• Click để copy

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Khơi thông các động lực tăng trưởng

Tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng cho phát triển kinh tế-xã hội là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội diễn ra ngày 1-11, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó cho doanh nghiệp; thúc đẩy tiêu dùng nội địa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động; thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn...; cùng với đó phân tích có nên biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa (SGK) trong thời điểm này.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Khơi thông các động lực tăng trưởng
 Quang cảnh phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội ngày 1-11.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp

Qua thảo luận, nhiều đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nền kinh tế nước ta vẫn có nhiều điểm sáng, bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô là thành quả đặc biệt quan trọng. Song, các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều nút thắt cần phải khơi thông, nhất là về thể chế, để tạo sức bật cho nền kinh tế.

Đề cập tới một trong những tồn tại hiện nay, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng, vẫn còn sự chậm trễ, kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật; một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí; hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp; không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp; khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu để tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp. Giải pháp kích cầu tiêu dùng có thể bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, tăng cho vay tiêu dùng để tăng sức mua...

Một số ý kiến đề xuất tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết ngày 30-6-2024; đồng thời chỉ đạo Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ ngày 1-7-2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công; khắc phục những bất cập, chồng chéo và khó thực hiện trong hệ thống pháp luật sẽ góp phần giúp khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không dám làm.

Bổ sung thêm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) phân tích, trong khó khăn, giải pháp trực diện, phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là đưa tiền vào nền kinh tế. Giải pháp này đã được Quốc hội ban hành nhưng thực tế triển khai gặp nhiều trở ngại, có hiện tượng có tiền mà không tiêu được.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay vẫn là đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu minh bạch. Cùng quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, cải cách thể chế là một nguồn lực. Do đó, đề nghị sớm thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế, coi đây là điểm đột phá quan trọng. “Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy "cái áo cơ chế" của chúng ta đã quá chật hẹp”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV: Khơi thông các động lực tăng trưởng
 Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam, Ninh Bình. Ảnh: KHÁNH AN

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bàn về các giải pháp dài hạn, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm, nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động là chìa khóa cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững và là lợi thế cạnh tranh. Năm 2023, trong các chỉ tiêu chưa đạt, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%. Đây là năm thứ ba liên tiếp không đạt chỉ tiêu này.

Theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan và bằng 94,2% của Philippines.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đã nêu thực tế, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn rất hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn và các ngành phục vụ kinh tế số. Cơ cấu ngành nghề đào tạo hiện nay chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới.

Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đặt vấn đề, cho dù chúng ta thiện chí đến đâu, đầu tư hạ tầng nhà xưởng sẵn sàng thế nào, nhưng nếu chưa có lao động chất lượng cao, chuyên sâu chuyển đổi và năng suất lao động được cải thiện thì làm sao có thể thu hút “đại bàng” công nghệ tới đầu tư.

Đề cập tới hiện trạng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) đề nghị cần rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác dự báo nguồn nhân lực gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đánh giá lại quá trình và kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho thanh niên.

 Ở góc độ khác, trong vấn đề nguồn nhân lực, đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) cho hay, thực tế thời gian qua, việc thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm, dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng. Đồng thời phải có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng chính sách hấp dẫn, thu hút nguồn lực cho nông nghiệp

Một vấn đề quan trọng được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp, nhất là tại các vùng nông thôn. Theo các đại biểu, năm 2023, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn. Thế nhưng, đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.

Theo số liệu thống kê, trong hơn 900.000 doanh nghiệp của cả nước đang hoạt động, chỉ có hơn 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đáng nói, trong số đó thì doanh nghiệp hoạt động ở vùng nông thôn rất ít, chủ yếu đầu tư ở các cụm, khu công nghiệp, đô thị. Điều này dẫn tới nông nghiệp vùng nông thôn là “khoảng trống” cho tư thương thu gom, làm giá...

Quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh, nền nông nghiệp nước ta được định hướng chuyển đổi tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, có sức cạnh tranh cao.

Để thực hiện điều này, doanh nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần định hình tư duy của nông dân để thực hành làm kinh tế nông nghiệp. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi cho nông nghiệp xanh vì hiện nay, lãi suất còn khá cao so với khả năng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp nên doanh nghiệp không thể vay vốn đầu tư vào nông nghiệp.

Có cùng quan điểm, đại biểu Tạ Minh Tâm (đoàn Tiền Giang) đề nghị rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại sản xuất, thu hút đầu tư, tăng sức hấp dẫn trong kinh doanh nông nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc hiện có, có chính sách đột phá, xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa.

Việc cần ưu tiên là thẩm định chất lượng sách giáo khoa

Vấn đề nên hay không nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ SGK trong chương trình giáo dục phổ thông mới cũng là một trong những nội dung gây tranh luận của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 31-10 và 1-11.

Bày tỏ quan điểm đồng tình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần biên soạn một bộ SGK để bảo đảm chủ động trong mọi tình huống, cũng như thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công tác biên soạn sách. Còn đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đề nghị, cần có kế hoạch cụ thể trong việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện biên soạn thêm bộ SGK.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, bày tỏ quan điểm chưa giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ SGK, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc quan trọng lúc này là hãy dành nguồn lực để hoàn thiện tốt nhất các bộ sách đang có.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhận định, thay vì giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ SGK thì việc tập trung chỉ đạo biên soạn SGK cho trẻ em khiếm thính, khiếm thị, SGK dạy tiếng dân tộc thiểu số là việc cấp thiết hơn. Bên cạnh đó, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đứng ra tổ chức biên soạn một bộ SGK hay không thì bộ sách ấy cũng phải được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ SGK do các tổ chức, cá nhân khác biên soạn.

Tiếp tục phân tích để bảo vệ cho lập luận Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần biên soạn thêm bộ SGK, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ trương xã hội hóa SGK là nhằm tranh thủ khai thác chất xám, kinh nghiệm của các chuyên gia, học giả, các nhà khoa học giáo dục, nhà giáo để soạn thảo các SGK phục vụ cho cải cách giáo dục; đồng thời huy động tiềm lực kinh tế của xã hội.

Phát biểu giải trình liên quan vấn đề SGK được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, số tiền chi cho đổi mới giáo dục đến nay là 213.449 tỷ đồng, con số này thống kê bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

Riêng chi cho đổi mới giáo dục (biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới, thẩm định SGK, tập huấn giáo viên) đến nay là 395,2 tỷ đồng. Trước các ý kiến việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm bộ SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất là thẩm định chất lượng của các SGK lớp 5, 9, 12 thật tốt, bảo đảm đủ SGK trước năm học mới. "Về vấn đề biên soạn thêm bộ SGK, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất trong một, hai năm tới khi chu trình đổi mới sách, chương trình hoàn tất. Khi đó mới có đánh giá sâu và đưa ra phương án phù hợp".

VŨ DUNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.