Học thêm, dạy thêm: Cần có hướng dẫn cụ thể
Sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 14-2, nhiều trường học ở tỉnh Đắk Lắk đã tạm dừng tổ chức dạy thêm, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy để phù hợp với quy định mới.
Tạm dừng dạy thêm, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy
Ngay sau khi Thông tư 29 được ban hành ngày 30-12-2024, các trường học tại Đắk Lắk đã phổ biến nội dung quy định mới đến giáo viên, học sinh và phụ huynh, đồng thời tạm dừng dạy thêm để rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy phù hợp.
![]() |
Trường THPT Việt Đức (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) đã tạm dừng kế hoạch dạy thêm, học thêm sau khi ban hành Thông tư 29. |
Ông Võ Ngọc Nam, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Phan Chu Trinh (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, nhà trường đã quán triệt nội dung thông tư đến toàn thể giáo viên, phụ huynh và học sinh. Đồng thời, yêu cầu 100% giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, trường cũng rà soát, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy nhằm đảm bảo phù hợp với tinh thần của thông tư.
Tại Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) có hơn 1.358 học sinh, trong đó hơn 30% là học sinh dân tộc thiểu số, việc điều chỉnh kế hoạch dạy, học thêm cũng đang được triển khai.
Đối với học sinh, các em đang dần thích nghi với phương thức học mới khi tạm dừng các lớp học thêm.
Mong có hướng dẫn cụ thể
Thông tư 29 được đánh giá là phù hợp với chủ trương đổi mới giáo dục và theo nhiều giáo viên và phụ huynh, cần có hướng dẫn cụ thể trong giai đoạn triển khai.
![]() |
Trường Trung học Cơ sở Phan Chu Trinh (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) yêu cầu 100% giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định dạy thêm, học thêm. |
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Ngữ văn tại Trường Trung học Cơ sở Phan Chu Trinh chia sẻ, Thông tư 29 là chủ trương đúng đắn. Mặt khác, nhiều phụ huynh vẫn muốn con được bồi dưỡng thêm kiến thức, đặc biệt là học sinh lớp 9, lớp 12 đang chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng. Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể để phụ huynh không phải lúng túng, không biết nên cho con học thêm ở đâu.
Ông Võ Đức Tân, phụ huynh có con học lớp 11 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, Thông tư 29 giúp học sinh có thêm thời gian tham gia các hoạt động trải nghiệm, giảm áp lực học tập. Tuy nhiên, với học sinh cuối cấp, việc ôn thi là rất quan trọng. Có con đang học lớp 11, với ông Tân, nhu cầu học thêm cho con là có. Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, ông sẽ không cho con học dàn trải, mà chú trọng các môn cần thiết. Ông mong rằng, các cấp quản lý sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể để học sinh có thể ôn tập đầy đủ mà không vi phạm quy định.
Theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp, Thông tư 29 đặt ra nguyên tắc đảm bảo môi trường học tập lành mạnh, khuyến khích học sinh tự học và phát triển theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc dạy thêm, học thêm phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý. Nhà trường, tổ chức, cá nhân không được dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc dạy thêm, học thêm.
Thông tư mới đã được ban hành. Việc triển khai Thông tư sẽ giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, giải quyết việc dạy thêm, học thêm trong các nhà trường theo tinh thần định hướng phát triển phẩm chất năng lực người học và triển khai các hoạt động giáo dục, để đưa học sinh gắn liền việc học với thực tiễn, vui chơi, đảm bảo lành mạnh hóa môi trường học tập và nâng cao chất lượng.
Thông tư 29 là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý dạy thêm, học thêm, giúp hạn chế tiêu cực và tạo môi trường học tập lành mạnh. Vì vậy, trong quá trình triển khai, cần có sự điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp.
TTXVN
Tin mới
Các mức xử phạt vi phạm ATTP đối với cơ sở thức ăn đường phố
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Vì vậy, cần sự phối hợp, chung tay vào cuộc của các ngành chức năng, ý thức của người kinh doanh.
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm khi kinh doanh thực phẩm trong khu lễ hội, xử lý như thế nào?
Dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội mang tính chất thời vụ nên không được đầu tư đầy đủ, thường thiếu chuyên nghiệp, và xuất hiện nhiều hộ kinh doanh cá thể, thiếu các yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung hoàn thành cao nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2025, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tập trung thực hiện và hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và cả nhiệm kỳ 2021 - 2025, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm 2025.
Tăng tần suất kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm mùa lễ hội
Tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội năm 2025 là yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế gửi Sở Y tế các địa phương.
Phát hiện, thu giữ gần 5 tấn đường cát nhập lậu
Ngày 07/02/2025, Đội QLTT số 3, Cục QLTT tỉnh Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra xe ô tô phát hiện phương tiện vận chuyển 3 tấn đường trắng được đóng trong 60 bao, trên bao bì nhãn hàng hóa có thể hiện nội dung do nước ngoài sản xuất.
Xử phạt 90 triệu đồng đối với doanh nghiệp kinh doanh gạch men nhập lậu
Ngày 10/02, Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phúc Đạt CERAMIC, địa chỉ trụ sở chính: TDP Nam Cường, thị Trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 90 triệu đồng, đồng thời tịch thu hàng hóa là gạch men trị giá 107 triệu đồng.