Lạng Sơn: Cảnh báo tình trạng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới
Đại diện Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu có những vụ việc vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Các đối tượng lợi dụng thông qua các hợp đồng thương mại để hợp pháp hóa các hóa đơn chứng từ, kê khống hóa đơn để xuất bán hàng sang phía Trung Quốc dù thực tế không có hàng và tiền chuyển đi nước ngoài thì đại đa số là ngoại tệ.
Đối tượng Phan Văn Đông cùng tang vật của vụ án bị Công an Lạng Sơn bắt giữ ngày 6/2/2021.
Theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã xử lý và khởi tố nhiều vụ việc như vậy, có sự việc từ năm 2020 đến năm 2022 (thời điểm bị phát hiện), các đối tượng đã tổ chức chuyển đi thành công ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 100 triệu USD.
Điển hình, ngày 20/4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, công khai vụ án “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” đối với bị cáo Hoàng Phương Duy, sinh ngày 23/3/1985, trú tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Theo cáo trạng, từ năm 2017 đến năm 2019, Hoàng Phương Duy, Giám đốc Công ty CP đầu tư và thương mại Duy Đức đã chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước thứ ba theo yêu cầu của Đường Tiểu Yến và A Cường (người Trung Quốc) với tổng số tiền là 177.737.336,03 USD, tương đương 4.076.780.539.677,84 đồng. Với thủ đoạn thông qua việc sử dụng 65 bộ hợp đồng mua bán hàng hóa thực tế đã ký kết giữa Công ty CP đầu tư và thương mại Duy Đức với Công ty Đạt Hùng và Công ty Vĩnh Hồng. Theo đó khi nhận tiền chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam, Duy sử dụng bộ hợp đồng mua bán giữa Công ty CP đầu tư và thương mại Duy Đức với Công ty Vĩnh Hồng bằng cách thay đổi điều khoản thanh toán trên hợp đồng, từ việc Công ty Vĩnh Hồng thanh toán trực tiếp cho Công ty Đạt Hùng chuyển sang Công ty Vĩnh Hồng thanh toán trực tiếp cho Công ty CP đầu tư và thương mại Duy Đức.
Ngoài ra Duy còn lập thêm các phụ lục hợp đồng, sau đó dán mẫu dấu, mẫu chữ ký của Công ty Vĩnh Hồng vào phần đại diện bên mua và in, gửi đến các ngân hàng để nhận tiền. Khi chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài, Duy sử dụng bộ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Công ty CP đầu tư và thương mại Duy Đức với Công ty Đạt Hùng và lập các phụ lục hợp đồng với hình thức tương tự như trên rồi gửi đến các ngân hàng để chuyển tiền.
Để hiểu thêm về thủ đoạn vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, trao đổi với một tiểu thương thường xuyên làm thủ tục XNK hàng hóa qua biên giới Việt – Trung đã phần nào làm rõ hơn về thủ đoạn của loại tội phạm này.
Tiểu thương này cho biết việc chuyển tiền ra nước ngoài là một loại “dịch vụ ngầm” cho lợi nhuận rất cao. Bằng hình thức giả mạo việc thanh toán giao dịch hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế để thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài trái phép được diễn ra hợp pháp, thông qua nghiệp vụ thanh toán quốc tế của ngân hàng.
Để thực hiện, người thực hiện hành vi phải làm giả các hồ sơ thương mại quốc tế, bằng cách mua (hoặc mượn) hồ sơ pháp nhân của các DN (có chức năng XNK hàng hóa). Khi có hồ sơ, sẽ căn cứ vào đó để làm các thủ tục của bộ hồ sơ thương mại quốc tế, gồm hợp đồng thương mại, phụ lục hợp đồng, công văn đề nghị mở tài khoản, giấy ủy quyền, lệnh chuyển tiền, giấy đề nghị bán ngoại tệ, lệnh chuyển tiền, yêu cầu chuyển tiền... Ngoài ra, trong các hồ sơ thương mại phục vụ cho việc chuyển tiền tại các ngân hàng, người thực hiện hành vi còn phải làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức có liên quan, chẳng hạn như thủ tục hải quan, chứng chỉ xuất xưởng hàng hóa của nhà sản xuất (CO, CQ...). Sau khi có hồ sơ thương mại, các đối tượng móc nối với nhân viên ngân hàng, cụ thể là bộ phận thanh toán quốc tế, để làm các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu của khách. Số tiền thu lợi sau khi trừ đi các chi phí mua hồ sơ, phí ngân hàng, các đối tượng chia nhau theo tỷ lệ đã thỏa thuận từ trước.
Quá trình chuyển tiền, không nhất thiết số tiền này có xuất xứ từ Việt Nam mà có thể được chuyển từ nước ngoài về (theo đường tiểu ngạch, qua các kênh không hợp pháp), rồi bằng hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, nguồn gốc đồng tiền đã được “rửa sạch” vì mang danh nghĩa đơn vị đối tác nước ngoài thanh toán hợp đồng thương mại quốc tế.
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, đây là hình thức gian lận thương mại mới và gây rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số khó khăn còn tồn tại như sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả; công tác hỗ trợ tư pháp về kinh tế của phía Trung Quốc trong quá trình điều tra xác minh còn nhiều khó khăn…
NB
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.