Kinh tế Tây Ban Nha hưởng “trái ngọt” nhờ chính sách nhập cư cởi mở
Nhờ cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với vấn đề nhập cư, Tây Ban Nha đã trở thành “ngôi sao sáng” trong bức tranh kinh tế châu Âu.
Theo AP, bên trong nhà máy sản xuất thực phẩm BonÀrea rộng lớn ở Tây Ban Nha, những người lao động từ 62 nước làm việc cùng nhau để hàng triệu chiếc đùi lợn muối được treo lên băng chuyền. Các công ty như BonÀrea dựa vào người lao động nước ngoài để duy trì hoạt động kinh doanh. “BonÀrea sẽ không thể tồn tại nếu không có người từ các quốc gia khác đến đây làm việc”, ông Xavier Moreno, Giám đốc nhân sự của công ty BonÀrea nhấn mạnh.
![]() |
Công nhân nước ngoài làm việc tại nhà máy thực phẩm BonÀrea ở thị trấn Guissona, tỉnh Lleida, Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Imges |
Người lao động nước ngoài đã góp phần biến nền kinh tế Tây Ban Nha trở thành niềm ao ước của nhiều nước trong khu vực, ngay cả khi làn sóng phản đối nhập cư đang gia tăng ở những nơi khác tại châu Âu và Mỹ. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, việc khai thác lao động nước ngoài đã giúp nền kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng khoảng 3% vào năm ngoái, vượt xa mức trung bình 0,8% của Khu vực đồng euro (Eurozone). Theo Bộ Hòa nhập, An sinh xã hội và Di cư Tây Ban Nha, 45% tổng số việc làm được tạo ra kể từ năm 2022 đã được lấp đầy bởi khoảng nửa triệu lao động nước ngoài. Gần 3 triệu người nước ngoài hiện chiếm 13% lực lượng lao động của Tây Ban Nha. Bộ trưởng Bộ Hòa nhập, An sinh xã hội và Di cư Tây Ban Nha Elma Saiz đã tái khẳng định sự ủng hộ của đất nước đối với việc thu hút lao động nước ngoài. Bà lưu ý: “Chúng tôi có hai lựa chọn. Trở thành một quốc gia khép kín và nghèo đói hoặc một quốc gia cởi mở và thịnh vượng”. Ông Pedro Aznar, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Esade ở thành phố Barcelona, nhận định dòng lao động nước ngoài giúp nền kinh tế Tây Ban Nha hoạt động tốt hơn nhiều so với Đức, nơi ngành sản xuất đang khủng hoảng.
Trong khi các đảng cực hữu ở nhiều nước châu Âu thúc đẩy chính sách chống nhập cư, Tây Ban Nha phần lớn phản đối những ý tưởng này. Một số nhóm chính trị đã cố gắng hạn chế nhập cư, nhưng họ không có nhiều tác động đến chính sách quốc gia. Chính phủ Tây Ban Nha tiếp tục ủng hộ nhập cư hợp pháp với lập luận rằng điều này có lợi cho nền kinh tế đất nước. Phát biểu trước Quốc hội vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Pedro Sánchez tuyên bố: “Chào đón những người đến đây tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ là nghĩa vụ mà còn là bước đi thiết yếu để bảo đảm sự thịnh vượng trong tương lai của chúng ta”.
Kể từ sau đại dịch Covid-19, hầu như toàn bộ sự gia tăng dân số của Tây Ban Nha là do nhập cư với 1,1 triệu người đến nước này chỉ riêng trong năm 2022. Người nhập cư đã giúp Tây Ban Nha có thêm nguồn cung lao động trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa-một thách thức phổ biến ở các nước châu Âu. Trong khi đó, lao động nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong các ngành dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và xây dựng-những ngành vốn phải vật lộn để tuyển dụng nhân viên địa phương. Nhiều người trẻ Tây Ban Nha chọn công việc lao động trí óc, bỏ qua những công việc chân tay có mức lương thấp. Tại Barcelona, chủ quán cà phê Jordi Ortiz cho biết anh không thể duy trì hoạt động kinh doanh nếu không có đội ngũ nhân viên chủ yếu là người Mỹ Latin. Anh Ortiz chia sẻ: “Về cơ bản là 80% người nước ngoài, 20% người trong nước. Người Tây Ban Nha không muốn làm việc trong lĩnh vực dịch vụ”. Về phần mình, nhà thầu Víctor Lisbona cho biết: “Những người Tây Ban Nha trẻ tuổi không muốn làm những công việc nặng nhọc như xây dựng, lái xe tải, thợ mộc. Họ muốn học để trở thành luật sư, bác sĩ”.
Người Mỹ Latin chiếm phần lớn trong số những người nhập cư hợp pháp ở xứ sở bò tót. Theo cuộc điều tra dân số gần đây nhất, hơn 4 triệu người nhập cư Mỹ Latin đang sống tại Tây Ban Nha vào năm 2023. So với các nước châu Âu khác, Tây Ban Nha là điểm đến hấp dẫn hàng triệu người di cư từ Mỹ Latin bởi tại đây, họ có thể nhanh chóng hòa nhập vào thị trường việc làm nhờ có chung ngôn ngữ.
Tình trạng dân số già hóa của Tây Ban Nha đã đặt ra thách thức kinh tế dài hạn. Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha ước tính rằng nước này sẽ cần 30 triệu người nhập cư ở độ tuổi lao động trong 30 năm tới để duy trì sự cân bằng giữa người lao động và người về hưu cùng trẻ em. Chính phủ Tây Ban Nha hiện có kế hoạch cấp giấy phép lao động và tình trạng pháp lý cho khoảng 900.000 người nhập cư không có giấy tờ trong 3 năm tới. Các quan chức tin rằng điều này sẽ giúp lấp đầy các vị trí việc làm và tăng doanh thu thuế, qua đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
LÂM ANH
Tin mới
Tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk về Sở Công Thương
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có quyết định về việc sắp xếp, tổ chức lại cơ cấu tổ chức của Sở Công thương, trong đó tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk (thuộc Bộ Công thương) và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trực thuộc Sở Công Thương.
Thu giữ 1.500 điếu cigar nhập lậu tại Hà Nội
Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại quận Long Biên, qua đó phát hiện khoảng 1.500 điếu cigar cùng thuốc lá ngoại nhập lậu, có dấu hiệu tiêu thụ trái phép.
Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra
Tại Toạ đàm với chủ đề "Phòng chống buôn lậu thuốc lá: Nhiều thách thức đặt ra" do Báo Tiền phong tổ chức ngày 2/4/2025 đại diện bộ ngành, cơ quan quản lý cho rằng thực trạng buôn lậu thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng vẫn không ngừng gia tăng, mặc dù lệnh cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ Nghị quyết 173/2024/QH15.
Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng đồng chí Khamtay Siphandone
Sáng 4-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tới Đại sứ quán nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Hà Nội viếng nguyên Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu duy trì ổn định
Bản tin nông sản hôm nay (4-4): Giá cà phê, hồ tiêu trong nước duy trì ổn định, giá lúa gạo tăng nhẹ.
Thuế 46% của Mỹ - tác động và giải pháp ứng phó
Ngày 2-4-2025 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố biểu thuế đối kháng có hiệu lực từ ngày 9-4-2025, theo đó thuế suất đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên đến 46% - chỉ thấp hơn mức 49%, 48% mà Mỹ áp đặt lên Campuchia và Lào.