Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy
Mặc dù biết rõ phương tiện giao thông đường thủy nội địa chưa đăng ký, đăng kiểm, không đủ điều kiện bảo đảm an toàn, nhưng không còn lựa chọn nào khác, không ít người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La vẫn phải mạo hiểm “đánh cược” mạng sống của mình để qua sông Đà...
Phương tiện tự chế, không bảo đảm an toàn
Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh Sơn La có tới hàng nghìn lượt tàu thuyền lớn nhỏ ngược xuôi trên dòng sông Đà. Tuy nhiên, nhiều phương tiện đường thủy ở đây được làm theo kiểu tự chế và chưa đăng ký, đăng kiểm. Thực trạng này khiến nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy luôn hiện hữu.
Trên địa bàn huyện Mường La (Sơn La) hiện có 32 bến thủy nội địa, trong đó có 10 bến hoạt động tự phát. Có mặt tại xã Tạ Bú, huyện Mường La, chúng tôi ghi nhận do lượng khách qua lại các bến thủy nội địa ở đây luôn ở mức cao nên nhiều chủ thuyền đã tận dụng hết diện tích, trọng tải của phương tiện để chở khách và hàng hóa.
Anh Cà Văn Phong-một chủ thuyền ở bản Bết, xã Tạ Bú, bộc bạch: “Vẫn biết phương tiện tự đóng không bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, an toàn, nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi phải vay mượn người thân và bạn bè để tự đóng thuyền chở khách. Rất mong cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ để người dân có phương tiện tốt, an toàn...”.
Người dân qua sông Đà tại một bến thủy nội địa ở xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. |
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được nhiều cán bộ địa phương cho biết, lực lượng chức năng và chính quyền gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý các phương tiện này. “Hầu hết các phương tiện đều do người dân tự đóng, không đủ điều kiện để đăng ký, đăng kiểm.
Bên cạnh đó, do nhận thức còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc học để được cấp chứng chỉ hành nghề cũng như giấy phép điều khiển phương tiện thủy đối với chủ phương tiện còn rất ít...”, Thiếu tá Đinh Văn Ngoan, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mường La cho biết.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng huyện Mường La, địa phương hiện có 691 phương tiện thủy nhưng chỉ có 37 phương tiện có đăng ký. Trên địa bàn cũng chưa có cơ sở đào tạo, cấp chứng chỉ cho người điều khiển loại phương tiện này. Bên cạnh đó, chi phí đóng mới phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật là khá lớn, trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn nên nhiều người dân đành bất chấp nguy hiểm để sử dụng phương tiện tự đóng.
Chú trọng tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm
Nhằm hạn chế tai nạn giao thông từ các phương tiện thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La đã thường xuyên phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các lực lượng chức năng trong thực hiện công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm. Trong năm 2021, các lực lượng đã phối hợp tổ chức kiểm tra đăng ký, đăng kiểm hơn 300 lượt phương tiện.
Tuy nhiên, công tác đăng ký, đăng kiểm còn gặp nhiều khó khăn, như mức giá đăng kiểm lần đầu phương tiện thủy nội địa hiện khá cao so với thu nhập của người dân địa phương nên nhiều trường hợp "ngại" thực hiện đăng kiểm. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Sơn La cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát; tổ chức cho hàng trăm lượt người là lái thuyền, chủ thuyền ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường thủy nội địa, trong đó có công tác chấp hành việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã xử lý 70 trường hợp vi phạm, phạt tiền 35 triệu đồng...
Theo ông Bùi Trọng Thắng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, hiện toàn tỉnh có 2.560 phương tiện thủy nội địa các loại. Công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh do Chi cục Đăng kiểm số 1, Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ trì thực hiện.
Thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; đề nghị các lực lượng chức năng phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn các chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm theo quy định, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
Bài và ảnh: HÀ KHÁNH - MINH HOÀNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.