Lan tỏa lễ cưới theo nếp sống mới
Không tiệc tùng linh đình, xa hoa, lãng phí mà là một lễ cưới được tổ chức giản dị và trang trọng, cô dâu cùng chú rể trong trang phục áo dài truyền thống tham gia những hoạt động ý nghĩa. Đó là lễ cưới tập thể theo nếp sống mới do Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội tổ chức cho 18 đôi bạn trẻ, đánh dấu 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố (Chỉ thị 11).
Trong trang phục áo dài truyền thống với gam màu trắng và đỏ, 18 cặp cô dâu-chú rể hạnh phúc tay trong tay, tề tựu tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), cùng thực hiện nghi lễ dâng hương, dâng cặp bánh cốm phu thê tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ và đền Bà Kiệu. Tiếp đó, các đôi uyên ương xúc động khi được tham gia "Hành trình tình yêu", mở đầu bằng phóng sự "Hành trình tình yêu-10 năm thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới", tổng kết 10 năm tổ chức Đoàn Thanh niên thành phố thực hiện Chỉ thị 11, cùng nhiều ca khúc mang âm hưởng hiện đại về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi do các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn.
Các cô dâu, chú rể hạnh phúc trong lễ cưới tập thể theo nếp sống mới. Ảnh: QUANG HUY |
Bén duyên từ những ngày xung phong trực chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, vợ chồng Nguyễn Quốc Mạnh và Trần Hà Ly (ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) đăng ký kết hôn mà chưa tổ chức lễ cưới. “Nhận được thông tin về lễ cưới tập thể do Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức, chúng tôi rất háo hức bởi thấy rằng đây là việc làm ý nghĩa. Vợ chồng tôi quyết định đăng ký tham gia và nhận được sự tán thành của bố mẹ hai bên”, chú rể Nguyễn Quốc Mạnh chia sẻ trong giờ phút đánh dấu sự khởi đầu mới của hạnh phúc lứa đôi.
Cô dâu Nguyễn Thị Khánh Ly từng là sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, còn chú rể Phạm Đức Duy là cựu sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sau khi ra trường, họ cùng đến làm việc tại một công ty. Sau gần 6 năm tìm hiểu, hai bạn trẻ quyết định tiến tới hôn nhân. Là một trong 18 đôi uyên ương được nhận hoa, nhẫn cưới và vé máy bay đi tuần trăng mật do Ban tổ chức trao tặng, Khánh Ly bày tỏ: “Chúng tôi rất hạnh phúc và cảm thấy may mắn khi là một trong những cặp được tham dự lễ cưới tập thể rất ý nghĩa. Chúng tôi sẽ truyền tải thông điệp tích cực, lan tỏa về lối sống văn minh, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam”.
10 năm qua, tổ chức đoàn, hội của Thủ đô đã xe duyên, tổ chức hàng nghìn lễ cưới thanh niên theo nếp sống mới, trong đó có 4 lễ cưới tập thể mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc đến với các gia đình trẻ. Không chỉ có một mái ấm hạnh phúc sau nhiều năm nên duyên, các cặp đôi còn trở thành những thành viên tích cực trong việc thực hiện Chỉ thị 11.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP Hà Nội, chia sẻ: “Việc chủ động, tích cực đăng ký tham gia chương trình của các cặp đôi đồng nghĩa với các chương trình, hoạt động của Đoàn, Hội đang lan tỏa, mang lại lợi ích chính đáng, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Lễ cưới tập thể được tổ chức nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về việc cưới theo nếp sống văn minh; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao lối sống tiết kiệm và văn minh trong giới trẻ; góp phần xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới và hình thức tổ chức cưới linh đình, xa hoa, phô trương, lãng phí”.
Lễ cưới tập thể theo nếp sống mới là một trong những mô hình điểm, cách làm hay đang được các cơ quan, đoàn thể tại Hà Nội thực hiện trong quá trình triển khai Chỉ thị 11. Bên cạnh đó còn có nhiều mô hình mới như: Lễ cưới “6 không” (không ăn uống linh đình, kéo dài; không hút thuốc lá; không tổ chức quá 1,5 ngày; không tổ chức vui chơi, văn nghệ quá 22 giờ, tổ chức hôn lễ không quá 45 phút; không lợi dụng lễ cưới để tụ tập uống rượu, bia say, quấy rối gây mất an ninh trật tự và tổ chức đánh bạc; không vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, nhất là trong quá trình tổ chức đưa, đón dâu) ở huyện Quốc Oai; lễ cưới “5 không” (không mời thuốc; không uống rượu say; không đánh bạc; không gây mất trật tự công cộng; không mở loa to từ 22 giờ hôm trước đến 7 giờ hôm sau) ở huyện Chương Mỹ, huyện Gia Lâm được nhiều gia đình hưởng ứng. Tại quận Hà Đông, nhiều lễ cưới được tổ chức theo nếp sống văn hóa, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình...
Việc vận động tổ chức cưới theo nếp sống mới đang có chuyển biến tích cực, nhất là khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong 10 năm (2012-2022), trên địa bàn TP Hà Nội có gần 64.500 lễ cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm.
Theo đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố được triển khai sáng tạo với nhiều hình thức, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, đơn vị; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong tổ chức, triển khai thực hiện.
KHÁNH MINH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.