Đội Quản lý thị trường số 3 tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các loại hàng hóa trên địa bàn huyện Hạ Hòa
Những năm gần đây, việc xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được chú trọng, mạng lưới bán lẻ truyền thống và hiện đại tiếp tục được “phủ sóng” trên khắp các xã, thị trấn, đảm bảo cả về loại hình, quy mô, chất lượng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Toàn tỉnh hiện có bốn trung tâm thương mại và 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống, trên 20.000 cửa hàng chuyên doanh, tiện lợi, tạp hóa đang hoạt động ổn định.
Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng đã có nhiều tiến bộ, tích cực sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp và trực tuyến nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng, xu hướng bán hàng trên nền tảng công nghệ số để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả, lợi nhuận kinh doanh.
Mạng lưới hạ tầng thương mại được mở rộng là điều kiện thuận lợi để hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp đà phát triển, đạt mức tăng trưởng cao, nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định. Tính chung hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 8.200 tỉ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt 6.700 tỉ đồng, chiếm 82,2% tổng mức, tăng 18,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 841 tỉ đồng, chiếm 10,2% tổng mức, tăng 133%...
Mục tiêu đặt ra là đưa thương mại - dịch vụ trở thành cầu nối vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng bình quân 11,5-12%/năm, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... chiếm khoảng 30-35%.
Hoạt động thương mại - dịch vụ sôi động cũng là cơ hội để các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lợi dụng để trà trộn, qua mắt người tiêu dùng. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán Quý Mão, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, lượng khách đến các điểm du lịch tăng cao, vì vậy một số hàng hoá tiêu dùng, thực phẩm có nguy cơ bị tăng giá bất hợp lý nếu không được kiểm soát tốt.
Để khắc phục tình trạng đó, căn cứ vào các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh đã ban hành Kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Ảnh minh họa
Ngay từ đầu năm nay, Cục QLTT đã tích cực vào cuộc, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó tập trung kiểm tra các địa bàn trọng điểm và những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại đến các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh và yêu cầu các đơn vị, hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện kinh doanh đúng pháp luật, niêm yết công khai giá bán các loại hàng hóa, dịch vụ, từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực trong chấp hành các quy định của pháp luật về thương mại, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, Cục QLTT chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực hiện kết nối cung cầu đảm bảo lưu thông hàng hóa; rà soát, cập nhật, phân loại tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ để giám sát, theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, Cục QLTT đã xử lý 115 vụ vi phạm, chủ yếu là vi phạm về hàng cấm, hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ, không niêm yết giá bán hàng hóa, dịch vụ tại điểm phải niêm yết theo quy định, nộp thu ngân sách nhà nước gần 400 triệu đồng. Thời gian tới, Cục tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT phụ trách địa bàn huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra các mặt hàng ở địa bàn trọng điểm như: Chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, các tuyến phố buôn bán sầm uất; chú trọng kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến... Đặc biệt là tập trung giám sát đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, an toàn, hiệu quả”.