Hội nghị thượng đỉnh AI tại Pháp: Hướng đến các giải pháp phát triển AI bền vững
Diễn ra trong hai ngày 10 và 11-2 tại Paris (Pháp), Hội nghị thượng đỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) là dịp để thảo luận và tìm ra các giải pháp phát triển AI một cách bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.
Theo Reuters, hội nghị do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đồng chủ trì, với sự tham dự của 1.500 đại biểu là các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà khoa học và những người có tầm ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ. Hội nghị nhằm mục tiêu "lập bản đồ" quản trị AI trên toàn cầu, thúc đẩy các ý tưởng về phát triển và sử dụng AI một cách có đạo đức, dễ tiếp cận và tiết kiệm hơn, đồng thời duy trì vị thế của châu Âu trong cuộc đua AI toàn cầu. Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về AI theo 5 chủ đề chính: AI phục vụ lợi ích công cộng; tương lai việc làm; đổi mới và văn hóa; AI đáng tin cậy; quản trị AI toàn cầu.
Trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình France 2, ngày 9-2, Tổng thống Macron cho biết: “Thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghệ và khoa học hiếm thấy. Pháp và châu Âu phải nắm bắt cơ hội vì AI sẽ mang lại những thay đổi rất lớn giúp con người sống tốt hơn, học tập tốt hơn và được chăm sóc tốt hơn. Vì vậy, chúng ta phải đưa AI vào phục vụ con người". Tổng thống Macron khẳng định Pháp sẽ "tăng tốc" trong nghiên cứu và phát triển AI với khoản đầu tư lên tới 109 tỷ euro trong những năm tới. Tổng thống Pháp cho rằng, nước này cần nắm bắt được "kỷ nguyên tiến bộ mới" để khẳng định khả năng và không bị phụ thuộc vào nước khác.
![]() |
Các đại biểu tập trung tại Grand Palais, thủ đô Paris, Pháp, ngày 10-2 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh AI. Ảnh: AP |
Sự phát triển như vũ bão của AI đã thôi thúc nhiều quốc gia, tổ chức ưu tiên đầu tư vào công nghệ này, nhưng những nguy cơ về đạo đức và an ninh cũng ngày càng bộc lộ rõ. Trong bối cảnh này, ngày 2-2 vừa qua, những quy định đầu tiên của Đạo luật Trí tuệ nhân tạo (AI Act) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc quản lý và định hình tương lai của ngành công nghiệp AI. Theo Reuters, một số nhà lãnh đạo EU, bao gồm cả Tổng thống Macron, hy vọng đạo luật mới sẽ được áp dụng một cách linh hoạt để giúp các công ty khởi nghiệp châu Âu bắt kịp cuộc đua công nghệ. “Sẽ nguy hiểm nếu không có quy tắc, nhưng cũng không phải điều tốt nếu châu Âu tự đặt ra quá nhiều quy tắc", Tổng thống Macron nhận định.
Đáng chú ý, tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris, những lời kêu gọi kiểm soát AI đã giảm đi rõ rệt so với những hội nghị tương tự trước đây diễn ra tại Anh và Hàn Quốc. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ các quy định kiểm soát AI được ban hành dưới thời chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của Mỹ, các nước EU chịu thêm nhiều áp lực trong việc phải giảm bớt kiểm soát đối với các công ty AI của mình. Việc công ty khởi nghiệp DeepSeek của Trung Quốc cho ra mắt chatbot AI mới có chi phí rẻ và hiệu suất cao càng tạo thêm áp lực cho Mỹ và châu Âu trong cuộc đua công nghệ mới nhằm duy trì vị thế của mình.
Giám đốc điều hành của Google Deepmind, Demis Hassabis, cho biết: "Tôi nghĩ điều quan trọng là phải quản lý AI, nhưng một điều quan trọng không kém nữa là phải có các quy định đúng đắn. Điều này là rất khó khi mà bản thân công nghệ này chưa được hiểu đầy đủ, trong khi lại phát triển quá nhanh. Và các quy định cũng cần phải mang tính quốc tế vì AI sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia và vì thế phải có sự hợp tác quốc tế xung quanh vấn đề này. Đó là lý do tại sao những hội nghị thượng đỉnh như thế này đóng vai trò quan trọng”.
Theo kế hoạch, phiên họp toàn thể của hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 11-2 dưới sự chủ trì của Tổng thống Macron và Thủ tướng Ấn Độ Modi, cùng với sự tham dự của Phó tổng thống Mỹ JD Vance, Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh, quan chức từ các cường quốc trong lĩnh vực AI cũng như lãnh đạo của nhiều quốc gia và các công ty công nghệ lớn. Dự kiến, phiên toàn thể sẽ thảo luận về nhu cầu năng lượng khổng lồ phục vụ cho việc phát triển AI và việc phát triển công nghệ AI ở các nước đang phát triển.
Trong một phát biểu, Đặc phái viên AI của Tổng thống Macron, Anne Bouverot, bày tỏ tin tưởng hội nghị AI lần này sẽ mang lại "bước ngoặt" để thu hút nhiều quốc gia hơn tham gia vào quá trình phát triển AI, vốn chỉ đang được phát triển mạnh ở một số nền kinh tế tiên tiến.
HÀ HÙNG
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.