• Click để copy

Kịch bản nào cho tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm?

Chiều tối 4-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023. Tại cuộc họp báo, vấn đề được các cơ quan báo chí quan tâm là những giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2023; giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; vì sao có nghịch lý đang xảy ra trên thị trường tín dụng khi lãi suất liên tục giảm từ đầu năm tới nay, nhưng tăng trưởng tín dụng lại rất thấp?

Xây dựng 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP

Liên quan tới vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra, trong đó, khu vực công nghiệp-xây dựng chỉ tăng 1,13% (kịch bản đề ra là 6,7%), tác động mạnh đến tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Với tình hình hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023. Tại kịch bản thấp, với tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III cũng phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%. Với kịch bản tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%. Đây là thách thức rất lớn.

 Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều 4-7 tại Hà Nội. Ảnh: chinhphu.vn

 Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 diễn ra chiều 4-7 tại Hà Nội. Ảnh: chinhphu.vn

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ rõ, trong 6 tháng cuối năm, khó khăn, thách thức còn rất lớn, tạo rủi ro, sức ép lên công tác điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Trong khi, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp (DN) trong nước còn yếu sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều DN đã đến mức tới hạn, nhất là DN nhỏ và vừa. Vì thế, trong thời gian tới, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ DN, người dân, tranh thủ mọi cơ hội, tận dụng thời gian để phục hồi tăng trưởng, thực hiện các giải pháp trong trung và dài hạn.

Trong đó, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cần tiếp tục tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp vượt thẩm quyền. Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay các quy định, thủ tục hành chính gắn với tăng cường phân cấp, phân quyền. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư (bao gồm khu vực tư nhân trong nước, DN nhà nước, thu hút FDI và đầu tư công), xuất khẩu.

Nhiều thuận lợi cho giải ngân vốn đầu tư công

Đến hết ngày 30-6, ước tính cả nước đã giải ngân được hơn 215 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%), về số tuyệt đối cao hơn 65.163 tỷ đồng. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, điều này cho thấy sự chuyển biến hết sức tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công. Có được điều này là do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt từ đầu năm, cùng với đó là sự nỗ lực, cố gắng của bộ, ngành và địa phương trong việc quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 là khá lớn, khoảng 711 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả vốn kế hoạch năm 2023 và vốn bổ sung từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề, đòi hỏi tất cả các cấp, ngành tiếp tục nỗ lực để đáp ứng mục tiêu năm nay giải ngân tối thiểu 95% tổng kế hoạch vốn đầu tư công. Đề cập tới những thuận lợi để giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đó là có rất nhiều dự án lớn, trọng điểm về giao thông đã được khởi công. Tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV cũng đã quyết nghị một số chính sách tháo gỡ cho đầu tư công, tạo điều kiện để các dự án được triển khai. “Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp được mời chào vay vốn nhưng không có nhu cầu vay

Trao đổi về tín dụng đối với nền kinh tế, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm tới nay, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2%/năm. Xu hướng chung, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục hạ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Đào Minh Tú cũng thừa nhận, dù lãi suất đã giảm song tới hết tháng 6, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14-15%. Điều này cho thấy, dư địa vốn còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay.

Lý giải lý do dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, ông Đào Minh Tú cho rằng, do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp, nên cầu tín dụng không thể tăng cao. Sản xuất, kinh doanh của nhiều DN rất khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều DN không có đơn hàng, kể cả DN FDI. Đồng thời, thị trường bất động sản chưa sôi động lại, dù ngành ngân hàng đã rất quan tâm đẩy mạnh cho tín dụng bất động sản. “Cũng có tình trạng nhiều DN muốn vay nhưng không chứng minh được có trả nợ được không. Ngược lại, nhiều DN được ngân hàng mời chào vay vốn nhưng không có nhu cầu vay, vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp”, ông Đào Minh Tú nêu.

Lãnh đạo NHNN Việt Nam cho biết, NHNN Việt Nam đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và DN, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn. Hy vọng với hàng loạt chính sách đồng bộ, lãi suất tiếp tục giảm sẽ tăng được tín dụng trong 6 tháng cuối năm.

Tại cuộc họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô-người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Đỗ Văn Sơn-nguyên kế toán trưởng của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC), đối tượng bị truy nã, đã ra đầu thú tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành các thủ tục tố tụng và tích cực đấu tranh, khai thác đối tượng Đỗ Văn Sơn để làm rõ một số tình tiết trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Nhân vụ việc này, Bộ Công an tiếp tục kêu gọi các đối tượng trong vụ án Công ty AIC đang lẩn trốn sớm ra đầu thú để được xem xét hưởng khoan hồng. Các đối tượng có thể liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoặc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để được hướng dẫn, hỗ trợ khi ra đầu thú.

Miền Bắc không thiếu điện từ nay đến cuối năm Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, cung ứng điện cho miền Bắc đã bớt căng thẳng từ cuối tháng 6 và sẽ không thiếu điện phục vụ sản xuất của DN, sinh hoạt người dân từ nay tới cuối năm 2023. Tuy nhiên, vận hành hệ thống điện cả nước, nhất là hệ thống điện miền Bắc vẫn khó khăn do nắng nóng kéo dài trong khi mực nước các hồ thủy điện cải thiện nhưng ở mức thấp.

VŨ DUNG

Bài liên quan

Tin mới

Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon
Israel không kích các cứ điểm của Hezbollah ở Lebanon

Ngày 19-9, Israel triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu thực hiện các đợt không kích dữ dội nhằm vào các cứ điểm của lực lượng Hezbollah tại Lebanon.

Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024
Tàu 18 rời Australia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại Kakadu 2024

Sáng 20-9, Tàu 18 thuộc Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân do Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân là Trưởng đoàn đã rời cảng Coonawarra, thành phố Darwin, Australia, bắt đầu hành trình về nước sau khi hoàn thành tốt tất cả các khoa mục tại Diễn tập Kakadu 2024 do Hải quân Hoàng gia Australia đăng cai tổ chức.

Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
Các trường hợp dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân
Tỉnh Quảng Trị di dời khẩn cấp 84 hộ dân

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều 19-9 trên địa bàn huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) có mưa vừa, mưa to đến rất to gây chia cắt các ngầm tràn trên các tuyến quốc lộ, đường liên xã, đường nội thôn ở một số địa phương. Đặc biệt, tại một số khu vực thuộc huyện Hướng Hóa có nguy cơ sạt lở núi gây ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống nhân dân.

Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4
Quảng Bình sơ tán 3.059 người phòng tránh bão số 4

Do ảnh hưởng của bão số 4, đến 5 giờ sáng 20-9, các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đã tổ chức sơ tán 874 hộ với 3.059 người ra khỏi vùng có nguy cơ cao do sạt lở.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024
Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tháng 9 và quý IV/2024.