Ký kết khung Chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam-ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026
Chiều 28-3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo và Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Ingrid Christensen đã cùng ký kết vào Bản ghi nhớ của khung chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam và ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng được Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phát động từ năm 1999 với 4 trụ cột chính là: Tạo việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy quyền của người lao động và đối thoại xã hội. Kể từ khi Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng được ILO phát động trên toàn cầu, Việt Nam và ILO đã cùng nhau xây dựng và ký kết thực hiện 3 chu kỳ hợp tác cho giai đoạn 2006-2010, 2012-2016 và 2017-2021. “Trong ba chu kỳ hợp tác vừa qua, ILO đã luôn đồng hành cùng với các đối tác ba bên của Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình việc làm thỏa đáng, góp phần thúc đẩy công bằng và tiến bộ xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ ký kết Bản ghi nhớ của khung chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam và ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 |
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong chu kỳ hợp tác lần thứ tư này, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, đảm bảo quyền lợi của người lao động, của doanh nghiệp và của xã hội.
Tại lễ ký kết, nhấn mạnh vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tin tưởng rằng, khung Chương trình Quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 phù hợp và đáp ứng nhu cầu của Việt Nam nói chung và Công đoàn Việt Nam nói riêng hướng tới thực hiện mục tiêu về việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người. Công đoàn Việt Nam cam kết sẽ tích cực tham gia trong quá trình thực hiện kế hoạch hoạt động cụ thể để có thể triển khai thành công Chương trình giai đoạn 2022-2026.
Các đại biểu ký kết Bản ghi nhớ của khung chương trình hợp tác Quốc gia Việt Nam – ILO về việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 |
Phát biểu tại buổi lễ, bà Ingrid Christensen-Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh: “ILO vui mừng và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác xã hội. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt ở cấp quốc gia và địa phương tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng việc ký kết ngày hôm nay và khung chương trình Quốc gia việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026 sẽ là bước quan trọng tiếp theo trong hành trình hướng tới mục tiêu chung là thúc đẩy công bằng xã hội và việc làm bền vững cho tất cả mọi người”.
Khung chương trình mới đưa ra khuôn khổ hợp tác giữa ILO và các đối tác tại Việt Nam cho tới năm 2026 với mục tiêu hướng tới việc làm thỏa đáng và bền vững cho tất cả mọi người. Đến năm 2026, người dân Việt Nam, đặc biệt là những người có nguy cơ bị bỏ lại phía sau sẽ đóng góp và thụ hưởng một cách công bằng từ quá trình chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện và đáp ứng giới dựa trên đổi mới sáng tạo, tinh thần kinh doanh, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và việc làm thỏa đáng; được thụ hưởng từ các dịch vụ xã hội và hệ thống an sinh xã hội có tính toàn diện, có trách nhiệm giới, nhạy cảm với người khuyết tật, công bằng, chi phí hợp lý và có chất lượng, với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, toàn diện, bền vững và tăng quyền cho người dân để giúp họ phát huy tối đa tiềm năng của mình; được thụ hưởng và đóng góp vào một xã hội công bằng, an toàn và toàn diện hơn dựa trên nền tảng quản trị công được cải thiện, các thể chế phản hồi nhanh hơn, tăng cường pháp quyền, tăng cường bảo vệ và tôn trọng quyền con người, bình đẳng giới và loại trừ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
HÀ VŨ
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.