Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Gian lận công nghệ cao vẫn là một thách thức
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có hơn 1 triệu thí sinh tại 63 tỉnh, thành phố dự thi. Với sự vào cuộc của toàn hệ thống, kỳ thi đã diễn ra suôn sẻ.
Đề thi tuy còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng nhìn chung có tính phân hóa, bảo đảm mục đích kỳ thi. Riêng vấn đề gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao vẫn là bài toán khó bởi sự cố lộ đề hai lần trong một kỳ thi.
Cả nước đồng hành với thí sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra trong 3 ngày (từ 27 đến 29-6) thì từng ấy ngày đều có sự đồng hành của các lực lượng hỗ trợ. Từ cán bộ coi thi, thanh tra giám sát vòng trong đến lực lượng bên ngoài như công an, tình nguyện viên và cả các bậc phụ huynh. Ai cũng hết lòng sát cánh cùng sĩ tử, với ước mong các em làm bài tốt và có một kỳ thi thành công.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Hà Nội. |
Tại Hà Nội, gần 6.000 tình nguyện viên đã ra quân tiếp sức mùa thi, hỗ trợ hơn 102.000 thí sinh và người nhà thí sinh tại 189 điểm thi. Cùng với việc huy động lực lượng thực hiện công tác chuyên môn, tại kỳ thi này, đoàn viên, thanh niên tại các điểm thi đều đa dạng loại hình tiếp sức cho thí sinh. Đại úy Nguyễn Văn Tài, Bí thư Đoàn Thanh niên Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6, Công an TP Hà Nội cho biết: “Chúng tôi bố trí cán bộ, chiến sĩ tại các nút giao thường xuyên ùn tắc, tiến hành phân luồng từ xa lúc 6 giờ sáng. Ngoài việc bảo đảm phân luồng, hướng dẫn phương tiện, điều tiết giao thông, chúng tôi còn chuẩn bị mô tô chuyên dụng đề phòng trường hợp đột xuất, cảnh sát giao thông sẽ hỗ trợ các thí sinh vào thi đúng giờ”. Theo chia sẻ của Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy và Điều khiển đèn tín hiệu, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, thời điểm diễn ra kỳ thi trùng với giờ cao điểm đi làm của cán bộ, công chức, lại vào ngày thường nên gần 600 camera các loại của trung tâm chỉ huy giao thông và điều khiển tín hiệu đèn giao thông thành phố đã được phát huy tối đa để có những mệnh lệnh chỉ huy chính xác nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỉnh Điện Biên có 24 điểm thi với gần 6.700 thí sinh tham dự. Với tinh thần “tuyệt đối không để thí sinh nào bỏ thi vì quá khó khăn về điều kiện kinh tế và đi lại”, nhiều lực lượng đã được huy động để hỗ trợ thí sinh ăn, nghỉ, sinh hoạt trong những ngày diễn ra kỳ thi. Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã rà soát, lập danh sách 410 thí sinh là con gia đình hộ nghèo, cận nghèo, mồ côi hoặc bố mẹ mất khả năng lao động... cần được tiếp sức để chuyển đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Tỉnh đoàn quan tâm hỗ trợ. Đường đi từ thành phố đến các điểm thi của xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) và xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) vốn có nguy cơ sạt lở cao do mưa kéo dài những ngày qua đã bảo đảm an toàn, thông suốt".
Trong khi đó, tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang... đều có chiến sĩ đang tham gia nghĩa vụ quân sự đăng ký dự thi. Chiến sĩ Đặng Lê Quốc Thái thuộc Trung đoàn 892, Bộ CHQS tỉnh An Giang chia sẻ: “Những ngày qua, tôi và các đồng đội được đơn vị hỗ trợ ôn luyện. Đầu tháng 6, chúng tôi được bố trí phòng riêng tại Trung đoàn, sinh hoạt tập trung, ôn thi cùng nhau. Trong thời gian diễn ra kỳ thi, đơn vị còn bố trí xe đưa đón bảo đảm tối đa quyền lợi của thí sinh”.
Đề thi còn nhiều tranh cãi
Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo thống kê, năm nay hơn 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi kết thúc môn thi Ngữ văn, dư luận đã “dậy sóng” với các ý kiến về đề thi. Trong đó, nhiều giáo viên nói đề thi môn Ngữ văn trùng lặp với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa diễn ra ở Hà Nội và đề thi thử ở Nghệ An; đề thi “quá quen thuộc, dễ đoán và không khuyến khích sáng tạo”. TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn ở Hà Nội nhận định, đề thi Ngữ văn trong kỳ thi bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, phần đọc hiểu vừa sức với thí sinh sẽ khó tìm được những bài làm sáng tạo, độc đáo, bởi hệ thống câu hỏi vẫn theo hướng giảm tải như nhiều năm nay. Câu hỏi vận dụng cao một mặt có thể giúp những thí sinh có sự trải nghiệm và suy tư sâu sắc thể hiện được quan điểm, chính kiến của mình về cách nghĩ, cách sống, nhưng mặt khác cũng có thể tạo điều kiện cho một số thí sinh đưa ra những suy nghĩ hời hợt, khuôn mẫu và sáo rỗng. Như vậy, khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại chủ yếu được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh lại cho rằng đề thi Ngữ văn năm nay ổn vì tính phân hóa tốt. Với đề thi ở phạm vi quốc gia, cần cân nhắc đến mục đích, đối tượng, sau đó xác định nội dung ra đề phải bảo đảm tính an toàn và đáp ứng yêu cầu phân hóa.
Tương tự, đề thi môn Địa lý thuộc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội cũng gặp không ít phản ánh từ giáo viên và thí sinh là “khó và lạ”. Về vấn đề này, GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi cấp quốc gia khẳng định: “Tinh thần đề thi cơ bản giữ ổn định cấu trúc năm 2022, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đưa vào quy trình kiểm soát nội dung đã thi bằng phần mềm lọc, do đó đã hạn chế rất nhiều phần trùng lặp”. Tuy nhiên, GS Nguyễn Ngọc Hà cũng thừa nhận hiệu quả của biện pháp này còn phụ thuộc vào dữ liệu đưa vào. Việc trùng lặp ngữ liệu với đề thi của tỉnh Nghệ An là có nhưng lệnh hỏi hoàn toàn khác. “Hội đồng thi tốt nghiệp THPT vào làm việc từ ngày 2-6, khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội chưa diễn ra nên chúng tôi không có thông tin về đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội, vì vậy hệ thống không thể quét để tránh. Về môn Địa lý, chúng tôi sẽ thu nhận thông tin và trao đổi với tổ ra đề, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm công bằng cho thí sinh”, GS Nguyễn Ngọc Hà cho biết.
Chia sẻ thêm về ý kiến đề Ngữ văn “cũ kỹ”, GS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng Bộ GD-ĐT trong quá trình ra đề thi luôn chú trọng việc đề thi phải bảo đảm tính công bằng, thể hiện qua việc phải phân hóa được học sinh. Cụ thể, đề thi năm nay có 50% là mức độ thông hiểu, 25% là mức độ nhận biết, 25% là vận dụng và vận dụng cao. Từ năm 2025, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai hoàn toàn, không có những ràng buộc về ngữ liệu cụ thể như hiện nay, lúc đó sẽ có những đề thi sáng tạo hơn.
Sự cố lộ đề vẫn xảy ra
PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Phòng, chống gian lận là vấn đề đã lường trước và phòng từ xa qua nhiều văn bản, tập huấn. Tuy nhiên, với một quy mô lớn như kỳ thi này, có một vài trường hợp cá biệt. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu đưa ra phương án phòng, chống gian lận phối hợp cùng Bộ Công an trong thời gian tới. Hai thí sinh làm lộ đề thi môn Ngữ văn và Toán tại Cao Bằng và Yên Bái đã bị xử lý theo đúng quy chế. Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra xử lý theo pháp luật các bên liên quan cả đối tượng truyền và nhận, tán phát đề thi để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Thông tin thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an cho rằng: “Với những trường hợp lộ đề, cơ quan công an sẽ tiếp tục làm rõ, xác minh, kết hợp với những khai báo của các đối tượng liên quan khác để xác định xem có lời giải chuyển vào không. Xác minh đến thời điểm này chưa có lời giải được chuyển vào, không làm ảnh hưởng đến kết quả thi. Hiện tại, chỉ có hai trường hợp xảy ra, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kỳ thi cũng như công tác bảo đảm an ninh, an toàn”.
Liên quan đến việc xử lý hai thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xử lý theo quy định. Trong trường hợp phải xử lý hình sự, sẽ căn cứ vào quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn. “Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả sẽ được thông tin tới báo chí”, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho hay.
Bài và ảnh: HÀ HIẾU AN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.