Khơi thông tiềm năng vận tải đường thủy
Với đặc thù đô thị sông nước, hệ thống sông, kênh chằng chịt, có 913km giao thông thủy, TP Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải thủy, du lịch đường thủy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, hệ thống đường thủy tập trung ở 4 tuyến sông chính: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, hình thành mạng lưới đường thủy liên tuyến kết nối với các tỉnh lân cận: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu. Các tuyến kênh rạch nội đô chảy qua nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức, tạo cơ sở thuận lợi để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, kinh tế đêm...
Phương tiện buýt đường sông phục vụ hành khách, du khách di chuyển từ trung tâm quận 1 đi TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn. |
Thời gian qua, để phát triển giao thông vận tải thủy, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để sạch hóa và nạo vét kênh mương, kè bờ kênh, thông luồng tuyến trên sông Sài Gòn. Thành phố cũng đã đầu tư, hoàn thiện 251 cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh; đưa vào vận hành, khai thác một số tuyến vận tải hành khách đường thủy như: Tuyến vận tải hành khách bằng đường thủy-buýt đường thủy số 1; tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng, quận 1 đi huyện Cần Giờ và các địa phương: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bến Tre; xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển kè ven sông, điểm du lịch đường thủy... Những kết quả đạt được về khai thác tiềm năng hệ thống giao thông thủy, vận tải thủy được nhiều chuyên gia đánh giá còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng. Hạ tầng giao thông thủy chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển du lịch. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vốn, quỹ đất đầu tư hạ tầng cảng, bến thủy nội địa ít; chưa có quy hoạch tổng thể khai thác quỹ đất ven sông, rạch; ít doanh nghiệp vận tải, du lịch tham gia đầu tư hạ tầng đường thủy...
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị triển khai dịch vụ buýt đường thủy trên sông Sài Gòn, cho biết: Khó khăn lớn nhất trong đầu tư hạ tầng giao thông thủy là doanh nghiệp phải chờ đợi các cơ quan chức năng cập nhật quy hoạch vị trí bến thủy nội địa. Cơ quan chức năng cần sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng giúp xác định rõ vị trí, định hướng khai thác hiệu quả tiềm năng của hệ thống đường thủy, phát triển du lịch.
Theo kế hoạch phát triển giao thông đường thủy giai đoạn 2020-2050, TP Hồ Chí Minh cần 21.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển giao thông đường thủy. Từ nay đến giai đoạn 2025-2030, thành phố tiếp tục tập trung phát triển các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy gồm 4 nhóm chính: Tuyến đường thủy tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, phát triển các tuyến vận tải hành khách và du lịch đường biển. Trong đó có các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch từ Sài Gòn đi quận 7-Nhà Bè, Bình Lợi-quận Bình Thạnh, Chợ Đệm-Bến Lức, Hiệp Phước-Nhà Bè, Vàm Thuật-rạch Bến Cát... Theo đồng chí Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, việc huy động nguồn vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông đường thủy hiện nay theo kế hoạch rất khó khăn do ít nhà đầu tư tham gia. Để khơi thông các điểm nghẽn, phát huy tiềm năng vận tải thủy, du lịch đường thủy, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực hoàn thiện quy hoạch 411 bến thủy nội địa, nâng tĩnh không cầu tạo điều kiện cho tàu, thuyền đi lại, thủ tục quy hoạch pháp lý, nhất là quy hoạch các bến thủy nội địa để cấp có thẩm quyền thông qua, làm cơ sở thu hút đầu tư; tổ chức mở rộng khai thác các tuyến đường thủy phục vụ du lịch, vận tải thủy liên tỉnh... Đồng thời, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ tham mưu, đề xuất xây dựng những cơ chế, chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư khai thác bến bãi, thuê đất, triển khai dịch vụ vận tải thủy...
Bài và ảnh: ĐĂNG KHÔI
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.