Họp báo Chính phủ thường kỳ: Điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sớm, học sinh có năng lực vượt trội mới được tuyển thẳng
Liên quan đến nội dung cơ sở đào tạo quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo trong dự thảo Quy chế chỉ tiêu xét tuyển sớm, đang được dư luận quan tâm, chiều 7-12, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã giải đáp câu hỏi của báo giới về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các sửa đổi trong dự thảo đều dựa trên văn bản quy phạm pháp luật; quá trình triển khai; quy chế tuyển sinh từng năm và đặc biệt là lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, những người trong cuộc trực tiếp làm công tác tuyển sinh, giáo dục đào tạo của các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo; đánh giá dữ liệu tuyển sinh hằng năm. Muốn điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên các nguyên tắc, trong đó nguyên tắc quan trọng nhất trong giáo dục là công bằng và chất lượng. Bên cạnh đó cố gắng làm sao để nâng cao hiệu quả cũng như tạo thuận lợi cho thí sinh.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi tọa đàm thẳng thắn, cởi mở, có sự tham gia của khoảng 50 chuyên gia, những người có kinh nghiệm, trực tiếp làm công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục… Tại đây, ý kiến của chuyên gia, người trong cuộc hết sức đồng thuận với dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhận định đã bám theo nguyên tắc công bằng, chất lượng, hiệu quả.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. |
“Việc xét tuyển sớm xuất hiện cách đây 6-7 năm, khoảng năm 2017, bắt đầu từ một cơ sở đào tạo xét tuyển sớm bằng học bạ, bằng thành tích và các hình thức khác. Khi cơ sở đào tạo này tổ chức xét tuyển sớm thì các cơ sở đào tạo khác như một cuộc chạy đua, lao vào cuộc cạnh tranh vất vả”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Theo ông, các cơ sở đào tạo phải chuẩn bị từ đầu năm cho công tác tuyển sinh, thu hồ sơ xét tuyển; các học sinh đang học lớp 12 chạy đôn, chạy đáo để giành chứng chỉ làm hồ sơ; các trường Trung học phổ thông, thầy, cô giáo phải xác nhận để cho công tác tuyển sinh này.
“Tất cả đều vất vả nhưng hiệu quả mang lại thì không cao. Theo thống kê, có 8 nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có 2 nguyện vọng theo học. Nói cách khác là cứ có 2 thí sinh trúng tuyển sớm thì chỉ có 1 em nhập học bởi trung bình 1 em có 4 nguyện vọng”, ông nói.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phân tích thêm, khi xét tuyển sớm, mỗi trường làm độc lập, đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành xét tuyển chung để các thí sinh lựa chọn nguyện vọng vào các trường, các ngành thì sinh ra thí sinh ảo.
Ngoài ra, từng trường, từng ngành không thể dự đoán được thí sinh ảo dẫn đến các trường có tâm lý muốn xét tuyển sớm để đủ chỉ tiêu, có thêm nhiều chỉ tiêu xét tuyển sớm, dẫn tới xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn. Thường là điểm chuẩn trúng tuyển hạ thấp đi để có thí sinh trúng tuyển nhiều hơn.
Từ khâu dự báo tỷ lệ trúng tuyển không đúng gây ra thiệt hại lớn, đồng thời không có căn cứ dẫn đến điểm chuẩn trong đợt tuyển sinh chính của một số ngành tăng vọt, đó là điểm không công bằng. Sự bất công này dẫn đến chất lượng không bảo đảm, có những em được 25 điểm có khả năng trúng tuyển nhưng sau đó điểm chuẩn nâng lên 26 điểm vì có những em đã trúng tuyển theo diện tuyển sinh sớm.
“Vì xét tuyển sớm nên nhiều em chưa hoàn thành chương trình Trung học phổ thông, lớp 12 đã lao vào xét tuyển đại học, cũng dẫn đến sự không công bằng. Em nào đủ điều kiện đã học trước chương trình từ học kỳ 1, trong khi tất cả các em đều đến tháng 5 mới hoàn thành chương trình Trung học phổ thông. Như vậy việc xét tuyển dựa trên kết quả học tập của các em là không đồng đều”, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.
Một điểm tác động tiêu cực nữa được ông nêu ra là có rất nhiều em có tâm lý trúng tuyển rồi không quan tâm đến chương trình học ở Trung học phổ thông nữa.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe ý kiến và rút ra thực tiễn. Khi điều chỉnh, khống chế tỷ lệ này, chỉ những em nào thực sự có năng lực trội thì mới được tuyển thẳng, xét tuyển sớm. Còn lại hầu hết các em sẽ tham gia kỳ thi chính của Bộ. Với giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm, tỷ lệ trúng tuyển khoảng 5-7%, các thí sinh tập trung vào xét tuyển bình đẳng.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, nhiều ý kiến của các chuyên gia, người làm công tác tuyển sinh còn đề nghị bỏ xét tuyển sớm. Bộ sẽ cân nhắc điều này, xem xét nên rút ngắn tỷ lệ này hay bỏ xét tuyển sớm để tạo sự công bằng.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường sẽ cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu về điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, điểm đánh giá năng lực, điểm đánh giá tư duy đưa lên hệ thống điện tử. Các trường lúc đó chỉ việc lựa chọn chỉ tiêu để xét tuyển; thí sinh học hết lớp 12 chỉ việc lựa chọn nguyện vọng, lựa chọn đúng ngành, đúng trường trên hệ thống.
TTXVN
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.