Hành trình vì người khuyết tật - Kỳ 2: Kết nối những tấm lòng (Tiếp theo và hết)
Qua đánh giá hoạt động của các dự án hỗ trợ người khuyết tật (NKT), có thể thấy nhu cầu hỗ trợ phục hồi chức năng (PHCN) trên địa bàn các tỉnh phía Nam chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh vẫn rất nhiều, trong khi khả năng và nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên cần có sự chung tay của cộng đồng, toàn xã hội và những tấm lòng hảo tâm... Các dự án của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) không chỉ kết nối đa ngành để PHCN cho NKT mà còn góp phần kết nối những trái tim, những tấm lòng.
Đến thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi bị ấn tượng bởi một “lớp học” đặc biệt. Học viên là những người cao tuổi bị khuyết tật hoặc đang mắc những di chứng của căn bệnh tai biến, sức khỏe, trí nhớ suy giảm, vận động khó khăn. Các kỹ thuật viên của VNAH đã biến những buổi trị liệu chuyên môn như thế này trở thành một buổi sinh hoạt nhóm giống như lớp học đầy ý nghĩa, giúp người khuyết tật được hòa nhập cộng đồng, tiếp sức về tinh thần để vượt qua nỗi đau bệnh tật trên cơ thể.
Mang tới niềm vui, nụ cười...
Hằng tuần, chị Nguyễn Thúy Duy, kỹ thuật viên của VNAH đều tới trung tâm để tiến hành buổi trị liệu cho những NKT tại đây. Nhìn Duy sôi nổi giống như một “hoạt náo viên” giữa những NKT tuổi đã cao, chuyện trò, trao đổi và đố chữ bằng những câu tục ngữ, thành ngữ quen thuộc của Việt Nam, không ai nghĩ cô là một kỹ thuật viên có tay nghề cao của VNAH. Nguyễn Thúy Duy là cử nhân PHCN tốt nghiệp chuyên ngành hoạt động trị liệu tại Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Với vai trò là chuyên viên hoạt động trị liệu, Duy tiến hành các kỹ thuật can thiệp cho NKT tại nhà, trung tâm y tế, trường học từ các dự án của VNAH, cùng một số công việc liên quan khác. Một trong những công việc mà Duy cảm thấy có ý nghĩa nhất, đó là hoạt động chẩn đoán phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, giúp các em có cơ hội phát triển bình thường.
Một buổi sinh hoạt nhóm trị liệu cho người khuyết tật của kỹ thuật viên trị liệu Nguyễn Thúy Duy. |
Buổi sinh hoạt nhóm của NKT với kỹ thuật viên Nguyễn Thúy Duy ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu đầy ắp tiếng cười, tiếng vỗ tay và bầu không khí thật hạnh phúc, vui vẻ. Không gian phòng sinh hoạt chung khá rộng rãi, bố trí liên hoàn ngay cạnh phòng PHCN được trang bị các dụng cụ hiện đại. Cạnh đó là nhà vệ sinh và khu bếp sạch sẽ thiết kế phù hợp với NKT. Khu bếp là nơi để các kỹ thuật viên, cộng tác viên của VNAH tổ chức những buổi trị liệu đặc biệt, giúp NKT vừa có cơ hội khôi phục khả năng cử động, ý thức, vừa được tham gia các hoạt động cộng đồng có tính tương tác cao để hòa nhập cuộc sống.
Bà Tô Hồng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, Trung tâm đã được hỗ trợ các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, đầu máy hát karaoke, thiết bị vật lý trị liệu, dụng cụ y khoa, thiết bị hỗ trợ chăm sóc NKT, hỗ trợ đào tạo nhân lực để chăm sóc hiệu quả hơn cho các đối tượng phần lớn là NKT tại đây. Với 60 đối tượng bao gồm cả trẻ em, người già, Trung tâm chỉ có một bác sĩ và đội ngũ chăm sóc không có chuyên môn về PHCN cũng như chăm sóc NKT nên sự hỗ trợ về nguồn lực của VNAH là rất thiết thực. “Không có sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài nước, chúng tôi không thể làm được”, chị Nguyên khẳng định.
Những trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu. |
Bà Nguyễn Ánh Chí, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của VNAH, nguyên Trưởng bộ môn Vật lý trị liệu-PHCN của Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong dự án, VNAH đã xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên chuyên nghiệp, được đào tạo về PHCN, huấn luyện về kỹ năng chăm sóc NKT. Dự án có liên quan tới mảng đào tạo nguồn lực PHCN nên với kinh nghiệm chuyên môn của mình, bà đã góp phần xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên, cộng tác viên cho dự án, trong đó bao gồm cả những đồng nghiệp và sinh viên của trường.
Bà Nguyễn Ánh Chí hướng dẫn sử dụng thiết bị hỗ trợ người khuyết tật đúng cách. |
Một cơ sở sản xuất dụng cụ chấn thương chỉnh hình, PHCN cho NKT ở Đồng Nai đã đồng hành với VNAH trong suốt hành trình của dự án. Dù chỉ là một chiếc xe lăn, một dụng cụ PHCN đơn giản... cơ sở này cũng sẵn sàng sản xuất, cung cấp theo số đo và chỉ định để giúp NKT có thể thích nghi, hồi phục. Không chỉ cung cấp dụng cụ, nhân viên của dự án còn hướng dẫn cách sử dụng và thường xuyên đánh giá hiệu quả của thiết bị. Trước đây, khi chưa được tiếp cận dịch vụ PHCN chuyên nghiệp, NKT có khi phải sử dụng những dụng cụ tự chế vừa không hiệu quả, đôi khi còn phản tác dụng.
Vợ chồng ông Giang Trí Dũng ở Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu chăm sóc cô con gái tật nguyền bẩm sinh suốt 46 năm qua. Thể trạng con gái to béo khiến việc chăm sóc rất khó khăn. Từ khi được hướng dẫn các kỹ năng chăm sóc NKT và hỗ trợ chiếc xe lăn đa năng có thể điều chỉnh độ cao, phía lưng tựa có thể ngả xuống... vợ chồng ông Dũng đỡ vất vả hơn nhiều. Hằng ngày, mỗi khi có thời gian, vợ chồng ông đều đẩy xe lăn để con gái ra ngoài cho thoáng thay vì chỉ nằm một chỗ như trước.
Nhờ có các dụng cụ hỗ trợ người khuyết tật nên vợ chồng ông Giang Trí Dũng giảm được gánh nặng khi chăm sóc cô con gái tật nguyền bẩm sinh. |
Để không người khuyết tật nào bị bỏ lại phía sau
Thúy Duy cho rằng, công việc mà chị cùng các đồng nghiệp ở VNAH đang làm không chỉ giúp NKT hòa nhập cộng đồng, mà còn tạo cơ hội để họ thay đổi quan điểm và nhìn nhận đúng đắn hơn về khả năng của bản thân cũng như giá trị thật sự của bản thân trong cuộc sống. Từ đó, chính NKT sẽ thật sự mong muốn tham gia vào đời sống xã hội chứ không chỉ là đang tồn tại. “Hành trình này giúp những bạn trẻ như tôi học được cách thấu cảm hạnh phúc và nỗi đau của sinh mệnh, nhất là sự sẻ chia. Công việc của tôi không chỉ là giúp đỡ NKT mà chính bản thân tôi cũng trưởng thành hơn từng ngày”, Thúy Duy tâm sự.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu đã trở thành địa chỉ đáng nhớ của các bạn sinh viên Khoa Kỹ thuật PHCN, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng ở TP Hồ Chí Minh. Với sự kết nối của VNAH, thay vì tham gia mùa hè tình nguyện như thường lệ, các em đã có hai tuần đầy ý nghĩa khi được làm thiện nguyện, tham gia các hoạt động hỗ trợ trị liệu và chăm sóc NKT ở trung tâm.
Ông Trần Văn Ca, Chủ tịch Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam tới thăm Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bạc Liêu để tiếp tục tìm hiểu nhu cầu cần hỗ trợ. |
Ông Trần Văn Ca, Chủ tịch VNAH cho biết, qua đánh giá hoạt động của các dự án, có thể thấy nhu cầu hỗ trợ PHCN cho NKT trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu cũng như các tỉnh phía Nam chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh vẫn rất nhiều, trong khi khả năng và nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Các địa phương luôn ủng hộ và tạo điều kiện để các tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có VNAH cùng chung tay tham gia hỗ trợ NKT, nhất là các nạn nhân chất độc da cam. Những đối tượng NKT mà dự án tiếp cận được để hỗ trợ chỉ là con số rất ít, có thể nói là “không thấm vào đâu” so với nhu cầu thực tế. Để không NKT nào bị bỏ lại phía sau, dự án DIRECT đang hỗ trợ cập nhật Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, PHCN NKT của Bộ Y tế (DIS) thông qua các hoạt động tập huấn cho đội ngũ cán bộ ngành y tế ở các huyện, thị xã của tỉnh Cà Mau, để đội ngũ này thu thập, quản lý thông tin về NKT và nhập lên hệ thống phần mềm quản lý của Bộ Y tế.
Một buổi tập huấn của Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam cho các nhân viên y tế cơ sở ở Cà Mau về cập nhật Hệ thống thông tin quản lý sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật của Bộ Y tế. |
Các dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ sẽ kết thúc sau 2 năm nữa, trong khi hành trình vì NKT của VNAH vẫn đang tiếp tục. Ông Trần Văn Ca cho biết sẽ trở về Mỹ và tới một số nước có đối tác của VNAH để tiếp tục vận động gây quỹ, với mong muốn hỗ trợ nhiều hơn cho NKT tại Việt Nam. Những NKT là nạn nhân chất độc da cam hay nạn nhân của bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là bằng chứng thuyết phục về những nỗi đau mà nhiều người dân Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu dù cuộc chiến đã qua nhiều chục năm. Ông tin rằng, các hoạt động của VNAH tại Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều sự ủng hộ và làm lay động những trái tim, những tấm lòng.
MỸ HẠNH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.