Hải quân Mỹ trước nguy cơ thiếu hụt tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân
Giới chức Hải quân Mỹ lo ngại rằng tới những năm của thập niên 2030, lực lượng này có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân.
Trang mạng Defense News mới đây dẫn thông tin từ Hải quân Mỹ cho biết tới những năm của thập niên 2030, lực lượng này có thể sở hữu “vừa đủ” các tàu ngầm được trang bị vũ khí hạt nhân nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến. Trong trường hợp một chiếc trong số này “không ở trạng thái sẵn sàng”, sẽ không có thêm tàu nào khác để bổ sung.
Chuẩn đô đốc Scott Pappano, người phụ trách chương trình tàu ngầm chiến lược của Hải quân Mỹ cho biết khi các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio hết niên hạn sử dụng và một số tàu ngầm mới lớp Columbia được đưa vào hoạt động, sẽ có những thời điểm mà hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ chỉ có sẵn chưa tới 10 chiếc SSBN.
“Cũng giống như ô tô, tàu ngầm dễ gặp các vấn đề nhất vào hai thời điểm. Một là khi còn mới tinh, chúng dễ phát sinh các lỗi do sản xuất. Hai là khi cũ rồi thì phụ tùng của tàu ngầm bắt đầu xuống cấp. Những năm của thập niên 2030 chính là thời kỳ nhiều rủi ro nhất”, Chuẩn đô đốc Pappano nhấn mạnh.
![]() |
Tàu ngầm lớp Ohio USS Maine của Hải quân Mỹ. Ảnh: Naval Technology |
Theo Chuẩn đô đốc Pappano, hạm đội tàu ngầm cần có 10 chiếc SSBN luôn sẵn sàng được triển khai trên biển vào bất kỳ thời điểm nào. Các tàu này thường có những đợt triển khai trên biển dài ngày, “không bị phát hiện ở sâu dưới lòng đại dương và mang các tên lửa hạt nhân mà Mỹ hy vọng không bao giờ phóng”. Vì vậy, để đối phó với nguy cơ thiếu hụt SSBN, Hải quân Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bàn giao các tàu ngầm lớp Columbia mới.
Trang mạng USNI News cho biết chương trình tàu ngầm lớp Columbia của Hải quân Mỹ là nhằm đóng 12 chiếc SSBN mới thay thế 14 chiếc lớp Ohio già cỗi-vốn được biên chế từ thập niên 1980 và góp phần đáng kể vào sức mạnh răn đe hạt nhân của Mỹ.
Từ năm 2013 đến nay, Hải quân Mỹ đã xác định chương trình tàu ngầm lớp Columbia là một ưu tiên hàng đầu. Trong tài khóa 2021, Hải quân Mỹ đã đặt hàng chiếc tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên và có kế hoạch đặt mua chiếc thứ hai trong tài khóa 2024, sau đó sẽ mua những chiếc còn lại với tốc độ một chiếc mỗi năm từ tài khóa 2026 đến 2035.
Defense News dẫn lời Chuẩn đô đốc Doug Perry thuộc Văn phòng Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ tuyên bố đã phối hợp với ngành công nghiệp đóng tàu của nước này phát triển một kế hoạch nhằm đẩy thời gian bàn giao lên sớm hơn 6 tháng đối với các tàu ngầm lớp Columbia, bắt đầu từ chiếc thứ hai trở đi. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Pappano nhận định kế hoạch này sẽ loại bỏ được tất cả các kịch bản về “số lượng SSBN sẵn có không quá 10 chiếc trong các dự báo tương lai”.
Tuy nhiên, kịch bản “không có tàu ngầm bổ sung” không thể bị loại bỏ trong trường hợp xảy ra “những biến cố không lường trước được”. Vì vậy, ngoài đẩy nhanh tiến độ bàn giao các tàu ngầm lớp Columbia mới, Hải quân Mỹ đang tìm cách gia hạn “tuổi thọ phục vụ” của một số tàu ngầm lớp Ohio-vốn ban đầu được dự kiến sẽ bị loại biên dần, theo tạp chí Seapower là bắt đầu từ năm 2027.
Chuẩn đô đốc Pappano cho biết Hải quân Mỹ có thể kéo dài niên hạn sử dụng của ít nhất là 2 và nhiều nhất là 5 tàu ngầm lớp Ohio. Những tàu này có thể cùng trải qua “một thời kỳ bảo dưỡng và hiện đại hóa dài 18 tháng” để chúng có thêm 3 năm hoạt động trên biển, “đem lại cho hạm đội tàu ngầm một sự bảo vệ lớn hơn”.
Giới chức Hải quân Mỹ đã công khai thảo luận việc kéo dài niên hạn sử dụng một số tàu ngầm lớp Ohio từ năm 2020. Từ đó đến nay, trong các bình luận, giới lãnh đạo Hải quân Mỹ đều hàm ý xem việc gia hạn “tuổi thọ phục vụ” này như là “sự bảo vệ” trước bất kỳ vấn đề nào xảy ra đối với quá trình đóng tàu ngầm lớp Columbia.
Theo Defense News, Hải quân Mỹ có thể đánh giá từng chiếc tàu ngầm lớp Ohio khi chúng sắp hết niên hạn sử dụng và xác định xem tàu nào vẫn còn nhiều nhiên liệu hạt nhân và trong tình trạng tốt. Những tàu đáp ứng điều kiện này sẽ được “bảo dưỡng và hiện đại hóa” để bảo đảm “ở trong tình trạng tối ưu” nhằm hoạt động thêm 3 năm nữa.
Những chiếc còn lại sẽ được “mổ xẻ để hiểu thêm về tình trạng” hoặc tháo rời phụ tùng để sử dụng cho các tàu được kéo dài “tuổi thọ phục vụ”. Về chi phí kéo dài niên hạn sử dụng một số tàu ngầm lớp Ohio, Chuẩn đô đốc Pappano không đưa ra con số cụ thể nhưng khẳng định “không đắt đỏ”. “Chi phí sẽ là một yếu tố quyết định bao nhiêu tàu được kéo dài niên hạn sử dụng. Một yếu tố khác là năng lực của các nhà máy đóng tàu”, Defense News dẫn lời Chuẩn đô đốc Pappano.
HOÀNG VŨ
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.