Hà Nội: Giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa từ tài nguyên di sản
Hà Nội hiện đang sở hữu kho tàng di sản vô giá và cực kỳ phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1 di sản văn hóa thế giới, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn có 1.350 làng nghề, làng có nghề chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và có giá trị kinh tế cao.
Làm thế nào để phát huy những nguồn giá trị khổng lồ này đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hoá của Thủ đô, phóng viên (PV) Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam).
Ông Trương Quốc Toàn, Trợ lý giám đốc Cơ quan Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam). |
Thúc đẩy mô hình cụm công nghiệp văn hóa tạo sự tăng trưởng nội sinh
PV: Chúng ta cần có nhận thức như thế nào về “vốn” di sản văn hóa đồ sộ này của Thủ đô, thưa ông?
Ông Trương Quốc Toàn: Cần nhìn nhận di sản như một tài sản có giá trị kinh tế, một lĩnh vực đầu tư với tỷ suất lợi nhuận khổng lồ hứa hẹn tăng theo cấp số nhân. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa cũng cần được coi như những sản phẩm thương mại đúng nghĩa, được phát triển theo các kênh phân phối và các chiến lược marketing chuyên biệt. Tập trung phát huy các giá trị di sản văn hóa không chỉ trong mối tương quan với các đô thị khác trong cả nước mà ngay cả với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới.
Điểm qua một số ví dụ thành công về phát triển công nghiệp văn hóa trên thế giới, sẽ thấy rõ điều này. Ngành công nghiệp điện ảnh của Mỹ với “kinh đô” Hollywood đã góp phần truyền bá các giá trị văn hóa Mỹ đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong khi đó, từ một vài thập niên gần đây, Hàn Quốc cũng đã thành công khi làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc và điện ảnh toàn cầu.
Chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới gần đây của nhóm nhạc Black Pink với điểm đến cuối cùng là Hà Nội là một minh chứng rõ nét nhất. Hướng tới các hoạt động xuất khẩu văn hóa, không chỉ dừng lại ở các hình thức quảng bá văn hóa với sự tài trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước mà phải từng bước hướng tới xây dựng thành các sản phẩm giải trí xuất khẩu.
Trong lĩnh vực ẩm thực vốn cũng được coi như một di sản văn hóa của bất kỳ quốc gia nào, rượu vang Pháp từ lâu đã trở thành một thương hiệu không thể thay thế, mỳ Ý và cà phê espresso cũng trở thành cặp bài trùng tạo dựng dấu ấn văn hóa đặc trưng của quốc gia hình chiếc ủng bên bờ Địa Trung Hải hay các nhãn hàng rượu whisky đã khiến cho Scotland trở thành miền đất hứa cho mọi tín đồ yêu thích món đồ uống từ mạch nha đơn chất.
Vậy tại sao Hà Nội không thể có một thương hiệu ẩm thực vươn tầm quốc tế, ví dụ như “Phở Hà Nội”? Trong lĩnh vực ẩm thực này, đã đến lúc chúng ta cần quy tụ các nghệ nhân hàng đầu và các nhà hàng nổi tiếng để xây dựng những thương hiệu ẩm thực riêng của đất Hà thành, từ đó góp phần hình thành các tour ẩm thực chuyên biệt (food tour) Hà thành. Nói cách khác, điều quan trọng là không chỉ xây dựng các sản phẩm văn hóa mà cần hình thành các thương hiệu văn hóa Hà Nội.
PV: Vậy cần giải pháp nào để phát huy và khai thác một cách hiệu quả nguồn lực sẵn có này nhằm thu về nguồn lợi tinh thần cũng như thúc đẩy kinh tế phát triển?
Ông Trương Quốc Toàn: Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta có các cụm công nghiệp hay khu công nghiệp tập trung, trên lĩnh vực văn hóa, đã đến lúc Hà Nội cần tính đến đến giải pháp thử nghiệm mô hình “cụm” công nghiệp văn hóa. Mô hình này sẽ hoạt động tương tự như một dạng vườn ươm doanh nghiệp, nhưng đó đều là các doanh nghiệp tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa.
Các doanh nghiệp được quy tụ tại đây sẽ tạo thành một hệ sinh thái công nghiệp văn hóa, mang đến các giá trị bổ trợ lẫn nhau trong một chuỗi sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, từ nghe nhìn, biểu diễn đến thiết kế, sáng tạo hay xuất khẩu.
Sự kết hợp như vậy sẽ giúp gia tăng lợi nhuận theo quy mô. Những cụm công nghiệp này cũng sẽ từng bước đóng vai trò tổ chức các sự kiện, chương trình hoạt động văn hóa quy mô lớn tầm cỡ quốc tế cho thủ đô. Khi được kết hợp với nhau trong một hệ sinh thái, mỗi doanh nghiệp đều có thuận lợi là kinh phí tiếp cận thị trường thấp hơn bất kỳ nơi nào khác do chi phí giao dịch giảm mạnh.
Về phía chính quyền thành phố, việc hỗ trợ về tài chính và cơ chế, chính sách cho những doanh nghiệp này đóng vai trò vô cùng quan trọng để thực sự tạo nên các chuỗi giá trị về công nghiệp văn hóa. Tại nhiều nước, những khu trung tâm về công nghiệp văn hóa như vậy đang từng bước được chuyển đổi thành các khu du lịch văn hóa và nghệ thuật đương đại.
Khu nghệ thuật Dashanzi ở Bắc Kinh là một ví dụ đặc biệt về khu văn hóa chuyên sản xuất các sản phẩm nghệ thuật đương đại. Đây là nơi quy tụ các xưởng sáng tác hay studio của các nghệ sĩ tên tuổi, phòng trưng bày nghệ thuật Trung Quốc và quốc tế, và các doanh nghiệp nhỏ góp phần vào sự phát triển của một thị trường nghệ thuật đã thực sự bùng nổ trong những năm gần đây.
Việc hình thành các khu trung tâm công nghiệp văn hóa hiện đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tạo ra sự tăng trưởng nội sinh hết sức ngoạn mục. Điều quan trọng nhất là các khu vực này hầu hết chỉ dựa vào vốn văn hóa địa phương, nhưng đã tạo ra nguồn thu nhập và tạo được nhiều công ăn việc làm trong lĩnh vực văn hóa.
"Lung linh Khuê Văn Các". Ảnh: Tạ Quang Hậu |
PV: Đối với hệ thống làng nghề và làng có nghề, thực trạng và giải pháp như thế nào?
Ông Trương Quốc Toàn: Trong quỹ di sản văn hóa của Hà Nội có một kho tàng hết sức giá trị, đó là các làng nghề thủ công truyền thống. Mỗi làng nghề đều là sự quy tụ của bốn yếu tố di sản khác nhau và có thể chia thành hai nhóm, trong đó mỗi nhóm đều có một di sản vật thể và một di sản phi vật thể.
Nhóm thứ nhất là “Làng” với di sản vật thể là các yếu tố kiến trúc, cảnh quan như cổng làng, đình làng, cây đa, bến nước…, còn di sản phi vật thể là các sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tập quán hay lễ hội gắn với ngôi làng đó. Nhóm thứ hai là “Nghề” với di sản vật thể là sản phẩm đặc trưng của chính làng nghề đó, còn di sản phi vật thể là bí quyết nghề truyền thống. Hầu hết các làng nghề hiện nay mới chỉ tập trung cho khâu sản xuất đáp ứng thị trường trong nước và một phần hướng tới xuất khẩu.
Ngoại trừ một số làng nghề nổi tiếng như gốm sứ Bát Tràng hay lụa Vạn Phúc đã có tên trên bản đồ du lịch, rất nhiều làng nghề khác có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch văn hoá như một hình thức “xuất khẩu tại chỗ” như mây tre đan Phú Vinh hay sơn mài Hạ Thái vẫn chưa phát huy được các nguồn lực sẵn có của mình.
Các làng nghề thủ công cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu sáng tạo mẫu mới, bên cạnh các sản phẩm có tính chất “bình dân” phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày thì cần có dòng sản phẩm cao cấp, tinh xảo phục vụ các nhu cầu decor hoặc quà tặng tinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, cần khuyến khích các nghệ nhân thành lập doanh nghiệp riêng hoặc liên kết thành lập doanh nghiệp chung để tạo thuận lợi cho việc đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Khuyến khích hợp tác công tư, “lấy di sản nuôi di sản”
PV: Trong bối cảnh hiện nay, có ý kiến cho rằng thay vì trông chờ vào nguồn kinh phí eo hẹp của Nhà nước, cách phát huy giá trị di sản tốt nhất, phải chăng là lấy di sản “nuôi” di sản, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Trương Quốc Toàn: Một trong những cách thức phát huy giá trị di sản phổ biến nhất và cũng tạo được hiệu ứng cộng đồng tốt nhất chính là tổ chức các hoạt động và sự kiện văn hóa tại các địa danh hoặc công trình văn hóa lịch sử.
Những sự kiện như vậy sẽ giúp cho công chúng có được những trải nghiệm khám phá phong phú về văn hóa theo cách hấp dẫn hơn. Đó không chỉ là các lễ hội, các cuộc triển lãm, hội chợ, games show mà còn có thể là các hội thảo, tọa đàm hay diễn thuyết (talk show) về chủ đề văn hóa của thủ đô hoặc đất nước. Những hoạt động này đòi hỏi cần có sự đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho phát triển công nghiệp văn hóa, ưu tiên khuyến khích các mô hình xã hội hóa và hợp tác công - tư (PPP).
Việc đẩy mạnh các mô hình PPP còn góp phần khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa công cộng hiện không được quản lý và khai thác tốt, kể cả cho thuê địa điểm nhưng chỉ dành cho các hoạt động văn hóa - thể thao chứ không phải để dành cho các hình thức hội chợ thương mại đơn thuần hay dịch vụ ăn uống. Chính quyền thành phố cũng cần khuyến khích liên kết giữa các điểm văn hóa để tạo thành các sản phẩm văn hóa phong phú và gia tăng trải nghiệm cho người tham gia, kết hợp với đa dạng hóa các loại hình vé và dịch vụ tại từng điểm văn hóa.
Kinh nghiệm từ cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, trong khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân vẫn có nhu cầu tiếp cận, hưởng thụ văn hoá. Giải pháp số hóa các công trình, di sản văn hóa đã nhanh chóng được áp dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân. Việc số hóa các nguồn quỹ di sản trước hết sẽ phục vụ cho nhu cầu quảng bá các giá trị di sản của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hồ Hoàn Kiếm về đêm. |
Nhưng để duy trì được một cách bền vững mô hình “lấy di sản nuôi di sản”, các dự án số hóa cần được thiết kế theo hướng không chỉ dừng lại ở việc xây dựng cơ sở dữ liệu di sản trên môi trường số mà còn cần hướng tới phát triển các sản phẩm dịch vụ số gắn với di sản.
Đây cũng chính là một bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data) trong lĩnh vực văn hóa đang dần lan rộng trên toàn thế giới mà Việt Nam hay Thủ đô Hà Nội không phải là một ngoại lệ. Những sản phẩm số hóa đó sẽ được triển khai cụ thể trên các ứng dụng trên điện thoại thông minh hay trên màn hình tương tác nhằm mang đến cho người dùng hoặc khách tham quan tại các công trình di sản những trải nghiệm mới, những tương tác mới giúp cho việc khám phá di sản văn hóa trở nên thú vị hơn.
PV: Ông đánh giá thế nào về cách cảm nhận di sản văn hóa của giới trẻ hiện nay? Làm thế nào để thu hút sự tham gia của giới trẻ trong giữ gìn và bồi đắp những nguồn lực văn hóa mới?
Ông Trương Quốc Toàn: Lâu nay, khi nói đến di sản văn hóa, người ta thường gắn với một thế hệ ở một độ tuổi nhất định. Từ những di sản kiến trúc như đình, đền, chùa, nhà hát, bảo tàng, tượng đài cho đến các di sản phi vật thể như nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật cổ truyền… vẫn thường bị gán cho những hình ảnh khá xưa cũ. Trong khi đó, chúng ta đang sống trong một thế giới đương đại, nơi thế hệ mới được sinh ra trong thời đại kỹ thuật số, nơi mọi thứ đều được số hóa và cách tiếp cận di sản đã có nhiều thay đổi.
Do đó, thế hệ trẻ hiện nay sẽ không có cùng cách cảm nhận đối với di sản văn hóa giống như các thế hệ trước, và đương nhiên cũng không có cùng mối quan hệ với việc khám phá di sản văn hóa so với những lớp người lớn tuổi hơn. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của công nghệ đã làm thay đổi cách sử dụng, thói quen và mô hình tiêu dùng văn hóa trong giới trẻ. Điều đó thể hiện rất rõ trong các giá trị và văn hóa của lớp người trẻ tuổi.
Trong bối cảnh như vậy, điều cần thiết là nâng cao nhận thức về di sản văn hóa cho thanh thiếu niên ngay từ khi còn nhỏ. Họ cần được tiếp cận sớm với văn hóa và di sản của mảnh đất nơi mình sinh sống, bởi trong tương lai, chính họ sẽ là những người duy trì các giá trị văn hóa đó và tiếp tục bồi đắp những nguồn lực văn hóa mới liên quan đến thế hệ của mình.
Hiện tại chúng ta đã có Ngày Di sản Việt Nam (23-11) với nhiều hoạt động văn hóa di sản phong phú. Nhưng với riêng mảnh đất hơn một nghìn năm văn hiến như Hà Nội, có lẽ nên tổ chức và duy trì định kỳ mỗi năm một “Tuần lễ Di sản Hà Nội” với các chương trình hoạt động được lên kế hoạch một cách bài bản. Đặc biệt trong suốt một tuần lễ như vậy, tất cả các địa điểm, công trình di sản văn hoá đều sẽ mở cửa miễn phí cho giới trẻ tìm hiểu, khám phá.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THANH SƠN (ghi)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.