Hệ lụy với kinh tế Mỹ sau vụ sập cầu Francis Scott Key
Các quan chức địa phương và liên bang của Mỹ mới đây đã lên tiếng cảnh báo về những tác động tiêu cực từ vụ sập cầu Francis Scott Key ở cảng Baltimore, bang Maryland, đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Đầu tuần trước, cây cầu thép Francis Scott Key gần như đã đổ sập hoàn toàn chỉ trong vài giây sau khi tàu Dali dài 300m, chở đầy container bất ngờ chết máy và đâm thẳng vào một trụ cầu. Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm các công nhân đang sửa chữa cầu, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng.
Không chỉ gây thiệt hại về người, vụ sập cầu Francis Scott Key đã gây tắc nghẽn tuyến vận tải đường thủy qua đây và làm đảo lộn hoạt động vận chuyển hàng hóa ở cảng Baltimore, một trong những cảng thương mại đông đúc và nhộn nhịp nhất nước Mỹ. Lâu nay, cảng Baltimore cũng được coi là “cảng số 1” về vận chuyển các loại hàng hóa quan trọng. Theo tờ The Times of India, chỉ riêng năm 2023, cảng Baltimore đã tiếp nhận hơn 1,1 triệu tàu container chở hàng, chủ yếu là ô tô và thiết bị nông nghiệp.
Bởi vậy, ông Wes Moore, Thống đốc bang Maryland, cho rằng ách tắc đường thủy bắt nguồn từ vụ sập cầu Francis Scott Key gây ảnh hưởng tiêu cực không chỉ với bang Maryland mà còn với giới nông dân ở bang Kentucky, các hãng kinh doanh ô tô ở bang Ohio và các chủ nhà hàng ở bang Tennessee. “Đây không chỉ là thảm họa với thành phố Baltimore hay bang Maryland. Đây là thảm họa của cả nền kinh tế quốc gia”, ông Moore nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN.
Hiện trường vụ tàu chở hàng Dali đâm sập cầu Francis Scott Key. Ảnh: NBC News |
Cùng quan điểm nói trên, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg khẳng định việc sớm đưa cảng Baltimore hoạt động trở lại không chỉ quan trọng với bang Maryland mà còn với các chuỗi cung ứng của nước Mỹ. Ông Buttigieg cho biết hiện công tác dọn dẹp hiện trường, khơi thông tuyến đường thủy qua cầu Francis Scott Key đang được tiến hành khẩn trương, song chưa biết khi nào mới hoàn thành. Giải pháp được đưa ra là lực lượng chức năng Mỹ sẽ cắt cây cầu thành từng mảnh với kích thước phù hợp, sau đó dùng hệ thống cần cẩu đưa những mảnh cắt này ra khỏi hiện trường vụ sập để khai thông lối ra vào cảng Baltimore. Nhưng để làm được điều đó, trước hết phải tìm cách đưa tàu Dali đang mắc kẹt khỏi các mảng cầu sập.
Nhìn chung, các quan chức địa phương nhận định tác động về mặt kinh tế, xã hội từ vụ sập cầu Francis Scott Key là rất lớn và đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên là những người lâu nay sống nhờ vào cảng Baltimore. Ước tính, ít nhất 8.000 công nhân bến tàu ở cảng này đang đứng trước nguy cơ mất việc làm, dù có thể chỉ trong ngắn hạn. Tờ New York Times thì cho rằng, các nhà chế tạo xe hơi và khai thác than đá sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cảng Baltimore là một trong những điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng nhất nước Mỹ. Riêng trong năm ngoái đã có khoảng 23 triệu tấn than được xuất qua cảng Baltimore và việc cảng này phải đóng cửa sẽ khiến hoạt động xuất khẩu than đá của Mỹ bị đứt gãy.
Thống đốc bang Maryland nhấn mạnh cần nhanh chóng đưa hoạt động tại cảng Baltimore trở lại bình thường, đồng thời cho biết bang này đã quyết định mở một kênh tạm thời để cho phép một số tàu thuyền có thể lưu thông sau thảm họa sập cầu.
Chính phủ Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ ban đầu 60 triệu USD để khắc phục hậu quả vụ việc và xây dựng lại cầu Francis Scott Key. Nhưng theo tờ The Hill, việc xây lại cây cầu dài gần 3km này rất phức tạp, tốn thời gian và tổng chi phí có thể lên tới 2 tỷ USD.
TRUNG DŨNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.