Hội nghị COP29: Đột phá về thị trường carbon tạo cơ hội cho các nước nghèo
Gần 200 quốc gia tham gia Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan đã nhất trí về các tiêu chuẩn chất lượng tín chỉ carbon, mở ra cơ hội để khởi động thị trường carbon toàn cầu do LHQ điều hành nhằm tài trợ cho các dự án giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đây cũng được coi là bước đột phá có thể giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2024 được dự báo sẽ lập kỷ lục về nhiệt độ toàn cầu gia tăng, gây sức ép lớn để các chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Bước đột phá về tín chỉ carbon ngay trong ngày đầu tiên (11-11) của Hội nghị COP29 không chỉ được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho một thị trường carbon hoàn chỉnh trong tương lai gần, mà còn mang lại công cụ hiệu quả để thế giới thúc đẩy mục tiêu cứu “ngôi nhà chung” trước những hiểm họa khôn lường của tình trạng biến đổi khí hậu.
Tín chỉ carbon hay còn gọi là chứng nhận phát thải khí nhà kính, là một công cụ kinh tế được sử dụng để quản lý lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và các khí nhà kính khác. Mỗi tín chỉ đại diện cho quyền phát thải một tấn CO2 hoặc lượng khí nhà kính khác tương đương vào bầu khí quyển. Hệ thống tín chỉ carbon được thiết lập để các tổ chức hoặc quốc gia đã đạt mức giảm phát thải khí nhà kính của mình nhiều hơn mức cam kết, có thể bán tín chỉ carbon của mình cho các tổ chức hoặc quốc gia khác.
Các đại biểu tới tham dự Hội nghị COP29 tại Baku, Azerbaijan. Ảnh: EPA |
Chủ tịch COP29-Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên thiên nhiên Azerbaijan Mukhtar Babayev-ca ngợi bước đột phá này nhưng lưu ý vẫn cần phải nỗ lực hơn nữa. Bởi với việc đạt được sự nhất trí tại COP29 về tín chỉ carbon, một số quy tắc cơ bản quan trọng để đưa thị trường vào hoạt động đã được thông qua, nhưng các khía cạnh quan trọng khác của khuôn khổ chung, như biện pháp bảo vệ và vấn đề quản trị vẫn cần được đàm phán.
Kể từ Hiệp định Paris năm 2015, LHQ đã xây dựng những quy tắc để cho phép các quốc gia và doanh nghiệp trao đổi tín dụng trong một thị trường minh bạch và đáng tin cậy. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán tín chỉ carbon tự nguyện vấp phải nhiều bê bối do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải. Các tiêu chuẩn được thông qua tại Baku được hy vọng sẽ cho phép phát triển những quy tắc bao gồm tính toán số lượng tín chỉ mà một dự án nhất định có thể nhận được.
Theo ông Mukhtar Babayev, việc các nước đạt được nhất trí về tín chỉ carbon có thể giúp giải phóng tới 250 tỷ USD chi tiêu một năm để giúp các quốc gia nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Một khi đi vào hoạt động, thị trường carbon sẽ cho phép các quốc gia, chủ yếu là các quốc gia giàu có gây ô nhiễm bù đắp lượng khí thải bằng cách mua tín chỉ từ các quốc gia đã cắt giảm khí nhà kính vượt mức đã cam kết. Các quốc gia mua khí thải sau đó có thể sử dụng tín chỉ carbon để đạt được các mục tiêu về khí hậu đã cam kết trong kế hoạch quốc gia.
Tại Hội nghị COP29, các nước vẫn tranh cãi về vấn đề tài chính khí hậu, cụ thể các quốc gia vẫn chia rẽ về cách những nước giàu “chi tiền” để hỗ trợ các nước nghèo giảm khí thải CO2 bằng cách chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, bù đắp cho các thảm họa khí hậu và thích ứng với thời tiết khắc nghiệt trong tương lai. LHQ ước tính nhu cầu cho mục tiêu này có thể lên tới 1.300 tỷ USD mỗi năm.
Thụy Sĩ đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu. Nước này kêu gọi các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia giàu có và có lượng khí thải cao, tăng cường đóng góp tài chính vào quỹ khí hậu toàn cầu. Mục tiêu này nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong khi đó, Anh dự kiến công bố một mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, cam kết đến năm 2035 cắt giảm 81% lượng khí thải so với mức năm 1990. Mục tiêu này có thể đạt được bằng cách khử carbon trong ngành điện và thông qua việc phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, cũng như đầu tư vào thu giữ, lưu trữ carbon và năng lượng hạt nhân.
Tại Hội nghị COP29, các quốc gia tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi như tài chính khí hậu, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại diễn đàn này đã nhấn mạnh đến 3 định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gồm giảm phát thải, bảo vệ nhân loại trước hậu quả của biến đổi khí hậu và tài chính.
Tổng thư ký LHQ kỳ vọng các nước sẽ thực hiện các cam kết về tài chính, còn các nước phát triển sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu lên ít nhất 40 tỷ USD vào năm 2025. Theo ông, cam kết tài chính cho vấn đề khí hậu không phải là từ thiện mà là một khoản đầu tư, hành động vì khí hậu không phải là sự lựa chọn mà là mệnh lệnh.
XUÂN PHONG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.