Học viên Trường Sĩ quan Chính trị: Học rèn cho tương lai
Chuẩn bị tới khai giảng năm học mới, khí thế thi đua của Trường Sĩ quan Chính trị chúng tôi càng sôi nổi với nhiều đích tới. Trước mắt là lập thành tích chào mừng tổng kết Phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2019-2024, xa hơn là chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024).
Sau 4 năm học, đến giờ thì tôi đã hiểu bản chất của thi đua.
Ngày đầu mới nhập ngũ, hai từ "thi đua" luôn văng vẳng khiến tôi và nhiều đồng đội rất khó quen. Nào là đua dậy đúng giờ, đua chấp hành đúng thời gian, lịch công tác, chế độ trong ngày. Nào là đua tăng gia vượt chỉ tiêu rau, củ, quả... Lúc ấy, do chưa quen với môi trường kỷ luật khắt khe, với chế độ nền nếp nên chúng tôi kháo nhau, thi đua làm ta khổ. Có đồng chí tản mạn, bàn nhau thử không thi đua xem sao. Thế là người giả cách đau bụng, người giả cách đau đầu. Thậm chí có đồng đội của tôi còn bôi thật nhiều dầu gió để liên tục hắt hơi... Nhưng được vài bữa thì những trò nghịch đó bị bóc trần. Cuối cùng, chúng tôi chỉ còn cách tự giác thực hiện các tiêu chí thi đua.
Một buổi lao động ngoại khóa của học viên Tiểu đoàn 11, Trường Sĩ quan Chính trị. Ảnh: HUY HOÀNG |
Mãi sau này vào học tập, nghiên cứu sâu hơn chúng tôi mới hiểu kỹ hơn, sáng hơn, rõ hơn về thi đua xã hội chủ nghĩa. Đó là một chủ trương, giải pháp, một phương thức trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Chủ trương này khi đưa vào thực tiễn đã phát triển thành Phong trào Thi đua yêu nước với nhiều phong trào nổi tiếng, như: “Gió Đại Phong”, “Cờ ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”... Trong quân đội, Phong trào Thi đua Quyết thắng chỉ là một nhánh của Phong trào Thi đua yêu nước và đã có lịch sử gắn chặt với các thành tích và sự trưởng thành của Quân đội.
Ở khóa GV20 chúng tôi, phong trào thi đua được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu trên hai nội dung chính là học tập và rèn luyện. Các cá nhân trong lớp đều phải bám vào tiêu chí này để thực hiện. Việc chấp hành giờ giấc theo chế độ quy định thì miễn bàn vì đã thành phản xạ có điều kiện. Tuy không tốn thời gian, công sức, trí tuệ nhưng không phải lúc nào cũng êm xuôi, trơn mượt vì đôi lúc cũng có người này, người khác mất tập trung hoặc coi nhẹ nên không chỉ khiến kết quả rèn luyện, chấp hành kỷ luật của cá nhân giảm sút mà thành tích của lớp, của khóa GV20 cũng bị ảnh hưởng.
Việc thi đua trong học tập là khó nhất. Bởi lượng kiến thức thì lớn, nội dung rộng, yêu cầu của thầy thì cao trong khi thời gian học, ôn lúc nào cũng thiếu. Để làm chủ kiến thức, chúng tôi có nhiều cách khác nhau và một trong cách đó là hình thành các tổ mũi nhọn về phương pháp, như: Tổ nhóm học tập tiếng Anh; tổ nhóm các môn lý luận Mác-Lênin; tổ nhóm thực hành công tác Đảng, công tác chính trị, tổ nhóm thực hành kỹ năng sư phạm... Những đồng chí tiếp thu nhanh biết nhiều, nắm chắc kiến thức thì chỉ cho các đồng chí biết ít hơn. Tóm lại, trong môn có thế mạnh, tôi trở thành gia sư, nhưng ở môn học khác, tôi trở thành học trò. Phương pháp này được nhiều khóa, nhiều lớp áp dụng vì kết quả học tập thu được rất thực chất; là cơ sở để mỗi học viên phát triển năng lực học tập, rèn luyện, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Đối với tập thể, ngoài tiêu chí thành tích học tập, rèn luyện chung thì nội dung phong trào thi đua còn hướng tới các hoạt động bề nổi, như: Tổ chức văn hóa, văn nghệ; thể dục, thể thao; viết tin, bài, hoạt động công tác dân vận và nhiều hoạt động khác. Những nội dung này đôi khi làm nên cái chất, hồn cốt của một lớp. Bởi nếu đoàn kết, biết phát huy tinh thần, sức mạnh tập thể thì việc thi đua thường mang lại kết quả tốt. Trong thực tế, chúng tôi nhận thấy, ít có lớp nào là quán quân ở tất cả các nội dung. Thế nên, thi đua của tập thể luôn hấp dẫn và kích thích sự sáng tạo của mỗi cá nhân.
Đến giờ, tôi nhớ nhất lời của đồng chí Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11, Đại tá Trần Huy Lý khi sinh hoạt: “Các đồng chí thấy đó, không ai trong quân đội đeo quân hàm cấp tướng mà không trải qua những năm tháng học tập, rèn luyện vất vả, khó nhọc đến đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Thi đua là cách để họ giải tỏa áp lực, để có động cơ mà học rèn chuẩn bị cho tương lai”. Đến giờ thì chúng tôi rất thấm thía với tâm sự ấy.
Gần đây, khi nghe thông tin kết quả công tác của Nhà trường, tôi chú ý đến kết quả thi đua trong nghiên cứu khoa học. Tôi đặc biệt ấn tượng với các thầy, các cán bộ quản lý vừa tích cực làm công tác chuyên môn vừa dành thời gian để nghiên cứu các đề tài, sáng kiến, trong đó có cả các học viên. Ví dụ như các đề tài của Đại đội 31, Tiểu đoàn 11 có tên “Đổi mới phương pháp học tập đáp ứng chuẩn đầu ra cho học viên Trường Sĩ quan Chính trị”, do Thượng sĩ Đỗ Xuân Dũng làm chủ nhiệm; “Giải pháp phòng, chống vi phạm kỷ luật của học viên Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay”, đã được đánh giá cao và đoạt giải nhất trong năm học 2023-2024 vừa qua.
Với chúng tôi, đây là một lĩnh vực khó, nhưng rất kích thích. Vì nó là bước đầu giúp chúng tôi làm quen, tích lũy kiến thức, củng cố về quy trình, cách thức để hướng tới mục tiêu xa hơn. Trước mắt, chúng tôi đang quyết liệt thi đua học rèn để hoàn thành tốt đề tài khóa luận tốt nghiệp.
Ra trường, về các cơ quan, đơn vị, chúng tôi sẽ có những cuộc thi đua mới quyết liệt hơn.
PHẠM MINH PHONG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.