quận Hoàn Kiếm) đầy đủ các loại rau nhưng giá khá cao. |
Một nguyên nhân khiến rau xanh tăng giá là do nhiều đơn vị sản xuất rau cung cấp cho Hà Nội gần như mất trắng sau cơn bão số 3. Chiều 11-9, có mặt tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến gần 50ha trồng cây ăn quả và rau xanh của HTX đã gần như mất trắng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Công Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình cho biết: “70% cây ăn quả của chúng tôi bị thiệt hại, còn riêng rau xanh thì gần như là 100%. HTX của tôi cung ứng rau cho các trường mầm non và chợ truyền thống trên địa bàn. Ngay sau khi bị ảnh hưởng, chúng tôi đã phải liên kết với một số HTX rau ở huyện Đông Anh và vùng không bị ảnh hưởng của bão để có thể tiếp tục bảo đảm rau cho khách hàng”.
Người dân không nên tích trữ quá mức cần thiết
Tại một số siêu thị trên địa bàn nội thành Hà Nội như BigC, WinMart, Thành Đô... khu vực hàng rau củ dồi dào và đa dạng mặt hàng, không có tình trạng khan hàng sốt giá. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Cường, quản lý WinMart Thanh Xuân cho biết: “Sau bão, người dân thường có nhu cầu cao về thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá, nước uống và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác. Do đó, hệ thống siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+/WiN đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng sau bão. Đơn cử đối với các mặt hàng thực phẩm như rau lá, chúng tôi đã nhanh chóng điều phối bổ sung từ nông trại WinEco, cùng với nhà cung cấp từ Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam đến các siêu thị và cửa hàng của chúng tôi tại Hà Nội cũng như các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão vừa qua, để bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì... vẫn được cung cấp đầy đủ với giá cả ổn định, không có hiện tượng tăng giá”.
Người dân mua hàng tại siêu thị Thành Đô, chi nhánh Lê Trọng Tấn. |
Đi một vòng quanh siêu thị Thành Đô, chi nhánh Lê Trọng Tấn chúng tôi thấy sức mua khá lớn, đặc biệt là quầy rau củ. Rau xanh được lấp đầy, một lúc sau lại hết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn liên tục được bổ sung. Quản lý tại siêu thị Thành Đô, chi nhánh Lê Trọng Tấn chia sẻ: “Chúng tôi không tăng giá bán vì đã có sự chuẩn bị nguồn hàng với các nhà cung cấp từ khi nhận tin có bão số 3. Hiện nay, nhiều mặt hàng rau xanh chúng tôi còn bán rẻ hơn trước bão để người dân có thể mua. Các mặt hàng thiết yếu như nước uống, mì ăn liền, lương khô... nguồn cung rất phong phú, mọi người cứ bình tĩnh, không cần phải tích trữ nhiều”.
Bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, hiện cơ quan quản lý đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng của bão số 3 để hoạt động cung ứng không bị gián đoạn. Cũng theo Sở Công Thương, cần tiếp tục tuyên truyền các hộ kinh doanh tại chợ chấp hành đầy đủ các quy định chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa kinh doanh.
Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, ngoại trừ một số loại rau xanh tăng giá nhẹ là do mặt hàng này có bảo quản. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng trong việc khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên cho các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra.
Bài và ảnh: HUYỀN TRANG - VÂN HÀ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.