Iran phản đối phương Tây dùng lệnh trừng phạt để gây sức ép
Sau khi Mỹ và một số nước châu Âu áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành hàng không của Iran, Tehran tuyên bố sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn với phương Tây bằng con đường ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh đối thoại phải dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Theo hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran, ngày 14-9, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố Tehran sẵn sàng tiến hành đối thoại mang tính xây dựng, giải quyết mâu thuẫn với phương Tây bằng con đường ngoại giao nhưng không phải là “đe dọa và gây sức ép”.
Ngoại trưởng Araghchi nêu rõ: “Iran tiếp tục đi theo con đường sức mạnh riêng của mình. Chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán để giải quyết mâu thuẫn nhưng đó phải là đối thoại dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau chứ không phải là các mối đe dọa và gây sức ép”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran cũng mô tả các biện pháp trừng phạt là “công cụ gây sức ép và công cụ đối đầu, không phải là công cụ hợp tác”.
![]() |
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi khẳng định sẵn sàng đối thoại mang tính xây dựng với phương Tây. Ảnh: IRNA. |
Tuyên bố của Ngoại trưởng Iran được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, EU đang cân nhắc các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành hàng không của Iran để phản ứng trước thông tin Tehran đã cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Mỹ và một số nước châu Âu, bao gồm Anh, Pháp và Đức đã chính thức áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành hàng không của Iran. Anh, Pháp và Đức tuyên bố sẽ tiến hành các biện pháp hủy bỏ thỏa thuận dịch vụ hàng không với Iran và tiến tới áp đặt trừng phạt hãng hàng không quốc gia Iran Air của nước Cộng hòa Hồi giáo. Bên cạnh đó, các nước này cũng sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những thực thể và cá nhân liên quan đến chương trình tên lửa của Iran, cũng như chuyển các tên lửa và vũ khí khác cho Nga. Ngày 11-9, Anh đã triệu tập đặc phái viên của Iran ở London và cảnh báo rằng Chính phủ Iran sẽ phải đối mặt với “phản ứng đáng kể” nếu tiếp tục cung cấp tên lửa cho Nga để sử dụng ở Ukraine. Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ thông báo Washington cũng đã tăng cường các biện pháp cấm vận đối với Iran, trong đó có cả hãng hàng không quốc gia Iran Air “vì hoạt động hoặc đã hoạt động trong lĩnh vực vận tải của nền kinh tế Nga”.
Trước những cáo buộc của phương Tây, Iran đã phủ nhận việc chuyển bất kỳ vũ khí nào cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột với Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nhấn mạnh mọi cáo buộc rằng Iran bán tên lửa đạn đạo cho Nga là hoàn toàn vô căn cứ và không đúng sự thật.
Theo ông Kanaani, Iran sẽ có những biện pháp đáp trả tương xứng đối với hành động của các nước châu Âu mà Tehran cho rằng đi ngược lại lợi ích của người dân Iran. Bộ Ngoại giao Iran đã triệu đại sứ Anh, Pháp, Đức và Hà Lan đến trụ sở của bộ này tại Tehran nhằm phản đối việc các nước châu Âu này liên tiếp đưa ra những tuyên bố không mang tính xây dựng liên quan đến vấn đề trên. Về phía Moscow, khi được hỏi về thông tin Iran đã chuyển giao tên lửa tầm ngắn cho Nga đăng trên tờ The Wall Street Journal, ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, ông đã xem thông tin trên tờ báo này, nhưng nhấn mạnh không phải tất cả các thông tin như vậy đều chính xác. “Iran là đối tác quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi đang phát triển quan hệ thương mại và kinh tế. Chúng tôi đang thúc đẩy hợp tác và đối thoại trong mọi lĩnh vực có thể, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm nhất”, ông Peskov nhấn mạnh.
Thời gian qua, Iran và Nga đã mở rộng quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Việc Tehran và Moscow xích lại gần nhau tạo động lực cho hai bên vượt qua khó khăn, thử thách do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra. Điều này khiến các nước phương Tây lo ngại và tìm cách gây khó khăn cho Iran trong việc thúc đẩy quan hệ với Nga.
LÂM ANH
Tin mới
Căng thẳng ở Trung Đông: Hamas phản hồi "tích cực" với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin
Tối 4-7 (theo giờ địa phương), một quan chức Palestine cho biết phong trào Hồi giáo Hamas đã phản hồi “một cách tích cực” đối với đề xuất ngừng bắn và trao đổi con tin với Israrel.
Tổng thống Mỹ ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện
Tổng thống Donald Trump ngày 4-7 (giờ địa phương) đã ký thành luật gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được ông gọi là "Một dự luật Vĩ đại và Tuyệt đẹp” trong một buổi lễ long trọng kỷ niệm lần thứ 249 Quốc khánh Mỹ.
Quân sự thế giới hôm nay (5-7): Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F-4 hay F-16?
Quân sự thế giới hôm nay (5-7) có những nội dung sau: Vì sao Peru chọn tiêm kích Gripen E/F thay vì Rafale F4 hay F-16? Mỹ thử nghiệm UAV vận tải Cento; Litva tăng cường năng lực phòng thủ với hệ thống tên lửa vác vai GROM.
TP Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng
Chiều 4-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội cho biết, từ ngày 27-6 đến 4-7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca mắc sốt xuất huyết tại 17 xã, phường, tăng 8 ca mắc so với tuần trước.
Australia: Liệu pháp mới điều trị ung thư hiệu quả cao
Một phương pháp điều trị miễn dịch được cá nhân hóa đã chứng minh hiệu quả cao trong việc chữa một số dạng ung thư máu khi các phương pháp điều trị khác thất bại.
Xơ gan mất bù, u gan vì chủ quan không điều trị viêm gan B
Phát hiện viêm gan B muộn nhưng vẫn chủ quan không tuân thủ điều trị, bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng xơ gan mất bù.