Hương vị của rừng
Tôi học cùng một cậu bạn quê Sơn La, “chính hiệu” trai bản Thái. Có lần, sau chuyến về thăm nhà, cậu mang một túi đựng đầy quà quê. Cầm một lọ nhỏ lên lắc lắc, tôi hỏi: “Muối bột canh à?”. “Không! Chẳm chéo đấy”. “Ối! Cậu nói tiếng đồng bào bọn tớ không hiểu, chả muối là gì”. “Thì các cậu cứ thử đi!”. Bằng chứng là con gà nướng hôm đó chấm cùng thứ gia vị lạ ấy đã hết veo.
Đợt nghỉ hè, cả tổ hò nhau ngược Sơn La. Cứ phải tận mắt xem chẳm chéo là thế nào mà ăn lại đượm vị, đậm đà, nhung nhớ. Chẳm chéo chấm gì cũng thấy ngon, thấy hợp. Bạn thì úp mở, trên đây khối loại chẳm chéo, thức nào thì chấm vị ấy, cứ gọi là... tứa nước chân răng. Ôi chao! Cơm gà, cá gỡ thì chẳng còn lạ nhưng nghĩ đến vị chấm sao mà ruột cứ sùng sục lên nhanh nhách. Cũng phải thôi, cái gì quen rồi thì đâu còn thèm nữa. Phải là cái làm ta nhớ nhung mới đủ sức gợi sự tưởng tượng liên tu bất tận. Trong đầu nhảy nhót bao suy nghĩ theo vòng quay bánh xe vượt dốc đổ đèo gập ghềnh.
Chẳm chéo. Ảnh: Báo Biên phòng |
Bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La nằm sâu dưới những tán cây cao vút, lung linh nắng. Những nếp nhà sàn lưa thưa thưng liếp nứa. Cuộc sống của người dân trong bản vẫn tự cấp là chính nên có khi cả tuần không xuống chợ. Bởi gian bếp nhỏ trong từng gia đình khối thứ để ăn: Thịt lợn xông khói, cá chua nút ống tre, tôm, cua hong nắng đỏ au... Bao chất đạm ấy đủ để níu chân những người đàn ông ngồi bệt trên sàn gỗ cụng nhau cái chén mắt trâu đùng đục cay nồng.
Mẹ bạn đã luống tuổi, tằng cẩu điểm những sợi bạc. Bà lần vào bếp lấy ống mương đổ ra những hạt đen lấm tấm. Mùi thơm tinh dầu tỏa ra. Mắc khén đấy! Nó được ví như hạt tiêu rừng, cay tê đầu lưỡi. Bà rang lạo xạo trên chảo cho bao nhiêu mùi cứ hân hoan, náo nức cả lên. Tôi nhón tay nhấp thử. Hạt vỡ, tinh dầu loang trong khoang miệng, xộc lên mũi, bốc lên xoắn não. Chà chà, vị cay cay, thơm nồng. Cối đá ngả ra tán nhỏ. Chỉ cần hít hà đã thấy lâng lâng, tưởng như bị kích thích, phấn khích bởi một điều gì kỳ diệu lắm. Đây chính là hương rừng, hương thơm mà tôi đã được thưởng thức lần đầu, rất đằm, rất sâu.
Chẳm chéo là phải nhiều vị. Muối tinh mặn chát rang khô, tán nhỏ. Tỏi cay cay, sả tê tê cũng rang khô. Tóm lại, đồ để lâu thì phải làm khô qua lửa, cho tất cả đều cùng kiệt, quắt queo. Xong xuôi thì trộn bấy nhiêu thứ đó lại với nhau. Thứ nọ nâng đỡ, dìu dắt thứ kia để tạo vị, làm dậy mùi đặc trưng. “Chẳm” tiếng Thái nghĩa là món chấm, “chéo” là thứ được chế từ các loại gia vị hòa quyện vào nhau. Chẳm chéo phổ biến vẫn là muối, mắc khén, ớt, tỏi, sả. Tùy vào đồ chấm để bà con thêm bớt vài gia vị chế thành các loại khác nhau. Ví như chéo giã cùng rau mùi để chấm thịt luộc, rau cải mèo. Chéo trộn với gan gà, vịt nướng vàng bào nhỏ, đánh nhuyễn để chấm thịt gà, vịt. Chéo pịa lấy chất lỏng trong ruột non trâu, bò chưng lên để chấm thịt trâu khô hay bò hấp...
Có nhiều cách gia giảm để tạo ra các loại chéo khác nhau. Nhưng dù thế nào, chẳm chéo vẫn mang vị đặc trưng là cay, tê, nồng, đậm đà. Chấm chẳm chéo là phải xuýt xoa cho cái cay xộc nhanh tới mọi ngóc ngách để các thớ cơ rùng rùng ấm lên. Nếu chưa đã thì phải chấm thật đậm, cho nước mắt, nước mũi trào ra. Khi nhai phải thật khẽ khàng, không mở miệng tránh cái ho sặc sụa, và rồi cứ từ từ mà cảm nhận độ “phê” của thứ chấm đa vị ấy.
Đồng bào Thái sử dụng chẳm chéo làm gia vị trong bữa ăn. Miếng thịt gác bếp nâu sậm xé ra, dấn những đường gân thớ thịt vào bát chẳm chéo vắt chanh rồi cứ thế mà rít răng lại, nhai quặn quẹo cho quên đất trời. Miếng cá chua ủ trong ống nứa dỡ ra, quấn lá nhội, lá cóc dúi vào chẳm chéo, đưa lên miệng không còn mùi tanh, vị chua cá, lá cây bùi bùi quyện lấy nhau ngon nức nở. Nắm xôi trắng vân vê trong tay rồi dập dập vào đĩa chẳm chéo ăn đằm vị mà bụng chắc nình nịch. Quả là thứ gia vị hữu dụng. Chẳng thế mà mùa lên nương, chỉ cần gói xôi với ít chẳm chéo đựng trong khóm là có thể đi đến cuối đất tận trời. Đó âu cũng là thứ quà mà núi rừng ban tặng con người nơi đây.
NGỌC NAM
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.