Khi bão lớn quét qua Thủ đô
Người dân Hà Nội thẫn thờ trước khung cảnh buổi sáng 8-9 tại Thủ đô, sau khi trận bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua càn quét từ tối và đêm hôm trước.
Người dân Hà Nội thẫn thờ trước khung cảnh buổi sáng 8-9 tại Thủ đô, sau khi trận bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua càn quét từ tối và đêm hôm trước. Nhìn những con phố ngổn ngang cây đổ, hàng quán xiêu vẹo, biển hiệu, mái tôn, mảnh kính vỡ vung vãi... mới thấy sức tàn phá khủng khiếp của trận bão. Hà Nội đã huy động nhiều lực lượng, phương tiện, thiết bị cùng người dân khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Thẫn thờ, tiếc nuối từng cây xanh gãy đổ
Sáng 8-9, Hà Nội chỉ còn mưa nhỏ, gió cũng đã lặng sau một đêm cơn cuồng phong Yagi quần thảo. Nhiều tuyến phố vốn đẹp nổi tiếng ở Hà Nội như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu... bỗng tan hoang sau bão, cây hai bên đường đổ gãy la liệt; xót xa nhất là những cây cổ thụ gắn liền với nhiều di tích lịch sử như cây đa cổ thụ phía sau đền Bà Kiệu; khu vực vườn hoa Con Cóc, vườn hoa Hàng Đậu... Nhiều người dân sống lâu năm ở đây cho biết chưa từng thấy cảnh tượng như vậy. Anh Phạm Gia Hiền sống ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình không khỏi sốc khi nhìn cảnh tượng trên từng con phố thân yêu. Đôi mắt trĩu nặng, anh bảo, bão đã lấy đi nhiều cây đẹp nhất, cổ thụ nhất của Thủ đô. Khắp các con phố nồng mùi nhựa cây. Trên đường, lá cây nát hòa cùng nước mưa chảy thành những dòng màu xanh như là máu của cây vậy.
Trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội), cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam khẩn trương dọn dẹp cây đổ. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Hít một hơi thật sâu để nén tiếng thở dài, bà Đỗ Thị Hạnh, phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, cho biết, bão quét qua và đã để lại những thiệt hại cả về người và của cho Hà Nội, trong đó có những tổn thương về đời sống tinh thần. Ở con phố được mệnh danh đẹp nhất Hà Nội này, có những cây đã đứng vững trong bom đạn chiến tranh, vậy mà cơn bão số 3 quét qua lại khiến cây gục ngã, xót xa quá! Nhưng bà Hạnh cũng cho rằng, điều quan trọng lúc này là bắt tay vào dọn dẹp, thu dọn, cứu cây, chỉnh trang nhà cửa, đường phố, khắc phục thiệt hại do mưa bão. Bà Hạnh cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới các lực lượng không chỉ ở Hà Nội, mà ở cả các tỉnh, thành phố khác đã sẵn sàng ứng trực để phòng, chống cơn bão số 3: “Khi mà mọi người đều vào nhà và đóng cửa thì có rất nhiều người, trong đó có bộ đội, luôn ứng trực, lao vào tâm bão, không quản hiểm nguy để hỗ trợ bà con. Đó là tinh thần "vì nhân dân quên mình" của Bộ đội Cụ Hồ”.
Theo báo cáo sơ bộ, tại Hà Nội, cơn bão số 3 đã khiến 1 người chết, 4 người bị thương, khoảng 17.000 cây xanh gãy đổ, gây ách tắc giao thông; có 274 hộ dân và công trình bị tốc mái tôn; 4 nhà mái tôn bị sập; 992m tường bao bị đổ; 19 công trình nhà ở bị hư hỏng; nhiều cột điện gãy đổ. Bão cũng đã khiến một số quận, huyện bị mất điện cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thoát nước của các trạm bơm, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân... Nhờ triển khai các biện pháp phòng, chống bão số 3 một cách quyết liệt, về cơ bản TP Hà Nội vẫn bảo đảm tốt các mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là giữ an toàn cho người dân. Điều rất đáng ghi nhận là dù gió bão khủng khiếp như vậy nhưng cơ bản Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội vẫn bảo đảm cung ứng điện lưới, đèn vẫn sáng trên hầu hết các con phố ngay cả lúc cuồng phong dữ dội nhất. Để làm được điều này, ngành điện đã huy động nhân lực trực phòng, chống bão, xử lý kịp thời nhiều sự cố.
Không chủ quan khi bão đã đi qua
Ngay trong đêm 7-9, lực lượng chức năng của Hà Nội đã ra quân khắc phục thiệt hại do cơn bão, giải quyết các nút thắt giao thông, khắc phục tình trạng úng ngập... Theo ghi nhận, trên khắp các tuyến phố, các khu vực trọng yếu, trong điều kiện thời tiết vẫn mưa do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, thanh niên, đoàn thể của các cơ quan, đơn vị, địa phương từ thành phố đến cơ sở đã nỗ lực chạy đua với thời gian, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Tại các khu dân cư, người dân chủ động dọn dẹp cây gãy đổ, rác bẩn xung quanh khu vực gia đình mình sinh sống; vệ sinh đường làng, ngõ xóm nhằm giảm tải phần nào công việc cho công nhân môi trường.
Đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra tình hình thiệt hại, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quận Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Oai... Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nêu rõ, thời gian tới, bí thư các quận ủy, huyện ủy, thị ủy tiếp tục chủ động bám sát tình hình ở cơ sở; chỉ đạo sát sao, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các phương án phòng, chống bão, lũ; không chủ quan khi bão đã đi qua; tập trung khắc phục hậu quả, hỗ trợ những địa bàn, hộ dân bị thiệt hại nặng, nhất là các gia đình, cơ sở bị đổ sập nhà ở, công trình xây dựng; duy trì lực lượng và phương tiện sẵn sàng xử lý các vấn đề phát sinh, đặc biệt là tiêu thoát nước khi xảy ra mưa lớn, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập...
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố được yêu cầu khẩn trương thông tuyến tại các điểm ách tắc giao thông do có cây xanh gãy đổ trong ngày 8-9, để bảo đảm cho các hoạt động của tuần làm việc mới vào sáng 9-9 diễn ra bình thường. Với các cây xanh gãy đổ, lưu ý có những cây hàng trăm tuổi cần cố gắng giữ, trồng lại. Đồng thời yêu cầu ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố để phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Bão đã tan, nhưng dự báo Hà Nội sẽ có mưa nhiều trong những ngày tới do ảnh hưởng của bão. Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của chính quyền và lực lượng chức năng trên địa bàn Thủ đô là phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong bất kể tình huống nào. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan của TP Hà Nội sẽ tiếp tục khắc phục hậu quả bão số 3, đồng thời kịp thời ứng phó với các tình huống ngập úng do mưa lớn.
VŨ DUNG
Tin mới
Tổng cục Hậu cần tiếp đón Đoàn cán bộ hậu cần các lực lượng vũ trang Belarus
Sáng 27-11, tại Hà Nội, Tổng cục Hậu cần tiếp đón Đoàn cán bộ hậu cần các lực lượng vũ trang Belarus do Thiếu tướng Mosolop Alexander Vyacheslavovich, Phó cục trưởng thứ nhất Cục Hậu cần, Tham mưu trưởng Hậu cần các lực lượng vũ trang Belarus thăm và làm việc tại Việt Nam. Thiếu tướng Phạm Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần chủ trì tiếp đón và làm việc.
Trang trọng lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Ngày 27-11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ lần thứ 95 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (thành phố Cao Lãnh).
Đến năm 2030, ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn không ma túy
Chiều 27-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ gia đình bị sạt lở đất khắc phục hậu quả
Ngày 27-11, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, đã huy động cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Đoàn kinh tế Quốc phòng 92 và chính quyền địa phương xã Lâm Đớt, huyện A Lưới hỗ trợ gia đình ông Trần Văn Khưa khắc phục hậu quả sạt lở đất.
Nền công nghiệp hóa chất chuyển đổi mạnh mẽ
Ngày 27-11, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Hóa chất lần thứ 19-VINACHEM EXPO 2024.
Người trẻ mùa chạy việc cuối năm: Đa nhiệm, áp lực nhưng vẫn tận hưởng cuộc sống
Đảm nhiệm nhiều công việc một lúc kèm theo áp lực dồn dập trong 2 tháng cuối năm khiến nhiều người trẻ căng thẳng, mệt mỏi. Làm gì khi vừa chạy deadline mà vẫn giải nhiệt cuộc sống để tận hưởng không khí sôi động những ngày cuối năm là điều nhiều người trẻ quan tâm.