Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng: Dược phẩm, Mỹ phẩm và Thực phẩm chức năng.Thực trạng và giải pháp"
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; các chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, nhằm kiểm soát tốt hơn trong quản lý nhà nước và nâng cao hiệu quả công tác này, ngày 28/9/2023 tại Nha Trang (Khánh Hoà) Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức Hội thảo “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng: Dược phẩm, Mỹ phẩm và Thực phẩm chức năng. Thực trạng và giải pháp
Đ/c Trần Đức Đông, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Trịnh Hà
Hội thảo có sự tham dự của các đơn vị trực thuộc Bộ/ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 quốc gia: Cục Quản lý Dược, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế); Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an); Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính); Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ); Ban Chỉ đạo 389 của 30 tỉnh thành phố; Hiệp hội chống hàng giả, bảo vệ Thương hiệu Việt Nam; Quỹ chống hàng giả; các Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, với những chỉ đạo quyết liệt của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ/ngành, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc đồng bộ, làm chuyển biến rõ tình hình, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định thị trường và hoạt động kinh doanh sản xuất trong nước, ổn định môi trường đầu tư, thu nộp ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động,...trong đó có lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, thực tế, sau khi dịch bệnh Covid được dập tắt, toàn xã hội chuyển về trạng thái ổn định và phát triển bình thường, chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu dần nối lại, tạo nên môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm hàng hóa phát triển mạnh mẽ.
Theo đó, tình hình buôn lậu, kinh doanh sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có chiều hướng gia tăng trở lại trên tất cả các tuyến đường bộ, đường hàng không, đường biển và đặc biệt là trên môi trường không gian mạng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp nhất là đối các loại thuốc đặc trị có giá trị cao, khan hiếm tại thị trường trong nước, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và các sản phẩm làm đẹp.
Tại tuyến biên giới đất liền phía Bắc, các đối tượng chuyển phương thức hoạt động, núp bóng các công ty nhập khẩu theo đường chính ngạch để khai sai chủng loại, số lượng hàng hóa khi làm thủ tục đi qua cửa khẩu, đưa hàng vào nội địa tiêu thụ qua địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai.
Tại tuyến biên giới Việt Nam với Lào và Campuchia các đối tượng đầu nậu, chủ hàng xuất cảnh ra nước ngoài mua dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dán các nhãn mác hàng hóa đang được người tiêu dùng ưa chuộng, sau đó thuê cửu vạn, khoán công đoạn vận chuyển, ngụy trang, kê khai gian dối hàng hóa để vận chuyển qua cửa khẩu, đường mòn biên giới, xảy ra chủ yếu trên các tuyến thuộc địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo), Tây Ninh, Bình Phước, Long An, An Giang, Kiên Giang .
Tuyến cảng biển các tỉnh Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, cảng hàng không sân bay Nội Bài, sân bay Tân Sơn Nhất hàng hóa từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam bằng container qua loại hình doanh nghiệp, bưu kiện, bưu phẩm.., lợi dụng chính sách quản lý rủi ro trong quản lý thuế; chính sách áp dụng quản lý rủi ro trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động, quá trình nhập khẩu hàng hóa, đối tượng khai báo gian dối số lượng, giá trị, chủng loại hàng hóa; lợi dụng chính sách gửi quà biếu, gửi hàng xách tay để nhập lậu hàng hóa vào Việt Nam tiêu thụ.
Trong thị trường nội địa, nổi lên tình trạng lợi dụng sự khan hiếm khó khăn của nguồn nhập khẩu thuốc chữa bệnh thời gian qua, các đối tượng sản xuất thuốc tân dược giả tráo đổi hàng nội thành hàng ngoại hoặc núp bóng các doanh nghiệp có chức năng sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng để tổ chức sản xuất thuốc tân dược, thực phẩm chức năng giả các loại là những sản phẩm đã được đăng ký độc quyền của các công ty trong nước và nước ngoài với qui mô lớn. Thủ đoạn của chúng là mua các loại thuốc tân dược do các công ty dược Việt Nam sản xuất hoặc các loại thuốc tân dược sắp hết hạn sử dụng với giá rẻ, sau đó thay đổi vỏ hộp, bao bì, nhãn mác thành thuốc tân dược do nước ngoài sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam để trà trộn với thuốc tân dược thật tiêu thụ trên thị trường; lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư, cấu kết với các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ cao để buôn lậu; một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài không tổ chức sản xuất tại Việt Nam mà thuê Công ty nước ngoài sản xuất gia công, hoặc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác; thành lập các “công ty ma” để nhập khẩu các sản phẩm riêng rẽ, nếu trót lọt thì hoàn thiện dán nhãn mác để tiêu thụ, nếu bị phát hiện thì sẵn sàng từ chối hoặc tự biến mất; một số đối tượng khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ, dùng thủ đoạn hợp thức bằng các hóa đơn thanh lý hàng được mua của cơ quan nhà nước bán phát mại.
Thương mại điện tử trở nên phổ biến và có xu thế thống lĩnh thị trường, với dịch vụ giao hàng trực tiếp và thanh toán online, thương mại xuyên biên giới quốc gia, tiện lợi cho cả người bán và người mua. Các nền tảng mạng xã hội phát triển ồ ạt, chóng vánh, đặc biệt với những Ứng dụng/ Web site mang tên miền quốc tế, hoặc ẩn danh thì hầu như thoát khỏi sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi vậy hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa không thể kiểm soát triệt để. Lợi dụng điều đó, các đối tượng đã lập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng những cá nhân nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực y tế, xã hội, lập các tổng đài tư vấn giả,... để làm nhân vật, phương tiện quảng cáo, đưa thông tin không chính xác, sai sự thật thổi phồng công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đánh đúng tâm lý, thu hút đông đảo người tiêu dùng, đẩy nhu cầu sử dụng thực tế ngày càng lớn trên thị trường đặc biệt đối với sản phẩm mang nhãn mác, thương hiệu ngoại nhập. Bản thân các sàn thương mại điện tử cũng chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự gắn trách nhiệm hoặc thiếu công cụ trong kiểm soát hàng hóa thật hàng giả,…để đối tượng trà trộn, giới thiệu sản phẩm một nơi và giao, bán sản phẩm một lối khác (mang cái thật đi đăng ký tham gia trên sàn thương mại nhưng khi bán thì lại giao hàng giả, hàng kém chất lượng cho người mua,….), thoát khỏi sự kiểm soát của chính các chủ thể chịu trách nhiệm phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, lợi dụng hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ người giao hàng đông đảo ... các đối tượng đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm, đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm của chủ thể đối với hàng hóa vi phạm và khó khăn cho công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng.
Những vấn đề nói trên đặt ra thách thức cho các cấp, các ngành, và các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi về công tác này, cần có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, thỏa đáng.
Tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận đánh giá các nội dung: Thực trạng công tác quản lý nhà nước về nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; Những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và những kiến nghị, đề xuất giải quyết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng này. Từ đó, dự báo tình hình và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trong thời gian tới.
Trịnh Thị Hà
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.