• Click để copy

Hệ giá trị Việt Nam gắn kết, thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản tạo nên bản sắc dân tộc, hệ giá trị Việt Nam, đó là: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”(1).

Ngoài những đặc điểm cơ bản trên, người Việt Nam còn nhiều đặc điểm khác, như tinh thần lạc quan, sự sáng tạo, hiếu học, coi trọng gia đình, hiếu khách, cởi mở, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy... Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, hệ giá trị ấy đã làm nên sức mạnh của con người, của dân tộc Việt Nam, góp phần hình thành lòng tự tôn, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, tạo nên sức mạnh quật khởi để dân tộc Việt Nam chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi, giữ vững độc lập dân tộc. 

Việc phát huy giá trị Việt Nam được thực hiện trên nguyên tắc vừa kế thừa, gắn bảo tồn giá trị, sắc thái gốc của văn hóa vừa phát huy, bổ sung những giá trị mới; lấy giá trị văn hóa truyền thống là bệ đỡ, tạo cơ sở cho sự ổn định, bền vững, định hướng cho giá trị mới, chuẩn mực mới.

Phát huy lòng yêu nước với ý chí, khát vọng mới

Yêu nước là truyền thống nổi bật trong hệ giá trị của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy là mẫu số chung, là nguồn lực nội sinh của cộng đồng dân tộc. Lòng yêu nước của người Việt Nam không chỉ là tư tưởng, tình cảm mà đã trở thành triết lý, là chủ nghĩa yêu nước, là ý chí, khí phách, quyết tâm và hành động của mỗi con người.

Nhận định về truyền thống yêu nước của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2).  

Hệ giá trị Việt Nam gắn kết, thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước

 Múa rồng tại Lễ hội tịch điền Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Ảnh: Đức Thuận.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là thiên anh hùng ca về tinh thần quật khởi, ý chí quật cường bất khuất, xả thân trong các cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa, chống lại sự đô hộ, đồng hóa, âm mưu xâm lược của ngoại bang, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua muôn vàn thử thách, sóng gió để đi đến những thắng lợi vinh quang.

Ngày nay, lòng yêu nước của người dân Việt Nam là tinh thần phấn đấu, hy sinh vì cộng đồng; vượt qua khó khăn, thử thách; có tinh thần hợp tác trong lao động, sản xuất; có thái độ lạc quan, dám nghĩ, dám làm; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng đạo lý; có sự sáng tạo trong tư duy, hăng say học tập, không ngừng nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, vì sự phát triển của đất nước. Tinh thần yêu nước của người lao động là tinh thần xung kích trong phát triển kinh tế; năng động, nhạy bén, sáng tạo trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Yêu nước còn thể hiện ở ý chí quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh.

Nhân lên tinh thần, sức mạnh đại đoàn kết

Cùng với lòng yêu nước thì tinh thần đoàn kết cũng là truyền thống nổi trội của dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết trở thành giá trị vững bền, là “chất keo” kết dính tự nhiên, là mạch nguồn của sức mạnh Việt Nam. Mỗi người Việt Nam từ lịch sử đến hiện tại đều mang trong mình giá trị tinh thần ấy. Đoàn kết là nhân tố quyết định sự tồn vong của dân tộc ta qua suốt chiều dài lịch sử và sự thành công của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới.

Đại hội XIII khẳng định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại”(3), nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21.

Ngày nay, tinh thần đoàn kết được thể hiện qua việc chung tay góp sức xây dựng quê hương, đất nước, vì cuộc sống cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho toàn xã hội, quan tâm đến việc xóa đói giảm nghèo, đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, quan tâm giúp đỡ cùng nhau làm kinh tế. Cùng với đó, không chỉ người Việt Nam trong nước mà cả người Việt Nam ở nước ngoài đã phát huy tốt truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc, cùng chung tay góp sức hướng về xây dựng và phát triển đất nước.

Trong điều kiện của thời đại mới, tinh thần đoàn kết của Việt Nam cần đặc biệt chú trọng mở rộng đoàn kết quốc tế.

Sau khi đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" trước quốc dân đồng bào và cũng là trịnh trọng tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của nhân dân Việt Nam là Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc. Từ tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng cách mạng trên thế giới, tạo cơ sở cho việc giành được độc lập dân tộc, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới cho sự đoàn kết và hội nhập quốc tế sau này.

Tiếp tục bồi đắp đạo lý nhân ái, khoan dung, nghĩa tình

Người Việt Nam có lòng tự trọng, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý. Phẩm chất này giúp cho người lao động biết yêu quý, tôn trọng lẫn nhau, biết giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống hằng ngày, biết quý trọng của công, biết quan tâm đến nỗi bất hạnh của người khác, biết ngăn chặn cái ác, phát huy cái thiện. 

Tinh thần nhân ái, khoan dung của người Việt Nam được thể hiện ở sự đùm bọc, sẻ chia, yêu thương, cảm thông với những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Đó là đạo làm người và truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong chiến tranh, nhân dân Việt Nam “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Trong cuộc sống, đó là lòng thương yêu con người, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, thương người như thể thương thân. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp làm cho nước được độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ". Người cũng xem đạo làm người là một phần không thể thiếu của đạo đức con người Việt Nam.

Truyền thống nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý sẽ giúp cho người dân tự giác sống tốt đẹp hơn, biết lấy lợi ích tập thể, lợi ích dân tộc làm định hướng cho cuộc sống của mình, góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách và khắc phục sự tha hóa của con người.  

Tinh thần nhân nghĩa, bao dung của người Việt Nam cũng được thể hiện sâu sắc trong những tháng ngày chống đại dịch Covid-19. Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” nên ai cũng được quan tâm, chăm sóc. Những lúc hoạn nạn mới thấy hai tiếng “đồng bào” mang ý nghĩa thiêng liêng và lớn lao đến nhường nào. Những người con ở xa Tổ quốc vẫn muốn về với đất mẹ để được che chở, bao dung, để được sẻ chia, đùm bọc. Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, luôn coi sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của nhân dân là trên hết.   

Nêu cao đức tính cần cù, thông minh, sáng tạo

Một phẩm chất cao quý của người Việt Nam là có lòng tự trọng cao, không cam chịu nhẫn nhục, đói nghèo mà luôn cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Ngày nay, phẩm chất ấy cần phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra được một đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ để tiếp thu khoa học-công nghệ, phát triển kinh tế, làm cho đất nước giàu mạnh. Một xã hội, một đất nước càng có nhiều người có lòng tự trọng thì xã hội đó càng tốt đẹp, đất nước đó càng phát triển ổn định và bền vững, danh dự dân tộc càng được bè bạn quốc tế yêu mến, khâm phục.  

Cần cù là đức tính ưu trội của người Việt Nam. Đó là sự kiên nhẫn, bền bỉ, nhẫn nại trong học tập, chịu thương chịu khó, hay lam hay làm trong lao động sản xuất. Trải qua biết bao thế hệ, nhờ phát huy được truyền thống này mà dân tộc Việt Nam đã tạo ra nhiều giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú. Nhờ đó mà dân tộc ta đã vượt qua được mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt của tự nhiên để xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, người Việt Nam cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa đức tính rất cần thiết của con người Việt Nam để xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cần cù không phải là sự sao chép, lặp lại mà cần có sự sáng tạo, cần phải nâng cao đức tính ấy cho phù hợp hơn với yêu cầu của thời kỳ mới.

Ngày nay, trong các yếu tố tạo cơ sở, nền tảng cho sự phát triển như vốn, tài nguyên, khoa học-công nghệ và con người thì con người là nhân tố có vai trò quyết định. Con người với trí tuệ và tiềm năng sáng tạo đặc biệt có khả năng lựa chọn và tiếp thu một cách chọn lọc những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phục vụ cho sự phát triển. Con người với khả năng của mình biết kết hợp các nguồn lực khác để tạo ra thay đổi to lớn cho sự phát triển xã hội. Con người cũng là nguồn lực vô tận, càng được khai thác đúng cách lại càng trở nên giàu có. 

Con người Việt Nam mang trong mình những giá trị truyền thống hoàn toàn có khả năng tiếp thu và vận dụng sáng tạo những thành tựu của cách mạng khoa học-công nghệ tiên tiến, những tri thức hiện đại trên thế giới vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta khi nguồn lực tài chính và nguồn lực vật chất cho sự phát triển còn hạn hẹp, trong khi nguồn lực con người lại vô cùng phong phú, đất nước đang ở thời kỳ dân số vàng, nếu biết phát huy sẽ là nguồn sức mạnh to lớn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, các nhà đầu tư quốc tế luôn coi Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng, lợi thế cũng bởi một phần do giá trị văn hóa đó. Người Việt Nam với những phẩm chất của mình đã cho thấy một tương lai phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, với sự định hướng đúng đắn, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và với một thể chế chính trị ưu việt có vai trò định hướng, dẫn dắt và quản trị tốt, đất nước ta hoàn toàn có thể đạt được những bước tiến mới trong tương lai, vì một Việt Nam phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

PGS, TS ĐẶNG QUANG ĐỊNH, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh      

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.