• Click để copy

Hội nghị AMM-56: Cam kết nhất quán duy trì luật pháp quốc tế

Tại Jakarta, ngày 12-7, các bộ trưởng tham dự phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) đã trao đổi về tình hình quốc tế, khu vực và định hướng cho các cơ chế do ASEAN thành lập.

Với tinh thần thẳng thắn và xây dựng, các bộ trưởng đã có phiên thảo luận thực chất, đánh giá các chuyển động chiến lược trong môi trường khu vực, quốc tế và những tác động đặt ra cho ASEAN, cũng như trao đổi định hướng phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.

Các bộ trưởng chia sẻ nhận định chung về tình hình bất ổn, phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro hiện nay, trong đó nổi trội là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh xuyên biên giới cùng diễn biến phức tạp tại nhiều điểm nóng. Trong bối cảnh đó, điều quan trọng hơn cả với ASEAN là giữ vững đoàn kết, tích cực tham vấn để tìm kiếm phương thức ứng xử phù hợp, duy trì cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong quan hệ đối ngoại.

 Toàn cảnh Phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56.

 Toàn cảnh Phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56.

Theo đó, các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và giá trị chung được nêu trong các văn kiện như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP). Hội nghị cũng thảo luận hướng củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm xứng tầm với mục tiêu hình thành ban đầu và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Các bộ trưởng khẳng định mong muốn của ASEAN về mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, đồng thời nhấn mạnh sự tham gia của các đối tác tại khu vực phải trên cơ sở tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi và cùng đóng góp xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, các bộ trưởng chia sẻ quan ngại về tình hình phức tạp tiếp diễn tại Myanmar, nhấn mạnh ASEAN cần giữ vững đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm trong hỗ trợ Myanmar, bảo đảm hình ảnh và uy tín của ASEAN. Các bộ trưởng khẳng định Đồng thuận 5 điểm (5PC) và Quyết định năm 2022 của Lãnh đạo Cấp cao về triển khai 5PC còn nguyên giá trị và vẫn là các văn bản định hướng cho nỗ lực của ASEAN; bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Chủ tịch và Đặc phái viên, tiếp tục đối thoại xây dựng với Myanmar, kiên trì hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp khả thi, bền vững. Các bộ trưởng nhất trí ASEAN cần tích cực tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, đặc biệt phát huy vai trò của Trung tâm Điều phối hỗ trợ nhân đạo của ASEAN (AHA) trong huy động và triển khai hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này.

Các bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Hội nghị cũng kêu gọi các đối tác tôn trọng vai trò trung tâm và lập trường của ASEAN, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ tính cấp thiết của việc phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong bối cảnh hiện nay. ASEAN cần đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc cũng như tính mở và bao trùm của các cơ chế trên cơ sở tiếp cận cân bằng, khách quan, đáp ứng quan tâm chính đáng của tất cả các bên.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn ủng hộ ASEAN tăng cường quan hệ với các đối tác, khuyến khích sự tham gia và đóng góp của các đối tác tại khu vực, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và cùng ứng phó các thách thức chung. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng nhấn mạnh các đối tác cần tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN cả bằng lời nói và hành động, cùng ASEAN xây dựng lòng tin, thu hẹp khác biệt, cùng thúc đẩy đối thoại và hợp tác thực tâm.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ lập trường nguyên tắc của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, khu vực; ủng hộ ASEAN hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp, khẳng định giá trị của 5PC, đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch và Đặc phái viên; đồng thời nhấn mạnh giải pháp cho vấn đề Myanmar phải do Myanmar quyết định. Về Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cần bảo đảm môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, đề nghị ASEAN cần kiên trì với lập trường nguyên tắc, đề cao luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, cùng hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình và hợp tác.

Ngay sau phiên họp hẹp, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chứng kiến Saudi Arabia ký kết văn kiện tham gia TAC. Đây là bên thứ 51 tham gia thỏa thuận này. Tại lễ ký, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi nhấn mạnh rằng việc Saudi Arabia ký kết TAC phản ánh “cam kết mạnh mẽ” của Riyadh trong việc tuân thủ các giá trị và nguyên tắc của ASEAN được ghi trong TAC. Theo bà Retno, các cam kết nói trên bao gồm cam kết hợp tác và cộng tác; cam kết nhất quán duy trì luật pháp quốc tế; cam kết đóng góp cho hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và trên thế giới. Những giá trị và nguyên tắc này thậm chí còn quan trọng hơn trước các động lực địa chính trị hiện nay. Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia khẳng định ASEAN và Saudi Arabia cần cùng nhau đóng vai trò là lực lượng tích cực vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời hướng tới Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia vào tháng 10 tới.

Dự kiến, vào ngày 13-7, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ tham dự các cuộc họp với các đối tác Ấn Độ, New Zealand, Nga, Australia và Trung Quốc để kiểm điểm hợp tác và đề ra định hướng trong thời gian tới.

TTXVN

Bài liên quan

Tin mới

Hà Nội: Còn 26 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp
Hà Nội: Còn 26 trường chưa thể tổ chức dạy học trực tiếp

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, hầu hết các trường trên địa bàn TP Hà Nội đã đón học sinh trở lại trường học tập bình thường.

Nỗi lo giáo dục đại học
Nỗi lo giáo dục đại học

Con số gần 100 trường đại học đang tìm mọi cách để thu hút, bổ sung thí sinh cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh vào trường gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. Nhiều trường đại học cần bổ sung từ 200 đến 500 chỉ tiêu nhưng số thí sinh đăng ký chỉ dừng lại ở con số vài chục em.

Bộ Thông tin và Truyền thông: Bảo đảm hệ thống thông tin ứng phó bão số 4
Bộ Thông tin và Truyền thông: Bảo đảm hệ thống thông tin ứng phó bão số 4

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công điện số 07/CĐ-BTTTT yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ, sở thông tin các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa chủ động ứng phó bão số 4.

Để Đà Nẵng trở thành trung tâm về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo
Để Đà Nẵng trở thành trung tâm về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo

Đà Nẵng nằm ở vị trí trung tâm và là thành phố lớn nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên, có nhiều thuận lợi để trở thành trung tâm công nghệ cao của cả nước với trọng tâm là vi mạch bán dẫn.

15.061 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 8-2024
15.061 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 8-2024

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8-2024 số lượng ô tô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu giảm 12,6% (tương ứng giảm 2.172 chiếc) so với lượng nhập của tháng trước.

Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
Bình Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

Chiều 19-9, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức họp báo, thông tin về lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng các hoạt động xúc tiến đầu tư.