Khơi thông “dòng chảy” nông sản trong nước
Sau hai năm tổ chức, sự kiện quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã phát huy ý nghĩa thiết thực khi trở thành sự mong đợi của cả doanh nghiệp lẫn người dân Thủ đô trong việc giới thiệu các sản phẩm nông sản sạch và tiêu thụ các nông sản chất lượng.
Thêm cơ hội tiếp cận nông sản sạch
Đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) đã tổ chức Chương trình "Tuần hàng quảng bá nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023". Trong 2 ngày, khoảng 120 gian hàng của các doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu trên 2.000 dòng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sản vùng miền của Hà Nội và 33 tỉnh, thành phố cùng các sản phẩm nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Được tổ chức ngay tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, sự kiện thu hút được hàng nghìn lượt khách trong nước và quốc tế tham quan mua sắm. Là người dân Thủ đô rất yêu thích các sản phẩm nông sản vùng miền, chị Bùi Thị Phương (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Khi mua nông sản, thực phẩm tại các sự kiện như này, tôi luôn cảm thấy yên tâm về chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ. Mong rằng các sự kiện như này tiếp tục được tổ chức để người dân chúng tôi tiếp cận được nhiều hơn các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền".
Người dân Hà Nội tham quan mua sắm tại các gian hàng. |
Đã biết đến hoạt động quảng bá nông sản từ năm 2022, chị Đỗ Thị Hà (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết luôn mong đợi sự kiện này. “Năm ngoái khi tới phố đi bộ vào đúng dịp diễn ra sự kiện, gia đình tôi đã mua được rất nhiều sản phẩm nông sản của các tỉnh, thành và rất hài lòng vì chất lượng. Vì thế, khi biết được sự kiện được tổ chức năm nay, gia đình tôi đã có kế hoạch mua sắm từ trước. Hy vọng sự kiện sẽ được tổ chức thường niên”, chị Hà chia sẻ.
Thường xuyên tham gia các sự kiện hội chợ, tuần hàng do HPA tổ chức, anh Nguyễn Văn Dũng, chủ gian hàng nông sản Dũng Huệ (Hà Giang) chia sẻ, lần này anh mang đến các sản phẩm nông sản, đặc sản của các tỉnh, thành như: Hạt điều Bình Phước, măng miến, mộc nhĩ, nấm hương của Tuyên Quang, mật ong bạc hà của Hà Giang, cùng các loại trà xanh…
"Từ ngày tham gia các chương trình này, ngoài bán được trực tiếp hàng hóa thì cơ sở đã quảng bá, giới thiệu được nhiều sản phẩm đến người dân một cách tốt nhất; đồng thời, tìm kiếm được nhiều đại lý, đối tác, ký kết được nhiều đơn hàng mới. Đặc biệt, cơ sở còn có cơ hội giao lưu với các doanh nghiệp tỉnh, thành khác", anh Dũng vui vẻ cho biết.
Cũng như anh Dũng, các đơn vị doanh nghiệp tham gia Chương trình đều mong muốn HPA tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại hơn nữa để các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền đạt chất lượng, an toàn được đưa đến tận tay người tiêu dùng Thủ đô và người dân được thêm cơ hội mua sắm các sản phẩm hàng Việt.
Hướng tới mục tiêu là trung tâm, động lực phát triển vùng và cả nước
Tuần hàng Quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã được tổ chức thành công lần đầu tiên vào năm 2022 với sự tham gia của 90 doanh nghiệp, đơn vị xúc tiến thương mại nông nghiệp đến từ 29 tỉnh, thành phố trên cả nước. Năm nay, sự kiện thu hút sự tham gia của trên 100 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP của 33 tỉnh, thành, địa phương trong cả nước gồm: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên, Lâm Đồng, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông...
Ban Tổ chức bố trí tiểu cảnh, phục vụ người dân trải nghiệm các sản phẩm. Trong ảnh: Lãnh đạo TP Hà Nội thưởng thức đặc sản của các địa phương |
Bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm còn có các hoạt động quảng bá, kết nối, dùng thử sản phẩm và hoạt động trình diễn, chế biến sản phẩm tại chỗ... Ngoài việc tổ chức các khu gian hàng, Ban Tổ chức dàn dựng, bố trí các mô hình, tiểu cảnh đẹp gắn với chủ đề nông nghiệp, nông thôn nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và thu hút du khách tham quan, mua sắm.
Theo Phó giám đốc HPA Bùi Duy Quang: Chương trình nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn và sản phẩm OCOP của thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước đến người tiêu dùng Thủ đô. Đặc biệt, việc tổ chức hoạt động kết nối giữa các nhà sản xuất với các kênh phân phối trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp, làng nghề tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
“Tuần hàng cùng với những hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp khác sẽ góp phần khơi thông dòng chảy hàng hóa nông sản trong nước; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương; hướng tới mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước...”- ông Bùi Duy Quang cho hay.
Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thời gian qua, ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối sản phẩm tại các sự kiện… Qua đó, đã có hơn 100 mã sản phẩm mới được các kênh phân phối lớn của Hà Nội kết nối, tiêu thụ.
Thời gian tới, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội theo nhiều hình thức phù hợp như: Tổ chức các buổi trao đổi, làm việc giữa các nhà cung cấp và đơn vị phân phối; thông tin, mời các tỉnh tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá sản phẩm do TP Hà Nội tổ chức…
"Với dân số 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc, Hà Nội là thị trường lớn về tiêu thụ sản phẩm trái cây, nông sản. Người tiêu dùng Thủ đô ưa chuộng sản phẩm đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ, có thương hiệu, sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho nông sản các địa phương", bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
HUY DƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.