Hoạt động xuất khẩu đang lấy lại đà tăng trưởng
Tháng 8/2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD. Điều này cho thấy, các giải pháp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường của Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành và doanh nghiệp đã mang lại kết quả tích cực...
30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 8/2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD. Đây là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%. Tuy nhiên, nhu cầu yếu, tăng trưởng chưa có sự đột biến nên so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 giảm 7,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 9,3%.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa cả nước trong tháng 8 với kim ngạch ước đạt 27,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với tháng trước và chiếm 85,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong nhóm hàng này, các mặt hàng xuất khẩu chính gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,7%, đạt 5,5 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1%, đạt 3,3 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 4,6%, đạt 3,7 tỷ USD; giày dép tăng 3,3%, đạt 1,85 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ giảm tăng 2,6%... Đáng chú ý, điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 16,8%, đạt 5,2 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng nhẹ 6,5% so với tháng trước, chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 60,6%, ước đạt 582 triệu USD; hạt tiêu tăng 5,4%; chè tăng 21,3%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 32,2%. Ngược lại, xuất khẩu cà phê và hạt điều lần lượt giảm 13,4% và 6,4%...
Trong tháng 8/2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước |
Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 là tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước (tăng 8,7%) cao hơn khu vực FDI (tăng 7,3%) và cao hơn so với mức tăng xuất khẩu chung cả nước (7,7%). Tính chung 8 tháng, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ giảm 2,5% so với mức giảm 9,3% của khu vực FDI (kể cả dầu thô).
Điều này một mặt cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước so với khu vực FDI, nhưng một mặt cũng cho thấy sự khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp FDI vốn được xem là khu vực có thị trường và chuỗi cung ứng ổn định hơn.
Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,71 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,92 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,79 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 8 tháng năm 2023: kim ngạch xuất khẩu của cả ba nhóm hàng đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm công nghiệp chế biến giảm 11% (ước đạt 193,45 tỷ USD), nhóm nông thủy sản giảm 0,9% (ước đạt 20,68 tỷ USD), nhiên liệu và khoáng sản giảm 18,3% (ước đạt 2,68 tỷ USD). Xét theo mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đều sụt giảm như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,5%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 15,4%, hàng dệt may giảm 15%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,3%; giày dép các loại giảm 17,6%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25,4%, thủy sản giảm 25%...
Trong 8 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2023, nhìn chung kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 5,5%; thị trường châu Âu giảm 6,9%; thị trường châu Mỹ giảm 17,8%; thị trường châu Phi tăng 1,1%; Châu Đại Dương giảm 12%).
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 với kim ngạch ước đạt 62,27 tỷ USD, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 35,79 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU ước đạt 29,4 tỷ USD, giảm 8,3%; ASEAN ước đạt 21,79 tỷ USD, giảm 8%; Hàn Quốc giảm 7,3%, ước đạt 15,5 tỷ USD; Nhật Bản ước đạt 15,23 tỷ USD, giảm 3,9%.
Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 1,2%, ước đạt 5,19 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 1,1%, đặc biệt là thị trường Bắc Phi tăng tới 11,8%... Số liệu này cho thấy những nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, tập trung khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2023 với kim ngạch ước đạt 62,27 tỷ USD |
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 28,55 tỷ USD, tăng 5,7% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 207,52 tỷ USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 8 tháng, có 37 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,9% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 38,8%).
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,13 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc ước đạt 32,8 tỷ USD, giảm 24,6%; thị trường ASEAN đạt 26,96 tỷ USD, giảm 15,9%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường EU đạt 9,78 tỷ USD, giảm 5,4%; Hoa Kỳ đạt 9,27 tỷ USD, giảm 6,6%.
Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 8 tiếp tục xuất siêu khoảng 3,82 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 8 tháng năm 2023 là 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,02 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,21 tỷ USD.
Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế.
Tập trung phát triển thị trường xuất khẩu
Đưa ra nguyên nhân của sự suy giảm trong hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng qua, Bộ Công Thương cho biết, do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Thêm vào đó, giá hàng hoá xuất khẩu có xu hướng giảm trong 8 tháng năm 2023, trong đó giá một số hàng nông sản giảm mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái như hạt tiêu (giảm 26,5%), cao su (giảm 19,6%), hay một số mặt hàng công nghiệp chế biến như phân bón các loại (giảm 35,4%), sắt thép các loại (giảm 24,8%), chất dẻo nguyên liệu (giảm 24,1%). Chỉ có một số ít mặt hàng có giá tăng gồm cà phê (tăng 8,7%), gạo (tăng 11,6%), than đá (tăng 4,6%).
Chưa kể, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng...
Hoạt động xuất khẩu đang lấy lại đà tăng trưởng |
Đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu trong nước phát triển, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp tập trung phát triển các thị trường xuất khẩu mới song song với việc duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống.
Theo đó, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.
Ngoài ra, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…
Mặt khác, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
Riêng đối với xuất khẩu gạo, thị trường xuất khẩu gạo thế giới đang có những biến động khó lường sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới) tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ. Để đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, các Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương cần chủ động phối hợp xây dựng các phương án đảm bảo cung cầu mặt hàng gạo, góp phần bình ổn giá gạo, an ninh lương thực tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 3/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính Phủ.
THEO TẠP CHÍ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.